Quà 20/11 của tôi là rổ khoai nghi ngút khói...

20/11/2018 - 09:33

PNO - Món quà 20/11 đầu đời của tôi là một cuốn sổ tay nhỏ kèm theo rổ khoai lang nóng nghi ngút khói, thầy trò mặt mày tay chân lem luốc vừa bóc vỏ khoai, thổi nguội, vừa hóm hỉnh động viên nhau “ở dơ sống lâu”!

Đi siêu thị, tôi gặp lại đại gia đình học trò cũ. Học trò vợ đẩy 1 chú nhóc ra giới thiệu: “Con út của tụi em nè cô! Mười lăm tuổi. Năm nay đậu lớp 10 trường chuyên. Chào cô đi con! Mà không, chào bà chớ! Cô giáo của ba mẹ mà!”. Thằng nhỏ ngoan ngoãn, lúng túng rụp rụp từ “Chào cô!” sang “Chào bà!”.

Học trò chồng hãnh diện và sung sướng giới thiệu tiếp nhóc thứ hai nhỏ hơn: “Cháu ngoại em nè cô! Bốn tuổi rồi. Ạ bà đi con!”. Thằng nhỏ đớt đát: “Ạ bà!”. Còn nhóc mười lăm tuổi hồn nhiên thắc mắc: “Ủa! Nó cháu con mà ba! Con kêu bà thì nó phải kêu bà là bà cố chớ!”. Bối rối tại chỗ khi được cấp tốc lên … lão bà bà! Nhóc bốn tuổi ngơ ngác nhìn người lớn cười rồi ngoan ngoãn nghe lời “đạo diễn” của ông cậu khó tính: “Ạ bà cố!”.

Qua 20/11 cua toi la ro khoai nghi ngut khoi...
Cô Nguyễn Thị Phương Thảo (hàng đầu, thứ tư từ trái sang) và các học trò của mình

Về huyện Châu Thành, Bến Tre nơi đầu tiên tôi đi dạy khi mới ra trường. Vợ chồng học trò làm sui gả con gái. Cô dâu xinh xắn, hồn nhiên theo tay cha mẹ vào chào khách. Ông bố trẻ hồ hởi nói với con: “Chào sư phụ của ba mẹ nè con!”. Cô dâu cất tiếng trong trẻo, lanh lảnh nói khiến cả bàn tiệc bật cười: “Vậy là con phải chào sư tổ mới đúng!”. Như thấy lại hình ảnh của đôi học trò trường làng thuở ấy, cái thuở mà cô giáo mới ra trường chỉ cách học trò năm bảy tuổi là cùng.

Vừa dẫn xe ra khỏi cổng trường, gặp học trò chờ đón con, mới phát hiện thú vị là cả ba cha con hắn có chung thầy! Nhóc lớn của hắn giờ là đồng nghiệp của mình! Chỉ tội nhóc nhỏ băn khoăn mãi về việc có nên gọi ba nó là… đại sư huynh không vì tính ra ba cha con hắn cùng là … huynh đệ đồng môn! 

Vậy mà đã 32 năm!

Phải chăng vì năm học cuối cùng này, mình được trở về hồi ức khi nhận một lớp đầu cấp và chuẩn bị chia tay các em do nhu cầu sắp xếp lại phân công chuyên môn sau tuyển dụng viên chức, hệt như 32 năm trước. Cái thuở của những năm 80, còn mô hình phân hiệu, điểm trường lẻ và những giáo viên độc thân như chúng mình thường được phân công về vùng sâu vùng xa, nơi mà có khi học trò bằng hoặc lớn tuổi hơn cả thầy cô giáo mới ra trường.

Mình cũng có cuộc trải nghiệm như thế khi được điều động (và cả động viên) chuyển từ điểm trường này sang điểm trường khác và có dịp sống với những miền quê, nơi mà học trò vùng sâu thường chịu rất nhiều thiệt thòi khi đi tìm con chữ thắp sáng cuộc đời.

Nơi đó những năm ấy có chỗ còn tù mù ánh đèn dầu, điểm trường lẻ thiếu thốn đủ thứ phương tiện dạy học, chỉ có tấm lòng và nhiệt tình của những người đi thắp lửa. Nơi đó, những tấm lòng học trò mộc mạc đã dạy mình sống bền bỉ với nghề. Sau hơn 30 gặp lại, có những em, mình bất chợt gọi đủ cả tên họ. Cứ như là mới hôm qua mình cùng các em vừa xong một bài học cũ và hôm nay mình giở sổ gọi trả bài!

Có lẽ những ký ức nơi ấy sâu đậm quá, dẫu đó là những ngày tháng đầy chật vật và khốn khó mà tôi và thế hệ học trò đã đi qua. Những bàn chân lem luốc chai dày vội vã chạy vào lớp học mà vẫn chưa rũ sạch lớp bùn sình trên đường làng trơn trợt. Những cánh tay đen đúa thoăn thoắt chuyền những tấm lá dừa nước chống dột trong ngày mưa dầm. Những chiếc bàn xiêu vẹo, ọp ẹp được quyên góp từ nhiều nơi mà thầy trò đều có ý thức ngồi gượng nhẹ để còn xài lâu.

Ở nơi đó, món quà 20/11 đầu đời của mình là một cuốn sổ tay nhỏ kèm theo rổ khoai lang nóng nghi ngút khói, thầy trò mặt mày tay chân lem luốc vừa bóc vỏ khoai, thổi nguội, vừa hóm hỉnh động viên nhau “ở dơ sống lâu”(!). Lứa học trò ấy, bây giờ có nhiều em đã lên chức nội ngoại. Có em tự nhận mình còn già hơn cô vì cuộc sống còn nhiều mưu sinh vất vả với cái ăn nhưng các em đang làm tất cả để con cái được đi học tới nơi tới chốn, không dở dang như cha mẹ của chúng ngày trước.

Cũng có em vượt lên thử thách của hoàn cảnh và số phận, trở thành người thành đạt trong xã hội. Tất cả ngồi lại bên nhau như mới xong một tiết học, học trò tóc bạc khoanh tay chào cô giáo thuở tuổi mười lăm, nhận ra cô trò cùng bạc tóc như nhau sau chặng đường bôn ba hơn một phần tư thế kỷ, và xuýt xoa “chèn ơi, mau dữ vậy, năm nay cô về hưu rồi sao?”.

Cũng ở nơi đó, mình có tình anh em đồng nghiệp sâu đậm, cùng dìu dắt nương tựa nhau đi qua gian nan, mà buổi gặp lại, mình vẫn là “cô em út đất thị thành”, thường được các anh chị ưu tiên gánh giúp phần nặng nhọc với nỗi lo "coi chừng cực quá nó bỏ nghề!”.

32 năm trôi qua, thế hệ chúng tôi lần lượt chia tay! Như lá vàng đi cho chồi non nảy lộc trên cành, sự sống cứ thế mà tiếp diễn, những lớp người cứ thế mà tiếp nhau giữ ngọn lửa nghề! Vượt trên bao biến động thử thách, những cải cách và thay đổi, những thành công và thất bại, mình vẫn tin vào những giá trị chân chính, vĩnh hằng.

Mọi thứ vẫn vận hành đúng quy luật! Như dòng sông vẫn chảy, như nắng vẫn lên và ngày đang mới!

Tất cả đều đi qua thời gian! Và ân tình thì như đốm than hồng ủ lửa, ấm mãi khi có tay người giữ gìn!

                                                               Nguyễn Thị Phương Thảo (Bến Tre)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI