Quà cho thầy cô - cần tới mức nào?

16/11/2022 - 05:32

PNO - Quà cho thầy cô giáo, có hay không có, lớn hay nhỏ, có giá trị vật chất hay chỉ là tinh thần?

 

học trò - bé nào cũng hồn nhiên, trong sáng và yêu quý thầy cô ( Ảnh tác giả cung cấp)
Học trò - bé nào cũng hồn nhiên, trong sáng và yêu quý thầy cô ( Ảnh tác giả cung cấp)

Một chiều tháng 11, không nắng không mưa. Sáng chiều đứng lớp, cuối ngày, tay chân tôi như mượn của ai, cổ họng đã cố uống thật nhiều nước vẫn thấy khô khốc.

Lướt màn hình điện thọai, tôi đọc tin nhắn phụ huynh trong nhóm lớp, tin nhắn của bạn bè, những dòng newfeed trên Facebook, tự nhiên đầu óc đầy ứ, không muốn nghĩ gì, không muốn nhắn lại gì.

Mọi người nói với nhau về quà tặng thầy cô nhân ngày nhà giáo. Hỏi tôi rằng có thể gợi ý cho họ một món quà? Có những tin nhắn nói về hoa về áo dài về tiền. Có những lời bóng gió rằng là thầy cô “mần ăn” khấm khá ngày này…

Vẫn con đường đi về chưa đầy 2km, suốt bao nhiêu năm từ nhà đến trường, hôm nay, sao tôi nghe xa ngái. Thèm bỏ nhanh chiếc xe, thay bộ áo dài, không nhìn thấy sách vở. Thậm chí, không dưng nhất thời, chợt lóe lên trong đầu ý nghĩ: Hay đừng có những ngày kiểu như ngày 20-11!

Quà tặng mà nói, là thứ cần thiết trong cuộc sống này. Bởi vì, nó mang tình thương, sự quan tâm của một người dành cho một người. Ai sống xung quanh mình cả một đời dài thiếu vắng những thương yêu bên cạnh? Khi đã thương yêu, ai không muốn người mình yêu thương được vui?

Tặng quà cho ai, bất luận là cái gì, tùy theo điều kiện của từng người, nhất định nó phải phát khởi từ tấm lòng yêu quý, niềm vui của người tặng. Chỉ khi ta trao tình cảm chân thành, khi ta vui thì người nhận sẽ vui. Có ai trên đời này ngồi mong nhận những món quà để đủ đầy cho cuộc sống của mình? 

Tôi nhớ mấy hôm trước, cả nhà xăng xái dọn kệ sách cho quang quẻ, sắp hết năm rồi. Cô giúp việc thẳng tay ném con Doreamon nằm trên kệ sách của tôi vào sọt rác. Em gái tôi chạy lại, hối hả nhặt lên, cứ vậy nước mắt chảy dài. Nó khóc như thể ai đánh cho vài cái thật đau. Mắt tôi cũng rơm rơm nước. 

Tôi biết em tôi khóc không phải vì con Doreamon bằng vải không đẹp, cáu bẩn, có vài chỗ rách, bị ném đi mà vì nhớ thương những ấu thơ..

Con Doreamon này do chính tay em tôi làm - cách đây gần 30 năm - để tặng sinh nhật tôi.

Ngày đó tôi đã học đại học xa nhà, em là Út, nhỏ xíu, mới học tiểu học. Nó mê chú mèo máy Doreamon đến cả trong giấc mơ cũng mong một lần gặp. Không biết bao nhiêu ngày tháng, bằng bàn tay còn bụ bẫm trẻ con, nó lấy quần áo cắt may vẽ vời thành con Doreamon và viết một lá thư gửi cho tôi.

Lâu quá, tôi cũng không nhớ rõ hết thư đó nó viết những gì, chỉ nhớ dòng cuối cùng: “Khi nào chị buồn, nhớ nhà, nhìn bạn Doreamon này nhớ Út heng!”.

Tôi đi nhiều nơi, chuyển không ít chỗ ở, con Doreamon này, vẫn nằm trong tủ, rồi sau này quay trở lại nhà, ngồi suốt bao năm trên kệ sách. Cứ mỗi lần chạm vào nó là nghe trái tim mềm đi, nghe thương yêu và cám ơn vô hạn những thương yêu bên mình.

Một món quà nó là vậy! Ngay khi nó có giá trị vật chất không nhỏ như chiếc xe ba tôi tặng, như nữ trang của người yêu, tiền của chị em hay bạn bè gửi lúc thắt ngặt. Chỉ cần tự nguyện và mong người nhận được vui thì nó sẽ đi xa rất nhiều những đong đo cân đếm, nó trở thành niềm vui, tin yêu, biết ơn… Nó bên cạnh nâng đỡ con người rất nhiều trong cuộc sống. Không ai, không thể nào có thể định giá được!

Không ai, không gì có thể định giá được món quà của học trò (Ảnh minh họa)
Không ai, không gì có thể định giá được món quà của học trò (Ảnh tác giả cung cấp)

Trong gần 20năm đi dạy, không ít lần tôi thầm cám ơn vì nghề chọn mình. Ở gần trẻ, được buồn vui hờn giận, trước những ngô nghê có khi vụng dại, đáng yêu của trẻ, tôi thấy mình thật may mắn.

Hẳn nhiên, cũng có nhiều lần xách cặp bước ra khỏi lớp, nước mắt chảy dài vì những nghịch ngợm vô tâm của học trò. Nhưng sau tất cả, thầy cô giáo chúng tôi, rất nhiều, chưa bao giờ nguôi tình thương với trẻ.

Tôi không lý giải được tại sao. Những lần rơi nước mắt bụng bảo dạ, không thèm quan tâm nữa, không thèm yêu thương nữa, cũng không thèm phải trăn trở nói đi nói lại từng chút một để tự tay gánh nhọc nhằn cho mình. Rồi vẫn đâu vào đấy, lại quên và mềm lòng. Vẫn tiếp tục, không hẳn vì trách nhiệm với nghề, không hẳn vì mưu sinh…

Những lúc như vậy, tôi chỉ biết cám ơn cuộc đời này, dù có như thế nào thì tình thương cho trẻ con của nhân loại sẽ chẳng bao giờ bị mất đi.

Bất cứ một người bình thường nào, nếu không ở trong nghề, cũng không có dịp quan sát hay tiếp xúc nhiều giáo viên bằng tôi. Tôi đã thấy đồng nghiệp của mình, nước mắt chảy dài khi nhận một lá thư được tặng kèm trong cuốn sách của học trò trong ngày 20/11.

Tôi đã thấy bạn của mình, tay run rẩy vì cảm động khi các bạn nhỏ tặng một chậu sen đá bé tí. Tôi đã thấy ánh mắt sáng ngời lấp lánh của biết bao giáo viên khác, khi khoe chiếc áo dài này học sinh cũ tặng, ly trà sữa này chúng mua cho, cây bút này có khắc tên lớp và năm tháng mình làm chủ nhiệm….

Một lời chúc ghi trên đá học trò tặng tác giả
Một lời chúc ghi trên đá học trò tặng tác giả

Quà cho thầy cô giáo, có hay không có, lớn hay nhỏ, có giá trị vật chất hay chỉ là tinh thần, thiết nghĩ không quan trọng bằng thật tâm ta nghĩ gì, muốn gì. Cái gì trên đời này cũng cần, nhưng thương yêu thật tâm, biết ơn chân thành, mong muốn tốt đẹp sẽ đến với người khác có lẽ là điều quý giá nhất.

Cầm một đóa hồng tặng người, ta ngại gì bàn tay không vương mùi hương?

Triệu Vẽ

(Giáo viên trường THPT Trần Quang Khải, Q.11, TPHCM)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI