Quyết tâm... ly hôn

09/12/2015 - 07:40

PNO - Theo báo cáo của TAND TP. HCM, năm 2013 toàn ngành đã thụ lý 21.453 vụ án ly hôn; năm 2014 tăng lên 22.989 vụ; năm 2015 tăng lên 24.182 vụ.

Đáng chú ý trong các vụ án ly hôn năm 2015 là thái độ quyết liệt muốn thoát khỏi cuộc hôn nhân của những người trong cuộc.

Lối thoát duy nhất

Vợ chồng anh Thanh Phong và chị Như Lam đều xuất thân từ những gia đình chịu “đầu tư mạnh cho con cái”. Cả hai đều thích làm giàu, biết tính toán, tự lập, tự tin, sẵn sàng đón nhận cơ hội… Thế nhưng, chỉ sau sáu năm chung sống, chị rất khó chịu vì chồng không ủng hộ sở thích đi “phượt” của mình.

Chị không thích nấu ăn nên anh nhậu với bạn nhiều hơn ăn cơm với vợ. Khi đứa con ra đời, mâu thuẫn vợ chồng càng tăng. Chị phát hiện anh chỉ là một… đứa trẻ, luôn đòi hỏi vợ phải “quan tâm, chăm sóc” mà không có trách nhiệm với gia đình.

Anh thì nhận ra, chị chỉ giỏi chuyên môn còn với gia đình thì con giao bà ngoại, việc nhà giao người giúp việc. Sau một năm “chia tay thử”, họ thấy “rất ổn” và mạnh dạn ly hôn, còn lập luận “con nhỏ không biết gì, nên ly hôn không ảnh hưởng nhiều”.

Quyet tam... ly hon
Ảnh mang tính minh họa

Lướt trên facebook, có thể thấy giới trẻ có khuynh hướng hướng ngoại, say sưa các hoạt động phát triển cá nhân, thích ứng nhanh với nền văn minh đồng phục, internet… Cũng theo đó, xu thế dân chủ, tự do cá nhân và những ứng xử ngược chiều nhau, ngay cả trong lĩnh vực tình dục, đã tạo sóng gió cho gia đình.

Giới trẻ không đủ thời gian và kiên nhẫn để “dò” lòng nhau trước và cả trong khi sống chung. Vì thế, dù nhiều cặp vợ chồng khi ra tòa thừa nhận lấy nhau vì “yêu nhau, vì không thể sống thiếu nhau”, vì đồng cảm trong quan điểm, suy nghĩ… nhưng chỉ sau một thời gian ngắn chung sống, họ bắt đầu thất vọng về người mình yêu. Cả hai cùng “sốc” khi nhận ra và không thể yêu được những mặt xấu của người kia.

Mâu thuẫn vợ chồng thường bắt đầu từ những việc tưởng như nhỏ nhặt. Ví dụ, khi ly hôn, vợ chồng anh Nguyễn Q. và chị Trần H.M. đã “kết tội”nhau đại loại như: “Ngày xưa anh ấy không xài nước hoa, bây giờ đi đâu cũng thơm phức. Anh ấy chỉ ngồi lì chơi game. Cô ấy đỏng đảnh, không biết ý bố mẹ chồng… Từ đó, đôi vợ chồng trẻ này mạnh miệng quy kết cho nhau tội: coi nhẹ tình cảm, quan trọng đồng tiền, vô trách nhiệm…”.

Họ nhận ra, ngày mới yêu, vợ (chồng) mình đã “diễn” rất đạt vai một người bạn đời lý tưởng. Rồi cô gái dịu dàng bỗng trở nên ngoa ngoắt, anh chàng ga-lăng giờ mới “thòi” ra cái đuôi gia trưởng, lười biếng, đổ hết mọi lo toan lên đầu vợ… Bất đồng trong suy nghĩ, cá tính, người này nói người kia “hiểu chết liền” hoặc đơn giản chỉ là không muốn lắng nghe nên không thể hiểu được người kia.

Một số đôi khác thì gặp khó khăn về kinh tế. Đây là những cặp vợ chồng không chỉ thiếu tiền, mà còn thiếu cả kế hoạch chi tiêu hợp lý. Đứa con của vợ chồng anh Lê S. ra đời trong hoàn cảnh anh chị chưa chuẩn bị kỹ về vật chất và cũng là thời điểm hai vợ chồng đang lên đô “chí chóe”. Họ chia tay đơn giản vì nghi ngờ nhau “không mang hết tiền về nhà”.

Ngoại tình tuy là nguyên nhân phổ biến của các cuộc ly hôn, nhưng với những gia đình trẻ, khủng hoảng trong gia đình chủ yếu là vì thiếu sự gần gũi, chia sẻ tình cảm và không tin tưởng nhau. Một số không ít chia tay vì “không hòa hợp trong cuộc sống tình dục”.

Tuy tích lũy được “kỹ thuật” từ internet và các loại sách báo nhưng thực tế họ vẫn thiếu kỹ năng giao tiếp và thái độ ứng xử đúng mực trước nhu cầu “nhạy cảm” của vợ chồng. Tình dục cũng không còn là “phương tiện” để hòa giải mâu thuẫn, bởi quan hệ tình dục trước hôn nhân phần nào đã làm giảm hấp dẫn, dễ gây nhàm chán khi sống chung.

Bỏ qua giai đoạn hòa giải

Ra tòa, nhiều đôi vợ chồng trẻ lắc đầu trước câu hỏi: “Anh, chị đã qua lần hòa giải nào chưa?” của thẩm phán. Họ cho rằng ly hôn là sự thất bại, không thích thổ lộ, muốn tự mình giải quyết, không muốn người ngoài bàn tới, bàn lui.

Một số đôi cũng có nhờ các thành viên trong gia đình, bạn bè, chuyên viên tư vấn nhưng cũng không đến đâu vì bản thân người trong cuộc chỉ lo lên án người kia và khăng khăng ly hôn. Đã vậy khi các cặp đưa nhau ra tòa, phần lớn gia đình hai bên đều tán thành việc họ ly hôn. Bố mẹ hai bên cũng không đủ kiên nhẫn, hoặc cho rằng “không sống được thì chia tay là chuyện bình thường”.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI