Ôm con lên đường du học làm tiến sĩ

21/11/2022 - 06:02

PNO - “Tôi học, làm xuyên thời gian, không có ngày nghỉ. Tuy nhiên, tôi vẫn tranh thủ để chơi với con, cùng nấu ăn, cùng chạy quanh bờ hồ, đọc truyện trước khi ngủ…", TS Minh Hoa hồi tưởng

Hai bố con Minh Anh cùng mẹ Minh Hoa đi dự hội thảo giáo dục  ở Kyoto, Nhật Bản tháng 9/2019
Hai bố con Minh Anh cùng mẹ Minh Hoa đi dự hội thảo giáo dục ở Kyoto, Nhật Bản tháng 9/2019

Sáng ấy, sửa soạn đi học thì con ói, nhưng mẹ vẫn đưa đến trường. Nhìn dáng bé xíu, đi lũn cũn một mình trên đường đồi dẫn vào trường mầm non, mẹ thắt lòng. Nhưng liền lúc đó, mẹ lại quay đi vì có cả núi việc đang chờ. Đến nơi, chưa kịp làm gì, mẹ nhận cuộc gọi của cô giáo báo bé mệt nhiều, mẹ lại bỏ hết việc, hớt hải đến trường đón con. 

Bộn bề, ngổn ngang, giằng co và rồi vượt lên, vỡ òa niềm hạnh phúc “chiến thắng chính mình”… là những trải nghiệm khó quên của tiến sĩ (TS) Phạm Minh Hoa trên hành trình ôm con theo du học TS ngành giáo dục, Đại học Auckland tại New Zealand. 

TS Minh Hoa là nhà sáng lập Trường mầm non AKO Kintergarden; hiện là giảng viên Khoa Giáo dục, Trường đại học Thủ đô Hà Nội. Trong triển lãm Giáo dục New Zealand do Cơ quan Giáo dục New Zealand, Đại sứ quán New Zealand (Hà Nội) và Lãnh sự quán New Zealand (TP.HCM) phối hợp tổ chức vào cuối tháng 10/2022, những chia sẻ của TS Minh Hoa đã truyền cảm hứng, hướng dẫn kỹ năng, kinh nghiệm cho người tham dự.

Ban đầu, bố mẹ chị Minh Hoa chưa ủng hộ kế hoạch săn học bổng du học, nhất là khi chị đã ly hôn, đang nuôi con nhỏ. Bố mẹ băn khoăn việc chị chọn cái khó nơi “lạ đất lạ người”. Trong khi ở Hà Nội, chị đã là một thạc sĩ, có chỗ làm ổn định, thu nhập kha khá. Nhưng mẹ chị dần nghĩ khác: “Con đi học để có cuộc sống tốt hơn”.

Khát khao du học của chị Minh Hoa được người bạn đời “tập hai” tiếp sức. Ông xã Kỳ Sơn từng là TS ở Úc ngành quan hệ đối ngoại. Anh hiểu thấu những khó khăn thử thách cũng như giá trị của việc nghiên cứu, đào sâu của bậc TS. Sự đồng lòng tiếp sức của chồng cất bớt gánh lo của chị Minh Hoa khi chọn con đường mới, và cả những lời ra tiếng vào “chồng là TS rồi, vợ còn làm TS để làm gì?”.

Năm 2016, nhận được học bổng toàn phần của Chính phủ Việt Nam khoảng 1,5 tỷ đồng, chị dắt con trai Minh Hải lên đường. Sau đó, chị nhận được học bổng 10.000 đô New Zealand (gần 150 triệu đồng) do quỹ Marie Clay Literacy Trust cấp cho những nghiên cứu sinh xuất sắc về lĩnh vực ngôn ngữ trẻ mầm non.

Khí hậu ở nước bạn lạnh và khô, khi chưa thích nghi, hai mẹ con thi nhau bệnh và cố gắng chăm nhau. Chị sắp xếp công việc để đảm bảo tiến độ của luận án và đi làm tại các trường mầm non nhằm tích lũy kinh nghiệm. Cậu bé năm tuổi trở thành “khách ruột” của dịch vụ trông muộn ở trường. 

“Tôi học, làm xuyên thời gian, không có ngày nghỉ. Tuy nhiên, tôi vẫn tranh thủ để chơi với con, cùng nấu ăn, cùng chạy quanh bờ hồ, đọc truyện trước khi ngủ… Những lúc chờ con học thêm, học năng khiếu… tôi chọn một góc yên tĩnh gần đó làm việc” - TS Minh Hoa hồi tưởng lại những tháng ngày hai mẹ con du học ở “xứ sở kiwi”.

Bé Minh Hải (năm tuổi) ngồi đọc sách ở thư viện Trường đại học Auckland trong khi đợi mẹ tra cứu tài liệu
Bé Minh Hải (năm tuổi) ngồi đọc sách ở thư viện Trường đại học Auckland trong khi đợi mẹ tra cứu tài liệu

Luôn áy náy vì thời gian dành cho con quá ít nhưng chị Minh Hoa an tâm và cảm động khi biết mình là “quán quân” trong cuộc bình chọn từ trái tim của con. Có lần Minh Hải thỏ thẻ: “Mẹ là người hiểu con nhất, mẹ là người con thích nói chuyện nhất”. Khi chị chọn ngôi trường gần nhà cho con, Minh Hải vui cười, tuyên bố sau vài buổi học: “Mẹ đã chọn được trường tốt rồi đó mẹ!”. 

Nhanh chóng kết thân với các bạn, nên khi quay trở về Việt Nam, Minh Hải cứ lưu luyến. Đã mấy năm trôi qua, cậu vẫn còn nhớ tên của các cô, các bạn và giữ mãi con gấu bông, con chim kiwi… bạn tặng ngày chia tay. 

Trong thời gian gần 5 năm du học ở New Zealand, thử thách lớn nhất đối với chị là thời điểm mang thai năm 2018.

Do bất ngờ nên vợ chồng chị và đại gia đình phải xúm vào bàn bạc, xoay chuyển kế hoạch để nghiên cứu sinh - sản phụ không bị “lỡ đò”. 

Bố chị đã sang trợ giúp hai tháng khi chị bắt đầu nặng nề. Còn chị thì chạy đua với thời gian, gấp rút giải quyết công việc ở New Zealand để bay về Việt Nam thu thập tài liệu khi thai được 32 tuần. Con gái Minh Anh chọn ngày 20/11 chào đời tại Hà Nội như một món quà huyền diệu mà người mẹ nhà giáo được nhận trong sự ngỡ ngàng, vui sướng. 

Minh Anh được hơn 10 tháng tuổi, chị phải trở qua New Zealand. Rứt hai con ra, xách vali đi, nước mắt chị chảy dài. Khi máy bay cất cánh, cảm nhận bầu sữa căng, chị cồn cào nhớ đôi môi non huơ huơ tìm dòng sữa mẹ. Dù tất bật đi thu thập số liệu, làm việc tại các trường mầm non ở Hà Nội nhưng chị vẫn vắt sữa để lại cho con bú. Chuyến đi này mới thực sự là mẹ “cắt khẩu phần” của con.

Minh Hải nằng nặc đòi trở lại New Zealand cùng mẹ. Khi chị giải thích “mẹ đã vào giai đoạn gấp rút, phải làm các công đoạn còn lại cho xong”, cậu mới gật đầu mà đôi mắt buồn rũ. Trăm sự nhờ chồng lo cho các con ở nhà, chị đi mà lòng nặng trĩu. Buồn khóc, nhưng chị tự nhủ phải phấn đấu thật nhiều bởi gia đình đã tận tụy choàng gánh cho mình.

Đại dịch COVID-19 ập đến gieo bao nỗi hoang mang cho chị giữa trời Tây. Chị sốt ruột hướng về quê nhà và đặt vé về Việt Nam, chấp nhận dừng tiến độ, bảo lưu kết quả. Nhưng với sự động viên của giáo sư và của gia đình, chị vững tâm trụ lại và hoàn thành chương trình. Luận án TS của chị đạt loại xuất sắc, nằm trong tốp 2 của khoa và đứng thứ 20 của cả trường. 

Có một điều lạ mà cả nhà không thể hiểu được là Minh Anh lúc mới mười mấy tháng dường như đã biết… xem đồng hồ. Ngày nào cũng vậy, cứ hơn 10g sáng, bé lại chỉ lên camera, vẻ mặt trông ngóng. Thì ra là tầm giờ đó, mẹ hay gọi điện về và âu yếm nhìn bé, nói những lời nhớ thương. Cái đồng hồ như nhắc chị dù có làm gì, ở đâu trên trái đất này cũng đừng giây phút nào quên tổ ấm gia đình và phải cân bằng mọi vai trò để có thể đón nhận hạnh phúc. 

Tô Diệu Hiền

 

Nhớ lại thời mình là trẻ con để hiểu trẻ

Phóng viên: Nhận được nhiều học bổng đáng giá, từng là thủ khoa Trường đại học Sư phạm Hà Nội, nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về sinh viên nghiên cứu khoa học…, có bao giờ chị bị “thua đau”?

Tiến sĩ Phạm Minh Hoa: Tôi thi IELTS 4-5 lần mới đủ điểm. Tôi cũng đã thi trượt trường chuyên. Tôi từng tự ti về mình. Thành công của tôi ngày nay là bước đi dài của ý chí, của kiên định theo đuổi mục tiêu và may mắn được nhiều người tiếp động lực. Thành công tôi nói ở đây không phải là bằng cấp, học vị mà là được đi trên con đường phù hợp với mình. 

* Ý chí của chị được nuôi lớn như thế nào từ gia đình?

- Bố tôi xuất thân từ nông thôn, nhờ quyết chí học hành mà trở thành cán bộ công an. Hành trình vào đại học của mẹ tôi - vốn là con nhà nghèo - cũng đầy gian nan. Bố tôi là trưởng họ, có hai con gái mà vẫn không hề bắt ép mẹ phải sinh con trai. Chị em tôi nhìn vào sự phấn đấu của bố mẹ để vươn lên. 

* Công tác trong ngành giáo dục, chị có tâm huyết gì trong việc phát triển trẻ em Việt Nam? 

- Tôi nhận thấy các bạn nhỏ cần phát huy sáng tạo và được tạo nhiều cơ hội để có năng lực giải quyết vấn đề trong học đường và cuộc sống. 

Tôi thường đặt cho các con nhiều câu hỏi và nhận được những đáp án thú vị, bất ngờ, cực kỳ bổ ích. Một lần tôi suy tư: “Làm thế nào để hiểu đúng suy nghĩ của trẻ con?”. Minh Hải đáp liền: “Mẹ cứ nhớ lại hồi mẹ còn là trẻ con ấy!”.

Câu trả lời của con để lại trong tôi nhiều suy ngẫm. Và, tôi thử áp dụng, bắt đầu bằng việc quan sát, tìm cách thấu cảm với các bạn nhỏ mới đi học hay quấy khóc, đòi về. Tôi hồi tưởng lại con bé thơ dại là mình ở mấy chục năm trước, từng đứng bên cổng trường, sau rào sắt nhìn bố trên chiếc xe đạp, dần khuất cuối con đường, dưới hàng cây…

* Xin cảm ơn chị! 

Hoài Nhân (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI