K-pop và cách giữ bản sắc truyền thống trong hiện đại

06/07/2025 - 06:45

PNO - Đưa truyền thống vào bối cảnh đương đại mà vẫn giữ trọn tinh thần văn hóa gốc là điều không dễ dàng trong bất kỳ sản phẩm giải trí nào. Vậy nhưng, bộ phim hoạt hình K-pop Demon Hunters đã làm được.

Không dừng lại ở việc sao chép hình thức hay minh họa văn hóa dân gian một cách hời hợt, K-pop Demon Hunters (Thợ săn quỷ K-pop) do Netflix và Sony Pictures Animation phối hợp sản xuất đã chọn cách lồng ghép tinh tế các yếu tố văn hóa Hàn Quốc (trang phục, âm nhạc đến biểu tượng dân gian…) vào một thế giới thần tượng sống động, trẻ trung.

Đặc biệt, tất cả chất liệu truyền thống ấy đã được thể hiện bằng ngôn ngữ hiện đại. Đây là một trong số ít tác phẩm có thể dung hòa 2 yếu tố tưởng chừng đối lập: giữ được hồn cốt văn hóa truyền thống đồng thời mang đầy đủ những yếu tố văn hóa thời thượng.

K-pop Demon Hunters được đánh giá cao nhờ cách kể chuyện  mang bản sắc Hàn Quốc - Nguồn ảnh: Internet
K-pop Demon Hunters được đánh giá cao nhờ cách kể chuyện mang bản sắc Hàn Quốc - Nguồn ảnh: Internet

K-pop Demon Hunters được đánh giá là bước tiến táo bạo trong cách kể chuyện mang bản sắc Hàn Quốc. Bộ phim tạo nên một thế giới giả tưởng, nơi các nhóm nhạc thần tượng vừa chiến đấu chống lại thế giới của ác quỷ vừa trình diễn với phong cách đặc trưng của K-pop. Điều thú vị là những yếu tố văn hóa như hanbok, nhạc cụ dân tộc (gayageum, geomungo), trò chơi dân gian hay biểu tượng dân gian được đưa vào không hề gượng ép và trở thành chất liệu chủ đạo tạo nên thẩm mỹ riêng.

Nhóm nhạc nam VIXX từng gây tiếng vang với MV Shangri-La khi kết hợp hanbok, quạt xòe và nhạc cụ truyền thống trong trình diễn và K-pop Demon Hunters đã kế thừa tinh thần đó để mở rộng thế giới thần tượng ra không gian phim ảnh. Từ hình ảnh các nhân vật trong nhóm nhạc Saja Boys mặc hanbok hiện đại, đội mũ gat đến sân khấu hoành tráng gợi nhắc lễ tế cổ truyền, tạo nên cảm giác vừa quen thuộc vừa mới mẻ.

Đạo diễn Maggie Kang đã nghiên cứu rất nhiều nhóm nhạc như BTS, Blackpink, Stray Kids, Ateez… Đó là những nhóm từng để lại ấn tượng khi mang màu sắc truyền thống vào sản phẩm của họ. Tuy nhiên, việc kết hợp truyền thống với hiện đại không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Đã có lúc Blackpink bị chỉ trích vì hanbok cách tân trong MV bị cho là giống kimono. Những phản ứng đó đã mở ra tranh luận cần thiết: Liệu văn hóa có đang bị bó hẹp trong khuôn khổ lịch sử hay cần những sự sáng tạo táo bạo để tồn tại trong dòng chảy toàn cầu?

Các chuyên gia văn hóa Hàn Quốc cho rằng điểm đáng khen ở bộ phim là sự hiểu biết và tôn trọng bản sắc văn hóa quốc gia này. Điều đó thể hiện qua cách khai thác yếu tố truyền thống uyển chuyển, tinh tế chứ không chính xác, khô cứng.

Theo giáo sư Lee Gyu-tag (Đại học George Mason), điều quan trọng là một “tinh thần Hàn Quốc”, nơi truyền thống được tái hiện bằng tư duy sáng tạo, chứ không bị giới hạn trong không gian bảo tàng. “Nếu chỉ nhìn văn hóa bằng lăng kính quá khứ thì nó khó có thể sống tiếp trong hiện tại. Truyền thống cần được làm mới để tiếp tục được yêu thích, thấu hiểu và lan tỏa” - giáo sư Lee Gyu-tag chia sẻ.

Minh Thuận

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI