Nếu cứ để tình trạng này thì có khi gia đình tan vỡ

06/07/2025 - 18:00

PNO - Để giữ được một gia đình đúng nghĩa, người ta phải biết cùng nhau thay đổi chứ không thể chỉ một người chịu đựng, một người ra điều kiện.

Chị Hạnh Dung thân mến,

Tôi 29 tuổi, kết hôn được hơn 3 năm, có một bé trai đang gửi ông bà ngoại chăm sóc dưới quê. Vợ chồng tôi sống và làm việc trên thành phố, cuối tuần mới tranh thủ về thăm con.

Chồng tôi có tính rất gia trưởng. Trong nhà, từ chuyện lớn đến chuyện nhỏ, anh đều muốn quyết định, không chấp nhận ai có ý kiến khác. Tôi góp ý điều gì liền bị quy là cãi lời, không biết tôn trọng chồng.

Nhiều lần tôi nhịn nhưng càng nhịn thì anh càng kiểm soát, từ chuyện nấu ăn, chi tiêu đến việc tôi đi đâu, gặp ai cũng phải "trình báo". Cách đây hơn 1 tháng, tôi nộp đơn xin việc mới vì chán nản môi trường cũ, quên báo anh biết thì anh nổi giận, cho rằng tôi tự ý, không coi chồng ra gì.

Chúng tôi cãi nhau gay gắt rồi anh dọn đồ bỏ đi, chuyển về sống tạm tại nhà một người quen, không nói với tôi tiếng nào. Vài ngày sau, anh nhắn: “Bao giờ em bỏ được cái tính cãi chồng thì anh sẽ về”.

Tôi gọi cho mẹ chồng, mong bà khuyên bảo con trai thì bà lại nói: “Nó đi như vậy là đúng, vợ mà cứ cãi chồng thì ai chịu nổi”. Tôi nghe mà nghẹn lòng, cảm thấy mình không còn chỗ để dựa.

Giờ đã hơn 1 tháng, anh không về, không hỏi han gì đến con. Trong khi đó, sinh nhật con sắp đến, bé cứ nhắc tới ba, hỏi sao ba không về. Tôi rối bời, không biết có nên xin lỗi để chồng về cùng tổ chức sinh nhật cho con hay cứ im lặng. Tính anh rất lỳ, nếu cứ để tình trạng này thì có khi gia đình tan vỡ.

Hoàng Thu Dung

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Em Hoàng Thu Dung thân mến,

Vợ chồng sống với nhau khó tránh khỏi những bất đồng, mâu thuẫn. Trong những trường hợp như vậy, trò chuyện, chia sẻ, nói ra ý kiến của mình, bảo vệ nó, tranh luận với nhau vì nó là điều bình thường.

Khi người này tôn trọng, lắng nghe, cân nhắc ý kiến của người kia rồi cùng có quyết định chung thống nhất, thậm chí nếu vẫn không thể đồng ý với nhau thì chấp nhận sự tự do chọn lựa quan điểm của người kia mới là biểu hiện của một mối quan hệ lành mạnh, bình đẳng.

Em không sai khi mong muốn được tôn trọng và có tiếng nói trong gia đình. Việc em muốn tự chủ trong công việc hay góp ý những điều mình thấy chưa hợp lý trong nhà không đồng nghĩa với “cãi chồng”. Em cần phải được sống như một người trưởng thành, có tư duy, có trách nhiệm.

Nhưng đáng tiếc, chồng em không nhìn nhận được điều đó. Việc em nhẫn nhịn lâu nay không làm anh ấy hiểu ra mà chỉ khiến anh quen với việc giành quyền quyết định mọi thứ. Một người càng gia trưởng thì càng dễ xem sự im lặng, nhẫn nhịn của vợ là lẽ đương nhiên.

Cho đến khi em lên tiếng thì anh ấy cảm thấy mình mất quyền kiểm soát và thay vì lắng nghe, anh ấy trừng phạt. Cách chồng em rời khỏi nhà rồi nhắn một câu đầy tính mệnh lệnh không phải là thái độ của một người bạn đời muốn cùng xây dựng gia đình. Đó là thái độ của người chỉ muốn chiếm quyền kiểm soát mãi mãi trong gia đình. Yêu cầu của chồng em nghe chẳng khác một bản án mà người vợ không có quyền kháng cáo.

Vì không muốn con bị thiệt thòi, không muốn sinh nhật con thiếu vắng bóng cha mà em đã nghĩ tới việc xin lỗi, chấp nhận điều kiện chồng đưa ra. Nhưng trước khi xin lỗi, em cần tự hỏi: Em có sai không?

Em có thể chủ động mời anh ấy về dự sinh nhật con nhưng không nên làm điều đó dưới danh nghĩa “xin lỗi”. Đơn giản vì em không làm gì sai. Nếu xuống nước xin lỗi thì em sẽ đặt chính mình vào thế yếu, chấp nhận cái khuôn “vợ phải phục tùng” chồng em áp đặt. Như thế, dù anh ấy có quay về thì sự ngột ngạt, kiểm soát cũng sẽ lặp lại, thậm chí còn tệ hơn.

Thay vì xin lỗi, em có thể nhắn cho anh ấy một tin nhắn nhẹ nhàng, bình tĩnh, rằng sắp tới sinh nhật con, bé rất mong gặp ba và em cũng mong muốn cùng chồng tổ chức sinh nhật cho con có niềm vui trọn vẹn.

Hãy nói bằng giọng của một người mẹ vì con chứ không phải một người vợ phải cúi đầu. Đó là một lời mời nhẹ nhàng nhưng không nhu nhược. Đó là em vì con mà mở một cánh cửa, chứ không vì sợ chồng mà cúi đầu.

Hạnh Dung hiểu em còn yêu, còn muốn giữ gia đình nên đã nghĩ tới việc chấp nhận lùi bước, chịu thiệt thòi. Nhưng, em hãy thử đặt câu hỏi: Mình có muốn sống cả đời trong một mối quan hệ mà tiếng nói của mình không có giá trị? Con mình sẽ lớn lên ra sao nếu phải chứng kiến cha mẹ không yêu thương nhau hoặc luôn phải sống trong không khí căng thẳng, kiểm soát?

Để giữ được một gia đình đúng nghĩa, người ta phải biết cùng nhau thay đổi, chứ không thể chỉ một người chịu đựng, một người ra điều kiện. Nếu chồng em không đủ bình tĩnh cùng em nhìn lại mọi chuyện mà chỉ muốn quay về khi em hoàn toàn khuất phục, rồi em sẽ sống ra sao trong những tháng ngày kế tiếp?

Nếu em mạnh mẽ, vững vàng, bản lĩnh và khéo léo, gia đình em hoàn toàn có thể vượt qua sóng gió. Nhưng nếu em phải quỳ gối để giữ, liệu cái thế chênh vênh có giữ được gia đình em mãi mãi?

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(6)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI