"Nơ trắng" chống ám ảnh bạo hành

28/11/2015 - 09:00

PNO - Chiếc nơ xinh xắn vốn là cách gửi thông điệp yêu thương ở nhiều quốc gia. Giữa tuần này, nơ trắng xuất hiện nổi bật trên các trang thông tin Australia.

Nhưng theo sau là những câu chuyện rúng động xã hội về thực trạng bạo lực gia đình. Bảo vệ phụ nữ, kêu gọi nam giới có ý thức trân trọng người phụ nữ bên cạnh là mục đích lớn nhất của chiến dịch "White Ribbon" (nơ trắng) được tổ chức lần thứ 12 tại Australia.

Với hơn 1.000 sự kiện diễn ra trong tuần lễ Nơ trắng, nam giới luôn được khuyến khích cài nơ trên ngực áo. Bà Libby Davies, giám đốc chiến dịch “White Ribbon” cho biết: “Đây là lúc nam giới thể hiện quyết tâm nói không với bạo lực gia đình. Họ chính là người quyết định ứng xử dịu dàng hay vũ phu với phụ nữ cũng như những đứa trẻ bé bỏng”.

Bạo hành gia đình được “dung dưỡng” bởi sự chịu đựng của người phụ nữ Ảnh: ALAMY STOCK PHOTO

Một câu chuyện lan truyền trên các trang mạng tuần qua là về người vợ tội nghiệp, tên viết tắt là ND, đã phải khổ sở trốn chồng suốt 18 tháng, vì không thể chịu đựng thêm nữa những trò hành xác quái đản cùng lời lẽ nhiếc móc thô tục của chồng.

ND sống chui lủi cùng đám côn trùng trong căn nhà kho ẩm thấp ở tầng hầm nhà mình, nơm nớp dõi theo từng âm thanh, tiếng động trên đầu. ND đợi đến lúc chồng ra khỏi nhà mới tranh thủ bước ra khỏi “bóng tối” để thăm đứa con mới 15 tháng tuổi khi cô trốn đi và kiếm chút gì lót dạ.

Cũng may, ND còn có mẹ ruột vẫn sống chung trong nhà để che giấu cho cô. ND không nghĩ ra được cách nào để chấm dứt bi kịch vì chẳng nơi nào có thể đón nhận cả cô lẫn mẹ già và đứa bé. Australia là một trong những quốc gia có chế độ an sinh xã hội hàng đầu thế giới, nhưng không ai ngờ, tệ vũ phu vẫn tồn tại ở đất nước này.

Năm ngoái, người dân ở Queensland rùng mình trước thông tin đầu bếp Marcus Pater Volke (28 tuổi) đã giết chết người vợ quốc tịch Malaysia Mayang Praseto, sau đó… nấu chín cô. Vậy mà chính anh này từng có lần lên tiếng phản đối những người đàn ông mạnh tay với phụ nữ.

Nhà báo Sarah Ferguson, cây viết điều tra có tiếng của hãng tin ABC, đã đề cập đến thực tế nhiều phụ nữ Australia đang phải tìm chỗ tị nạn trên chính quê hương mình. Ủy ban quốc gia về Bạo lực gia đình công bố số liệu thống kê chỉ ra rằng, nguyên nhân khiến tình trạng phụ nữ Australia trở thành vô gia cư phần lớn là do bạo hành gia đình, buộc họ phải bỏ nhà đi lánh nạn.

Đã 40 năm kể từ ngày ngôi nhà chung đầu tiên mở cửa đón những phụ nữ trốn chồng đến tạm lánh, dường như tình hình chẳng mấy khả quan hơn. Có hai triệu phụ nữ Australia thừa nhận mình từng bị chồng hoặc bạn trai thượng cẳng chân hạ cẳng tay.

Đáng nói là khoảng 400.000 người bị tấn công trong lúc đang mang thai. Một thống kê khác chỉ ra, cứ ba phụ nữ ở Australia thì có một người từng bị bố, chồng, hoặc bạn trai dùng vũ lực. Bạo hành gia đình trở thành nỗi ám ảnh khi cứ 620 trường hợp bị bạo hành thì có một ca tử vong.

Vì sao bạo hành gia đình tồn tại dai dẳng ở Australia? Tại sao không trốn đi? Với nhà báo Sarah và nhiều người, đây là câu hỏi không thể giải quyết tận gốc. Nhiều trường hợp phụ nữ trốn chồng đến nhà chung, sau đó tin vào lời hứa “từ nay xin chừa” nên trở về, tiếp tục hứng chịu những trận đòn.

Sarah đã gặp trực tiếp nhiều nạn nhân. Từ bệnh viện đến đồn cảnh sát, phòng chờ tại tòa án, nhà riêng, nhà cộng đồng dành cho phụ nữ trú thân, những phụ nữ đáng thương ấy đều có điểm chung là đã để cho người đàn ông kiểm soát cuộc đời họ.

Ban đầu, người đàn ông dùng lời lẽ ngọt ngào “trói buộc” vợ hay người yêu nghe theo ý muốn của mình. Khi các nạn nhân đã bị chi phối, nếu có bất kỳ sự trái ý nào, hình phạt sẽ đến lập tức. Đa số nạn nhân thừa nhận, tài khoản ngân hàng, thư điện tử, mọi sự di chuyển của họ đều bị chồng hoặc bạn trai kiểm soát.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI