Google Street View - Cánh cửa ký ức hay cạm bẫy quyền riêng tư?

05/07/2025 - 14:56

PNO - Ở Việt Nam, nơi pháp luật về dữ liệu cá nhân đang hoàn thiện, cơ chế nào bảo vệ người dân khỏi việc bị lưu trữ hình ảnh trái ý muốn?

Trong bối cảnh công nghệ ngày càng ăn sâu vào mọi ngóc ngách của đời sống con người, Google Street View đã âm thầm trở thành một cánh cửa đặc biệt dẫn về quá khứ. Chỉ cần vài thao tác đơn giản, người dùng có thể “du hành” trở lại con hẻm xưa, căn nhà cũ, thậm chí bắt gặp những hình ảnh thân thuộc tưởng chừng đã bị thời gian chôn vùi.

Trên mạng xã hội, không ít người chia sẻ khoảnh khắc xúc động khi thấy lại người mẹ đang quét sân, người bà đã mất, đứa em ngồi chơi trước hiên nhà, hay chính bóng dáng mình thuở học trò lướt qua camera. Sự tình cờ ấy với nhiều người trở thành một kiểu “ký ức số hóa” đầy tình cảm khi thời gian bỗng chốc được ghim lại bằng hình ảnh không ai biết đã từng được lưu giữ.

Một chia sẻ của người dùng mạng xã hội về khoảnh khoắc bất ngờ nhìn thấy người thân của mình trên Google Street View
Một chia sẻ của người dùng mạng xã hội về khoảnh khoắc bất ngờ nhìn thấy người thân của mình trên Google Street View

Thế nhưng chính khả năng ghi nhớ không giới hạn của công nghệ lại đặt ra những câu hỏi gai góc. Trong số những tấm ảnh được tự động thu thập và công khai, không thiếu những khoảnh khắc riêng tư bị phơi bày: một người đang trong tình huống tế nhị ngoài đường, một bà cụ vung dao dọa cháu, hay những hành vi nhạy cảm bị ghi lại không chủ ý. Những hình ảnh ấy một khi xuất hiện trên nền tảng toàn cầu như Google Maps thì không còn thuộc về riêng ai nữa. Từ một công cụ phục vụ điều hướng, Street View dần trở thành một kho lưu trữ phi kiểm soát, nơi bất kỳ ai cũng có thể bị bắt gặp trong tình thế mà họ không hề biết, không hề mong muốn.

Trên bình diện pháp lý, Google Street View không phải chưa từng đối mặt với phản ứng dữ dội từ cộng đồng và cơ quan quản lý. Năm 2010, tại Hoa Kỳ, Google bị phát hiện đã thu thập trái phép dữ liệu từ các mạng Wi-Fi không được mã hóa khi xe camera đi chụp đường phố. Vụ kiện nổi bật nhất là Joffe v. Google Inc., trong đó tòa án liên bang khu vực số 9 phán quyết rằng hành vi thu thập này có thể vi phạm Đạo luật Wiretap - một trong những bộ luật nghiêm khắc về bảo vệ thông tin liên lạc.

Sau nhiều năm kiện tụng, Google đã đồng ý dàn xếp vụ việc vào năm 2019 với khoản tiền 13 triệu USD, đồng thời cam kết tài trợ cho các tổ chức nghiên cứu về quyền riêng tư. Trước đó, Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) cũng phạt Google 25.000 USD vì không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra, dù bản thân hành vi thu thập dữ liệu chưa bị xử lý hình sự.

Không chỉ ở Mỹ, nhiều quốc gia khác cũng từng buộc Google phải thay đổi cách vận hành Street View. Tại Nhật Bản, phản ứng của công chúng về việc hình ảnh từ camera cao có thể “nhìn vào nhà dân” khiến Google phải hạ chiều cao ống kính xuống khoảng 40cm, đồng thời công bố lịch trình xe chụp ảnh để người dân có thể phản ứng nếu không đồng thuận.

Tại Thụy Sĩ, cơ quan bảo vệ dữ liệu từng yêu cầu Google làm mờ tốt hơn biển số xe và mặt người, trong khi Đức phạt Google 145.000 euro vì hành vi tương tự. Đáng chú ý, hơn 200.000 hộ dân Đức đã yêu cầu Google che mờ hình ảnh nhà của họ khi Street View triển khai trở lại năm 2023. Những hành động đó không chỉ là phản ứng pháp lý mà còn thể hiện rõ sự tỉnh thức của xã hội trước quyền được kiểm soát hình ảnh cá nhân.

Vấn đề ở đây không chỉ nằm ở công nghệ. Nó là biểu hiện của một cuộc xung đột giữa 2 quyền lực: quyền lực lưu trữ của hệ thống số và quyền được riêng tư của cá nhân. Khi một người vô danh tình cờ xuất hiện trên bản đồ số, quyền kiểm soát hình ảnh của họ bị chuyển giao cho một thuật toán, một nền tảng không rõ ai đang vận hành và vì mục đích gì. Càng nhiều người cảm thấy xúc động khi thấy lại người thân trong ảnh thì cũng từng ấy người giật mình vì hình ảnh của mình bị đưa lên mà không một lời hỏi han.

Đây là thời điểm cần đặt lại câu hỏi: xã hội đã sẵn sàng cho một thực tại mà không gian công cộng bị giám sát liên tục chưa? Việc làm mờ khuôn mặt và biển số vốn là biện pháp hiện tại của Google liệu có đủ để bảo vệ quyền nhận dạng cá nhân trong bối cảnh công nghệ nhận diện khuôn mặt ngày càng tinh vi? Và ở các quốc gia như Việt Nam, nơi pháp luật về dữ liệu cá nhân vẫn đang ở giai đoạn hoàn thiện, cơ chế nào sẽ bảo vệ người dân khỏi việc bị lưu trữ hình ảnh trái ý muốn?

Một giải pháp cấp tiến cần được đặt ra là trao lại quyền tự quyết cho người dân về hình ảnh của mình. Việc cho phép yêu cầu xoá ảnh, làm mờ chi tiết cá nhân, và thiết lập cơ chế phản hồi công khai nên trở thành chuẩn mực trong mọi dịch vụ ghi nhận hình ảnh công cộng. Đồng thời, các cơ quan quản lý cần đưa ra khung pháp lý cụ thể, quy định rõ ràng về giới hạn trong việc thu thập, sử dụng và phổ biến hình ảnh cá nhân, ngay cả khi những hình ảnh ấy được chụp ở nơi công cộng.

Google Street View không phải là vấn đề. Vấn đề là sự im lặng mặc định của người dùng khi quyền riêng tư bị xâm phạm. Giống như ở Đức, Nhật hay Mỹ từng yêu cầu Google thay đổi, người dân Việt Nam cũng cần được trang bị kiến thức để hiểu rằng việc hình ảnh mình xuất hiện trên bản đồ không phải điều tất yếu. Công nghệ không thể là cái cớ để lấn lướt đạo đức và quyền cá nhân. Mỗi người đều có quyền được sống trong sự kiểm soát đối với danh tính của mình, kể cả khi họ chỉ đang đứng lặng lẽ bên lề đường.

Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI