Nhóm mình ơi, nói chuyện gì vui đi!

23/08/2021 - 18:06

PNO - Không phải gia đình mình vô cảm mà là trước khó khăn, nghịch cảnh, con người càng cần vui khỏe để sống, phấn đấu, vượt qua.

Bạn là thành viên của bao nhiêu nhóm? Nhóm của nơi làm việc hiện tại, tất nhiên rồi, còn thêm nhóm nơi làm việc cũ, nhóm gia đình nhỏ, nhóm đại gia đình, nhóm bạn phổ thông, đại học, nhóm Tôi là dân quận 1, 2, 3… Lợi ích của nhóm là cập nhật thông tin nhanh chóng, rộng khắp; bàn luận rôm rả, trực tiếp, dễ tìm ra giải pháp tối ưu.

Tuy nhiên, vào mùa dịch, nhóm cũng là nơi “quy tập” không ít thông tin, hình ảnh “nhìn phát mệt”.

Chị Nguyệt Trang (Q.4, TP.HCM) vừa quyết định thoát nhóm đại gia đình vì càng ở lại càng hoang mang. Tuần trước, anh hàng xóm dương tính với COVID-19, chị nhắn nhóm để cả nhà biết tin và nâng cao ý thức phòng, chống dịch.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Dì ruột liền xộc vào: “Mùng Một tết, con có cúng trong nhà không?”. Biết chị Trang không cúng ngay ngày mùng Một vì lúc đó đang ở quê chồng, dì phán liền: “Bởi vậy, nói sao không ôm xui rủi vào nhà”. Mẹ chị chêm vô: “Má đã nói mà bây không chịu nghe. Từ đây đến cuối năm không biết có ổn hay te tua nữa?”.

Dù biết người lớn xót con cháu mới nói như vậy, nhưng đang rối mà dì còn bồi thêm vài dự báo u ám thì không sao nuốt trôi. Dù có thành viên khác góp ý khéo để dì nhận ra mình lố và để giảm nhẹ hiệu ứng trên “nạn nhân” nhưng dì vẫn tiếp tục dẫn chứng viễn cảnh xui rủi.

Hiện tượng này đã lặp đi lặp lại nhiều lần với việc khác, thành viên khác khiến người đang “có công có chuyện” không được trợ giúp gì mà còn bị giảm sự sáng suốt. Lựa thời cơ ít nhạy cảm, không gây hiểu lầm mình giận hờn hay bất kính, chị Trang cáo bận, đổ cho đợt này cơ quan chạy nước rút nhiều dự án, rồi rời nhóm.

“Vì lý do cá nhân, không tiện ở lại nhóm, có gì nhắn tin riêng cho mình nhé” là câu chào cuối mỗi khi anh Hoàng Huynh (Q.3, TP.HCM) “khắc xuất” khỏi nhóm. Tham gia quá nhiều nhóm ngốn quá nhiều thời gian và gần đây nhóm nào cũng chia sẻ đầy ắp tin không vui, khiến anh hao tổn tinh thần và sinh lực.

Các thành viên tranh nhau thả tin tiêu cực như thể cuộc thi được chấm giải cả về số lượng vẫn mức độ bi thảm. Tin dù chính thống hay chưa được kiểm chứng thì một điều rất thật là mọi người đều bị ảnh hưởng bởi sự quến đặc của chúng.

Chẳng ai nhớ cần phải điều tiết mảng màu dù biết những điều ấy đi thẳng vào bữa ăn, giấc ngủ. Anh thoát nhóm không phải vì xem thường hoặc không muốn gắn bó mà để bảo toàn “vùng xanh” của tâm trí mình.

Với nhóm nhắn tin “Cả nhà thương nhau” gồm vợ chồng anh và hai con, anh lưu ý chỉ nhắn những tin báo chí quan trọng, hữu ích; những dòng tin nhắn công việc, sức khỏe gia đình mình; không để “ngộ độc” vì tin buồn đau trên mạng.

“Không phải gia đình mình vô cảm mà là trước khó khăn, nghịch cảnh, con người càng cần vui khỏe để sống, phấn đấu, vượt qua. Thì tại sao không tiếp cho nhau sự thư thái, nhẹ nhàng cũng là động lực, cảm hứng sống?” - anh Hoàng Huynh nói. 

Có tiếng tít tít điện thoại, là con gái anh chuyển tiếp tin nhắn từ nhóm bạn học lớp Sáu: “Cho mình hỏi F mấy thì bị mất khứu giác? Mình rất khỏe mà có con chuột chết trên giường, nhưng mình lại không ngửi được mùi gì hết”. 

Tiếp, vợ anh gửi một tấm hình vừa chụp được gần chỗ làm (ở lại đêm), kèm theo dòng tin nhắn: “Tía nó ơi! Một cảnh tượng ngoại thành về đêm ngộ chưa từng có. Nhân thời điểm con người thực hiện giãn cách, hạn chế ra ngoài, mấy chục con chó trong xóm bang ra chiếm lĩnh đường phố, nằm phè giữa lằn ranh hai chiều mà ngủ như đúng rồi. Hihi… Mấy tía con ở nhà ngoan, ngủ ngon nhen!”. 

Toàn tin chuột với chó, anh tặc lưỡi rồi thả mặt cười và nhắn: “Nhớ má nó! Mấy tía con tuân lệnh, ngủ ngoan đây!”. 

Tô Diệu Hiền  

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI