PNO - PNO - Anh và tôi là bạn cùng lớp thời học đại học. Tình yêu thông qua bao tử - thời bao cấp, khổ cực ăn uống thiếu thốn ở ký túc xá khiến những lần đi chơi của chúng tôi chẳng bao giờ dám xa xỉ như vào quán cà phê mà chỉ là...
edf40wrjww2tblPage:Content
Những năm ra trường, chỗ ở không ổn định, lương không đủ sống tình yêu của chúng tôi cũng long đong, lận đận. Những ly chè và ly nước mía thời học trò dần bỏ lại sau lưng. Những lần gặp nhau anh than buồn chán vì công việc và thường rủ tôi vào một quán cóc nào đó, trong khi tôi uống ly nước ngọt hay ăn bánh mì thì anh thường kêu một ly rượu gọi là để giải sầu. Lúc đó tôi nào biết đến tác hại của rượu và những hệ lụy đằng sau nó. Tôi chỉ nghĩ đơn thuần: “Nam vô tửu như kỳ vô phong”, mỗi khi có ly rượu tôi thấy anh cũng hay hay, ăn nói có duyên, hoạt bát hơn, không còn vẻ chán nản và ủ rủ nữa; anh vẽ ra nhiều kế hoạch cho tương lai hai đứa. Thú thật lúc đó tôi không hề biết rượu đã làm cho anh hưng phấn.
Lận đận mãi đến 5 năm sau hai chúng tôi mới về sống cùng nhau. Trong thời gian 5 năm đó tôi và anh ít có cơ hội gặp nhau nhiều vì điều kiện công tác, nên tôi không biết rượu đã thấm vào anh từ khi nào. Sống với nhau tháng đầu tiên, tôi gần như té ngửa vì không ngờ tửu lượng của anh lại cao thế và anh lại thích rượu đến như vậy. Sau đó, qua bạn bè tôi biết được những năm tháng xa tôi, anh thường xuyên là đệ tử của lưu linh, đôi khi vì say rượu mà anh còn có những hành động không kiềm chế, đã nhiều lần bị góp ý, phê bình và không loại trừ việc vi phạm kỷ luật. Tôi như người rơi xuống vực thẳm. Tuy nhiên vì còn trẻ và vì yêu anh tôi chấp nhận thử thách, nghĩ rằng bằng tình yêu mình sẽ cảm hoá được anh.
Thế nhưng, 5 năm rồi 10 năm, chẳng những tôi không cảm hoá được anh mà ngược lại tôi còn phải làm món nhậu cho anh, cho bạn bè anh đến nhà lai rai. Không chỉ mình tôi phục vụ anh mà các con cũng phải vào cuộc : “Tí qua chú Tư nói mang cho ba mấy chai bia”, “Tèo mua cho ba gói thuốc, lấy thêm nước đá “.... Rồi sau đó, khi mấy ông bạn quý ra về, bãi chiến trường mẹ con tôi lãnh đủ. Tôi gần như đầu hàng với rượu và rất sợ những ngày nghỉ, lễ Tết và nhất là hai ngày nghỉ cuối tuần. Nếu không tổ chức nhậu ở nhà thì anh lại xách xe đi, khi về bộ dạng chẳng còn như trước. Tất nhiên cũng không ngoại trừ việc tôi bị anh đánh trong những lúc anh bị rượu chế ngự … Mười lăm năm chung sống, rượu là đám mây đen, là hung thần, là bão tố … bủa vây gia đình tôi.
Giờ đây tuổi ngày càng cao, các con ngày càng lớn, những cuộc nhậu tại nhà đã làm cho tôi mệt mỏi. Các con tôi cũng không thích khi thấy gian phòng khách mà chúng có thể coi ti-vi, nghe nhạc, hay chuyện trò với bố, mẹ ….lại ồn ào bởi tiếng cụng ly, tiếng người tranh nhau nói... Nhất là sau đó chúng phải lau dọn nhà, còn phải nghe những lời cay đắng của bố, mẹ. Chán ngán khi phải sống chung với rượu, tôi không còn vui vẻ tiếp bạn bè anh như trước nữa, thì lại bị anh càu nhàu: “Khách đến nhà mà chẳng vui vẻ gì hết”, đôi khi còn nặng nề hơn: “Cái bản mặt như vậy ai thèm đến!”.
Khi quyết định tuyên chiến với rượu, tôi đã nói thẳng với anh: “Em không muốn bạn bè anh đến nhà nhậu nữa, con cái lớn rồi”. Thế là anh mất hút mỗi khi chiều về hay những ngày nghỉ cuối tuần. Trong khi tôi vất vả lo toan mọi việc thì anh nói cười phơi phới ngoài quán với bạn bè. Anh vô tâm đến nỗi chưa bao giờ tôi có cảm giác mình được sẻ chia từ chuyện con cái đến công việc làm. Tôi cô đơn và mệt mỏi, đơn độc. Tôi đã nhiều lần đòi ly dị nếu anh không bỏ rượu, thế nhưng vì con cái, vì nhiều thứ tôi không thể! Và tôi cũng không biết rượu sẽ là nỗi ám ảnh của gia đình tôi tới bao giờ.
Thỉnh thoảng đi ngang qua vài quán nhậu, tôi thấy có những cô gái theo người yêu vào quán, nhìn họ cười, nói và nâng ly tôi lại nghĩ đến “một thời để nhớ” của mình. Giờ đây, nếu được làm lại từ đầu, chắc chắn tôi chẳng bao giờ phạm sai lầm khi có ý nghĩ rằng “Nam vô tửu như kỳ vô phong” để tôi không phải khổ sở vì rượu. Và, tôi nghĩ một người đàn ông có bản lĩnh, biết kiềm chế, chiến thắng được bản thân mình sẽ là người cho tôi chọn lựa.
NAM XUÂN
Chiếm vị trí thứ nhất về tiêu thụ bia ở khu vực Đông Nam Á; thứ ba ở châu Á và xếp thứ 25 trong các quốc gia uống bia nhiều nhất thế giới, Việt Nam đang tạo nên một “kỳ tích đen” về “văn hóa rượu bia”.
Điều đó không chỉ phá vỡ các quy phạm đạo đức xã hội, mà còn làm băng hoại giá trị đạo đức gia đình khi nạn nhậu nhẹt trở thành “bóng ma” bủa vây hạnh phúc gia đình.
Bạo hành gia đình khi chồng đánh vợ, con giết cha, gia đình tan nát chỉ vì ma men đã đến mức báo động.
Diễn đàn Vì một chữ “nhậu” do Báo Phụ Nữ tổ chức nhằm gióng lên tiếng chuông khẩn thiết: đã đến lúc kiên quyết nói “không” với nạn rượu bia để cứu lấy hạnh phúc gia đình. Mời bạn đọc chia sẻ những câu chuyện, tâm sự của mình về địa chỉ: vimotchunhau@baophunu.org.vn
Hoặc, mời bạn đọc gửi bài, chia sẻ theo các địa chỉ:
Vào trang chủ PNO, click vào Gửi bài
Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài viết của diễn đàn