Những bữa ăn nhọc nhằn của con nhà giàu

16/09/2017 - 10:25

PNO - Mấy đứa trẻ trong quán sáng nay, không thấy cô cậu nào ốm o gầy mòn hết mà toàn là những đứa trẻ tròn vo với đôi má phính chảy xệ khiến chiếc miệng chỉ còn bé tẹo.

Buổi sáng, trong quán cơm tấm, sao mà nhiều em bé tiểu học, mầm non quá. Các bà mẹ thì nhọc nhằn dỗ dành, vài ông bố thì cau mày quát hối. Nhưng các bé chẳng chịu ăn nhanh cho. Cứ khóc đòi này đòi nọ. Đứa đòi nước ngọt, đứa thích trà đá, đứa vừa lướt ipad vừa há miệng nhai cơm.

- Khổ vậy đó, có một hai đứa con nên nó làm trận làm thượng gì cũng phải chiều.

- Chị chiều quá không được đâu. Chứ như em, phải ăn xong mới cho mượn điện thoại.

Nhung bua an nhoc nhan cua con nha giau
 

- Bin nhà mình quen rồi, không đưa ipad, dễ gì nó chịu há miệng ùm cho.

- Ừ, làm mẹ thời buổi này khổ thật. Con năm, bảy tuổi mà còn phải đút cơm.

Vài chị trung niên ghé lại quán cơm, nghe các bà mẹ trẻ tâm sự thì bảo rằng trong lớp bán trú cũng có suất ăn sáng, sao cho bé ăn ngoài chi cho cực. Các bà mẹ trẻ bảo, tuần nào cũng quanh qua quẩn lại mấy món đó, ăn ngán chết, rồi nó ốm o bệnh hoạn. Nên “lâu lâu hai ba ngày cho nó ăn ngoài vầy mới được”.

Thật sự, mấy đứa trẻ trong quán sáng nay, không thấy cô cậu nào ốm o gầy mòn hết mà toàn là những đứa trẻ tròn vo với đôi má phính chảy xệ khiến chiếc miệng chỉ còn bé tẹo. Da chúng trắng mịn, cườm tay, bắp chân đều mập mạp.

Cái đầu như dính vào cổ bởi bờ vai trẻ con quá đầy đặn. Đứa con trai tầm bốn tuổi bàn bên kia bỗng dưng khóc ré sau khi tiếng bà mẹ quát: “Im, im ngay!”. Thì ra nó không thích uống loại nước Sting, nó ưa nước C2 như đứa trẻ bàn bên đang uống.

Nhung bua an nhoc nhan cua con nha giau
 

Hai đứa bé ngồi chung bàn với tôi, thoạt nhìn cứ như là chị em sinh đôi bởi màu áo đồng phục như nhau, đĩa cơm sườn bì trứng như nhau, hai ly nước ngọt như nhau. Nhưng người mẹ trẻ bảo, chúng là chị em họ, tại ở chung nhà nên sở thích giống nhau. Đĩa cơm mới vơi một nửa, đứa ngồi bên tay trái chị bắt đầu ưỡn ẹo kêu cơm dở. Đứa ngồi bên tay phải thì đòi thêm chai nước ngọt.

Mẹ chúng đấu dịu bằng cách bảo hai đứa ăn hết hai cái trứng ốp la, rồi sẽ kêu thêm nước cho. Hai đứa bé vừa ăn vừa lấy nĩa khều nhau, cuối cùng cái trứng cũng xong. Chị lại năn nỉ chúng ăn thêm miếng sườn “còn lại cơm bỏ đi”. Hai đứa lại trệu trạo nhai khi chờ chủ quán bưng thêm nước ngọt. 

Có chiếc xe hơi dừng lại, một nữ tài xế và bốn đứa trẻ trong độ tuổi lớp Một, lớp Ba bước xuống. Áo quần sạch sẽ tinh tươm vui cười chí chóe. “Bốn ba rọi bì chả, nhiều mỡ hành!”, nữ tài xế dõng dạc. Trong khi chờ chủ quán bưng cơm thì chị lấy điện thoại ra lướt. Hai đứa bé nhất xích ghế lại gần chị, hai đứa còn lại kêu mở cửa xe, điện thoại chúng để trong cặp rồi.

Bữa cơm bàn ấy khuấy động cả quán khi đứa khóc, đứa la, đứa chê ba rọi dở, đòi sườn cọng ngon… Cuối cùng, không đứa nào ăn hết phần bởi chúng vừa ăn vừa lướt điện thoại, người phụ nữ đi cùng cũng vừa nhai, vừa quẹt quẹt cái sản phẩm thông minh trên tay mình vừa hô hào: “Ăn lẹ đi, còn đi học”.

Tôi chợt thấy tội nghiệp cho những đứa trẻ ấy, năm học mới bắt đầu mà chúng đã phải khổ sở với kiểu ép ăn ép nuốt, nhưng “bỏ thí” với các món ăn vô tội vạ, chẳng biết bổ béo đến đâu. 

Thùy Phương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI