Giành con, ai đau?

22/06/2022 - 12:00

PNO - Mâu thuẫn, không hạnh phúc, ly hôn và coi nhau là kẻ thù giữa các bậc sinh thành là sự thiệt thòi cho con cái họ. Chính những đứa trẻ vô tội ấy gánh chịu tổn thương, thiệt thòi và mất mát.

Sáng 29/5, người dân sống tại P.Hòa Hiệp Trung, thị xã Đông Hòa, tỉnh Phú Yên bàng hoàng hay tin ba người trong một gia đình bị sát hại. Tối cùng ngày, nghi phạm Đoàn Minh Hải bị bắt.

Đoàn Minh Hải bị bắt khi đang lẩn trốn tại TP.HCM
Đoàn Minh Hải bị bắt khi đang lẩn trốn tại TPHCM

 

Khai với cơ quan điều tra, Hải cho biết đã nung nấu ý định sát hại cả gia đình vợ từ trước. Do khi ly hôn, vợ được quyền nuôi con là bé V. (ba tuổi) nhưng lần nào Hải ghé thăm con, gia đình vợ cũng khó chịu, cản trở.

Từ một cô bé lẽ ra nhận đủ tình yêu thương, giờ đây, V. mồ côi mẹ, không còn ông bà ngoại và cha vướng vòng lao lý. Người ta xót xa nghĩ đến cuộc đời V. không chỉ gian nan hơn mà sau này, lúc đã tỏ tường ngọn nguồn sự việc, em sống ra sao với cú sốc, nỗi đau và sự ám ảnh cha mình đã gây nên thảm cảnh cho cả gia đình.

Dư luận lên án sự tàn nhẫn của Hải nhưng phần nào tiếc nuối cách đối đãi lẫn nhau của người lớn khi cuộc chung sống không còn thuận hợp. Thực tế, chuyện giành con, cản trở quyền thăm nuôi con sau ly hôn dường như vẫn xảy ra ở nhiều gia đình. Nhân danh mình yêu con hơn, có điều kiện chăm sóc con tốt hơn đối phương là lý lẽ của người lớn, bất chấp đứa trẻ đang cần điều gì. Nhiều trường hợp, bậc sinh thành lo lắng con gắn bó với người kia, tìm cách cản trở, đoạn tuyệt tình cảm bất chấp bản án tòa đã giao con cho đối phương nuôi dưỡng.

Bé V. (con gái của Đoàn Minh Hải) kể lại với nhiều người việc thấy cha giết hại mẹ và ông bà ngoại
Bé V. (con gái của Đoàn Minh Hải) kể lại với nhiều người việc thấy cha giết hại mẹ và ông bà ngoại

***

Giữa tháng Tư, Báo Phụ Nữ TPHCM tiếp nhận trợ giúp một trường hợp như vậy. Chị X. cho hay, gần một năm kể từ ngày ly hôn, chị không được gặp con. “Suốt một năm qua, tôi muốn gặp con thì phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 theo yêu cầu của gia đình chồng, đến giờ vẫn vậy. Nhưng, ngay cả khi có giấy xét nghiệm, nhà chồng vẫn gây khó dễ cho tôi. Họ tháo chuông cửa vờ như không biết tôi đến hoặc hẹn tới hẹn lui để kết quả xét nghiệm của tôi hết hạn” - chị X. nói. Lạ là, bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân Q.3 tuyên chị X. được quyền nuôi con. Lấy lý do kháng cáo và đang chờ phiên xét xử phúc phẩm, nhà chồng không “trả” con cho chị X.

Có được quyền nuôi con nhưng gần 5 năm qua kể từ lúc sinh con, chị N. chưa một lần được ôm con vào lòng
Có được quyền nuôi con nhưng gần 5 năm qua kể từ lúc sinh con, chị N. chưa một lần được ôm con vào lòng

Báo Phụ Nữ TPHCM đã từng đồng hành cùng chị N. (Q.Bình Tân) qua các phiên xét xử từ sơ thẩm, phúc thẩm đến giám đốc thẩm vụ ly hôn, giành quyền nuôi con của chị; tư vấn, hỗ trợ pháp lý cho chị trong nhiều trường hợp bị nhà chồng “lừa” để chị từ bỏ quyền nuôi con.

Năm 2018, lúc chị N. đang trong những tháng cuối thai kỳ, mẹ chồng thuyết phục chị về Bình Thuận để bà chăm sóc. Vừa về hôm trước, hôm sau đã xảy ra mâu thuẫn với mẹ chồng, chị N. “bấm bụng” sinh xong sẽ đưa con trở lại thành phố nhưng không ngờ, từ khi đứa trẻ chào đời cho đến nay, chị chưa từng được ôm con vào lòng.

Theo chị N., ngày tháng ở cữ, mặc kệ con dâu bầu ngực căng tức, mẹ chồng chị kiên quyết cho cháu uống sữa ngoài. Bà giành chăm sóc, cấm cản con dâu gần gũi con. Ở TP.HCM, chồng chị N. tin tất cả những gì mẹ mình “kể” về người con dâu hậu đậu, ngủ suýt đè chết con. Ba tháng sau sinh, không chịu nổi việc mẹ chồng hành hạ, hắt hủi, chị N. một mình trở lại TPHCM.

Lúc này, chồng chị càng không tin vợ, không cho vợ sống cùng. Chị N. đành xin ly hôn và giành quyền nuôi con. Quá trình đó, chị liên tục bị gia đình chồng ép buộc viết đơn từ bỏ quyền nuôi con. 

Trải qua hai năm với nhiều phiên xét xử, chị N. đã giành được quyền nuôi con. Tuy nhiên, mỗi lần thi hành án đến nhà, gia đình chồng chị lại mang đứa trẻ đi giấu. Nhớ con, hằng tuần, chị chỉ biết bắt xe về Bình Thuận, đứng từ xa nhìn con. Đằng đẵng hai năm trời như vậy. Mới đây, chị N. chia sẻ về quyết định không tìm thăm con nữa.

Chị nói: “Hễ tôi xuất hiện ở xóm là nhà chồng đều biết. Họ cứ miệt thị, chửi bới, tìm cách gây gổ với tôi. Sợ tôi đi cùng thi hành án, họ lại lén mang con đi giấu. Tôi nhận ra việc mình đến gần chỉ khiến con càng xa mình, khổ cho con hơn. Tôi có đọc đâu đó câu chuyện hai người đàn bà giành nhau một đứa trẻ. Họ kéo qua kéo lại khiến đứa trẻ đau, khóc. Lúc đó, người buông tay chỉ có thể là người mẹ”.

Chị N. trải lòng, chị chỉ còn hy vọng thời gian giúp mang con về cho mình. “Con lớn lên chắc chắn sẽ biết được về nỗ lực của tôi và sự cự tuyệt của nhà nội. Tôi chỉ mong khi ấy, con không đau khổ, oán trách người lớn đã cản ngăn, bắt mình phải rời khỏi vòng tay, tình yêu thương của mẹ” - chị nói.

***

Theo luật sư Đặng Đức Trí - Giám đốc Hãng luật Roma - chuyện cha/mẹ mang con đi giấu khi tòa án tuyên đối phương được quyền trực tiếp nuôi con không hề hiếm. Luật pháp có đầy đủ quy định về cưỡng chế thi hành án, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự người không thi hành bản án.

“Tuy nhiên, dù luật quy định rất rõ về các chế tài xung quanh việc thi hành án nhưng rất ít trường hợp bị xử lý. Nguyên nhân là người trong cuộc không theo đuổi đến cùng vụ việc hoặc thi hành án không kiên quyết đến cùng” - luật sư Trí phân tích. Qua đó, luật sư Trí cho rằng, lực lượng thi hành án dân sự, đặc biệt là án hôn nhân, tranh chấp quyền nuôi con cần quyết liệt, nghiêm minh hơn nữa để ngăn chặn tình trạng thách thức pháp luật như nhiều vụ việc đã, đang tạo tiền lệ xấu.

Cũng theo luật sư Trí, án ly hôn, giành quyền nuôi con vốn nặng yếu tố tình cảm, cư xử của người trong cuộc. May mắn, nhiều cặp vợ chồng giữ được tình bạn sau hôn nhân hoặc nghĩ cho tương lai con trẻ nên tạo điều kiện để đối phương thăm nom, chăm sóc. Ngược lại, không ít bậc sinh thành coi nhau là kẻ thù nên muốn giành đứa trẻ về “chiến tuyến” của mình. “Trong trường hợp này, người làm cha mẹ không chỉ ích kỷ với chồng/vợ cũ mà còn ích kỷ với con cái họ. Họ quên mất một đứa trẻ nhận đủ tình yêu thương, sự chăm lo, quan tâm của cả cha lẫn mẹ bao giờ cũng phát triển, trưởng thành tốt hơn” - luật sư Trí khẳng định.

Luật sư Trí kể lại một câu chuyện từng tham gia hỗ trợ pháp lý. Theo đó, tòa sơ thẩm tuyên chị H. được ly hôn chồng, mỗi người được trực tiếp nuôi một con chung. Chị H. kháng cáo, giành quyền nuôi cả hai đứa con. Ngày cấp phúc thẩm tuyên bác kháng cáo, chị H. đứng giữa tòa bật khóc, quyết định đưa cô con gái năm tuổi của mình đi trị liệu tâm lý do “liều thuốc” tốt nhất cho con đã không thể có được - chính là cậu con trai 10 tuổi do người chồng nuôi dưỡng.

“Con yêu mẹ, yêu em nhưng con cũng yêu ba. Nếu hai anh em con ở với mẹ hết, ba sẽ rất buồn, rất cô đơn; con tội ba nên con sẽ sống với ba” - đó là lời của cậu con trai khi trình bày nguyện vọng trước hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm.

Vốn gần gũi, quấn quýt với anh trai, con gái của chị H. không chịu nổi cú sốc vắng mặt anh và bị trầm cảm. Sau phiên sơ thẩm, chiều nào cô bé cũng ôm búp bê, đồ chơi xếp hình ra sân đứng chờ anh hàng tiếng cho đến khi mệt quá mới vào nhà ngủ vùi. Từ khóc lóc khi anh trai không về, cô bé chuyển sang không muốn nói chuyện với ai, hay mê sảng khi ngủ. Điều khiến chị H. đau lòng hơn chính là chồng cũ ngăn cản việc gặp gỡ giữa chị và con gái với cậu con trai của mình. 

Ngôi nhà xảy ra thảm cảnh Đoàn Minh Hải xuống tay sát hại ba người
Ngôi nhà xảy ra thảm cảnh Đoàn Minh Hải xuống tay sát hại ba người

 

Mâu thuẫn, không hạnh phúc, ly hôn và coi nhau là kẻ thù giữa các bậc sinh thành là sự thiệt thòi cho con cái họ. Chính những đứa trẻ vô tội ấy gánh chịu tổn thương, thiệt thòi và mất mát.

Dù có cạn tình, đó vẫn chỉ nên là câu chuyện ứng xử của người lớn. 

Phong Nhã

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI