Những đứa trẻ bị... bức tử

30/04/2019 - 12:00

PNO - Sau trận mưa đòn, người cậu thản nhiên đi du lịch, Th. nhập viện trong tình trạng hai ngón tay bị đứt, chấn thương sọ não, qua đời vài ngày sau.

Cha mẹ mất sớm, Nguyễn Hữu Th. (sinh năm 2004, ngụ huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) được cậu ruột Nguyễn Trọng Đoàn - Xã đội trưởng xã Cẩm Dương - nuôi từ nhỏ. Cách đây một tuần, nghi cháu lấy trộm 200.000 đồng của vợ, ông Đoàn lôi Th. xuống bếp tra khảo. Do Th. không nhận mình là thủ phạm, ông Đoàn tức giận dùng vũ lực với cháu. Sau trận mưa đòn, người cậu thản nhiên đi du lịch, Th. nhập viện trong tình trạng hai ngón tay bị đứt, chấn thương sọ não, qua đời vài ngày sau.

Nhung dua tre  bi... buc tu

1.

Câu chuyện đau lòng của Th. khiến tôi nhớ đến anh mình. Nhà nghèo, anh tôi phải nghỉ học từ nhỏ để theo chú học nghề sửa xe. Nhà tôi cách tiệm của chú không xa nhưng mỗi tối, anh thường ngủ lại để trông tiệm. Năm anh 15 tuổi, một sáng chú đến tiệm, tìm mãi không thấy cái ống bơm xe, bèn hỏi anh tôi: “Mày ăn cái ống bơm rồi hả?”. Anh đáp: “Không biết thằng Kiêm (một học trò khác của chú) có mang cho ai mượn không, chứ con ăn gì nổi”. Một lát sau Kiêm đến, nói không cho ai mượn… Theo lời má tôi, cái ống bơm không quá đắt, giá chú sòng phẳng theo kiểu anh tôi trông tiệm bị mất đồ thì phải đền, là xong. Nhưng chú chọn cách hành xử khác. Tối đó, chú chở anh ra cánh đồng tra khảo. Mãi khuya, nhà tôi ngủ hết, anh về đập cửa, mặt mũi đầy bùn, áo quần rách toạc, mái tóc bị cắt lởm chởm và đôi chân lằn những đường roi rịn máu. Anh khóc: “Tại nhà mình nghèo, tại con mồ côi cha nên chú mới nghi con lấy trộm”.

Anh tức tưởi ôm má tôi khóc. Ba giờ sáng, anh đi ngủ. Tầm nửa tiếng sau, má nghe thấy tiếng lục đục dưới bếp, cầm đèn rọi xuống bắt gặp anh tôi ôm chai thuốc diệt cỏ bỏ chạy ra cánh đồng. Má tôi đuổi theo. Mờ sáng, anh và má trở về. Thật mừng khi chai thuốc vẫn chưa được tháo nắp. Ngay trong ngày đó, má mang chiếc xe đạp tôi thường ngày đi học ra chợ bán. Trong nhà còn mấy bao lúa má tiếp tục bán rẻ. Tất cả tiền má mang đến nhà chú, nói: “Con tôi không lấy đâu nhưng tiệm chú mất đồ là lỗi của nó. Tiền này mẹ con tôi đền lại cái ống bơm cho chú”. Chú tôi bất ngờ: “Sẩy cha còn chú. Tôi dạy cháu mà chị làm gì vậy”.

Ba mươi năm từ ngày đó đến nay, trừ đám giỗ ông bà nội, anh tôi không một lần đặt chân đến nhà chú. Má tôi vài lần khuyên anh bỏ qua, anh buồn thiu: “Trong lòng con, chú đã chết từ đêm đó”. Anh bảo, ngay cả khi anh là người lấy cắp cái ống bơm, thì nỗi bàng hoàng và tuyệt vọng quá lớn trước đối đãi bạc bẽo của chú đã ngăn cản trong anh sự bao dung, tha thứ.

Nhung dua tre  bi... buc tu
 

2.

Cây cầu Lupu bắc qua sông Hoàng Phố, TP.Thượng Hải. Mới đây, clip ghi lại cảnh một nam sinh mở cửa chiếc ô tô đang đậu giữa lòng đường. Không một chút đắn đo, cậu chạy thật nhanh đến thành cầu rồi gieo mình tự vẫn. Người mẹ đuổi theo con, nỗ lực chụp chân con giữ lại nhưng thất bại. Bà đổ sụp bên mép cầu, tức tưởi, bất lực… Kết cuộc đau lòng này được xem là bắt nguồn từ một trận cãi vã giữa hai mẹ con họ. Một cuộc đổ lỗi diễn ra dành cho cả con và  mẹ. Nông nổi, bốc bồng, xem thường tính mạng là những tiếc nuối dành cho người con. Người mẹ cũng gánh chịu những chỉ trích rằng đã nỡ nặng lời mắng chửi dẫn đến “bức tử” con mình. 

Sau tất cả, bi kịch này vẫn trở về căn nguyên những bất đồng trong quan niệm ứng xử khác biệt giữa hai thế hệ. Với người lớn, mắng chửi con xuất phát từ tình yêu nhân danh sự dạy dỗ, uốn nắn. Cùng với mối quan hệ dựa trên quyền-người-lớn, họ thường không quan tâm lời mình nói có tác động đến cảm xúc và suy nghĩ của đứa trẻ ra sao, miễn trút được cơn giận. Ngược lại, với đứa trẻ, trong cuộc đua lý lẽ và ngôn từ này, ít khi nhận ra đó là tình yêu, sự lo lắng, dạy dỗ. Chúng thường cảm thấy bị xúc phạm, áp đặt, tổn thương, thậm chí không ngần ngại mặc định đây là sự ghét bỏ của cha mẹ. Khi khoảng cách giữa nhân danh tình yêu nơi người lớn và niềm tin bị ghét bỏ nơi đứa trẻ càng rộng, ai đảm bảo các em không có nguy cơ tìm đến một cây cầu Lupu cho mình?

Do đó, mọi ứng xử cần dựa trên sự cân nhắc, tôn trọng, tránh tổn thương cho con. Bằng không, những vết thương từ một cuộc dạy dỗ nào đó, qua năm tháng cũng thật khó để liền da kéo sẹo. 

Khi khoảng cách giữa nhân danh tình yêu nơi người lớn và niềm tin bị ghét bỏ nơi đứa trẻ càng rộng, ai đảm bảo các em không có nguy cơ tìm đến một cây cầu Lupu cho mình?

Phong Vân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI