Những 'người cha' của hàng triệu trẻ em

23/06/2015 - 10:37

PNO - PN - Trao tặng cộng đồng trái tim nhân hậu của mình, những người đàn ông nhiệt tâm ấy không nói nhiều về bản thân.

edf40wrjww2tblPage:Content

1. James Harrison (78 tuổi) sống ở Australia là một ví dụ. Ông yêu con gái, yêu cháu ngoại, thích sưu tập tem và đi dạo. Ít ai biết món quà ông dành tặng cuộc đời là những giọt máu hồng ý nghĩa. Suốt 60 năm qua, ông được gọi là “người đàn ông với cánh tay vàng” vì không ngừng hiến máu. Đó là món quà ân tình James Harrison dành cho người đời sau khi ông sống sót qua một cuộc đại phẫu năm 15 tuổi nhờ nhận máu hiến tặng từ những người ông chưa từng gặp mặt.

James Harrison bắt đầu hiến máu từ năm 1954. Sau vài lần hiến máu, người ta phát hiện trong máu ông có kháng thể khỏe mạnh và bền vững lạ thường mà chưa đến 50 người ở Australia có được. Kháng thể này được truyền cho các bà mẹ âm tính với Rh(D) đang mang thai để ngăn chặn việc hình thành kháng thể trong máu của những đứa trẻ dương tính với Rh(D). Điều này để tránh sự không tương thích giữa mẹ và con có thể gây ra bệnh rhesus, thiếu máu ở trẻ sơ sinh, khiến trẻ bị tổn thương nặng ở não, dẫn đến tử vong. Có 17% các bà mẹ ở Australia đối mặt với rủi ro trên.

Nhung 'nguoi cha' cua hang trieu tre em

Máu của James Harrison hiến tặng đã cứu được 2,4 triệu trẻ - Ảnh: Dailyhealthpost.com

Thông qua việc hiến máu, Harrison giúp cứu sống nhiều trẻ khỏi bệnh thiếu máu HDN. Người ta mua bảo hiểm cho ông với giá một triệu USD. Một cuộc nghiên cứu sau này đã dựa trên máu ông hiến tặng để tạo ra globulin miễn dịch Anti-D, tên thương mại là RhoGAM. Cứ một trong mười phụ nữ mang thai mà máu có khả năng không tương thích với bào thai trong bụng, được điều trị bằng các chế phẩm từ huyết tương của ông.

Trung bình ba tuần, Harrison hiến máu một lần. Ông chia sẻ: “Tôi mong kỷ lục này bị phá vỡ, vì khi ấy sẽ càng có nhiều người được cứu sống”. Máu ông hiến tặng ước tính giúp cứu sống trên 2,4 triệu trẻ em khi kháng thể được dùng để chữa trị cho các phụ nữ mang thai. Trong số những người được truyền máu có cả con gái ông, Tracey. Dòng máu ấm của bố đã giúp cô an toàn trong thai kỳ và sinh một bé trai khỏe mạnh. “Người hùng” James Harrison chia sẻ chân thành rằng ông cũng sợ đau, sợ kim tiêm như bao người. Nhưng ông biết, cái đau ấy quá nhỏ nhoi so với nỗi đau mà một bà mẹ, một gia đình phải gánh chịu nếu con họ lâm vào hoàn cảnh thập tử nhất sinh hoặc không lành lặn về thể chất.

 2. 23 năm trước, chỉ với tâm nguyện giúp càng nhiều người vô gia cư có thức ăn và chăn ấm càng tốt, Magnus MacFarlane-Barrow cùng anh ruột mang yêu thương lan tỏa từ Scotland đến nhiều quốc gia khác. Lúc ấy, tạm gác sự nghiệp ở tuổi 25, Magnus lên đường hoàn thành lý tưởng “sống là để cho đi”.

Tháng Tư vừa qua, Magnus có tên trong 100 nhân vật ảnh hưởng nhất thế giới do tạp chí Time bình chọn, thông qua dự án - đứa con tinh thần Mary’s Meals (được sáng lập năm 2002). Magnus còn được CNN chọn là người hùng năm 2010. Khởi đầu với 200 suất ăn cho trẻ ở Malawi, dự án này đến nay mang đến một triệu bữa ăn mỗi ngày cho các trường học thuộc 12 quốc gia khắp năm châu, phần lớn tập trung ở châu Phi, châu Á, Mỹ Latin, Caribbean, Đông Âu… Đây là cột mốc đáng ghi nhận so với con số 400.000 suất ăn trong năm 2010. Magnus được ví như người cha tinh thần của những đứa trẻ vẫn còn đói ăn ở nhiều nơi trên thế giới này.

Nhung 'nguoi cha' cua hang trieu tre em

Magnus MacFarlane-Barrow cùng những đứa trẻ nhận được bữa ăn Mary's Meals

Xuất thân là ngư dân chuyên nuôi cá hồi, Magnus kết nối được những nguồn cung cấp lương thực giá tốt, đảm bảo chất lượng. Nhờ uy tín và sự nhiệt tình, anh thuyết phục được cả những người xa lạ tin tưởng và chung tay vào dự án Mary’s Meals. Câu chuyện cổ tích do anh ấp ủ đến rất tự nhiên, xuất phát từ nhu cầu chia sẻ nỗi khổ với trẻ thơ.

Trong một lần đến Malawi làm từ thiện năm 2002, thời điểm người dân Malawi đang oằn mình chống chọi với cái đói khủng khiếp, Magnus tình cờ chứng kiến câu chuyện buồn: người bố qua đời, rồi người mẹ cũng dần kiệt quệ sức sống, trong lúc sáu đứa con nheo nhóc vây quanh. Khi Magnus hỏi người con trai lớn của gia đình, Edward, em nói rằng chỉ mơ ước được đủ ăn và đến trường mỗi ngày.

Câu chuyện khiến Magnus ám ảnh, day dứt, và đi đến quyết định gắn kết đời mình vào mục tiêu giải quyết nạn đói, khuyến khích trẻ em đến trường. Hiện 25% bữa ăn của Mary’s Meals mỗi ngày dành cho học sinh tiểu học ở Malawi. Hơn ai hết, Magnus hiểu, học sinh bỏ học ở đây phần lớn vì phải lao vào kiếm sống, xin ăn do không ai nuôi nấng, cho ăn học tử tế. Edward là một trong những trường hợp đầu tiên được đến trường, và vượt qua nạn đói nhờ nỗ lực của Magnus.

Bữa ăn mà Mary’s Meals cung cấp không chỉ khỏa lấp cơn đói của dạ dày mà còn là bữa ăn tinh thần phong phú. Nơi đó, từ đầu bếp đến giáo viên và học sinh cùng hòa mình vào bầu không khí thân tình. Tất cả như người một nhà, cùng nhau hát hò, nhảy múa. Niềm vui mà mọi người chia sẻ cùng nhau cũng chính là điều cốt lõi Magnus muốn hướng đến.

Con số một triệu bữa ăn là thành quả lớn lao mà Magnus cùng Mary’s Meals đạt được, nhưng thế giới vẫn còn 57 triệu trẻ đói ăn và không được đến trường. “Người bố tinh thần” này vẫn muốn dang rộng vòng tay, đưa bữa ăn đến với nhiều hơn nữa những số phận thiếu may mắn.

THIÊN NHƯ 

(Theo CNN, Guardian, wikipedia)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI