“Bóng ma” trong các ngọn hải đăng

06/07/2025 - 11:41

PNO - Từ tai nạn chìm tàu, tự sát lẫn vô số bi kịch rùng rợn khác, không ít ngọn hải đăng trong lịch sử trở thành đề tài cho những câu chuyện kinh dị cũng như bí ẩn chưa có lời giải.

Dẫu chia sẻ chung tên riêng, nhưng Thomas Griffith và Thomas Howell, cùng hành nghề giữ hải đăng, thường được nhắc đến tại thị trấn họ sống vì những màn đấu đá, tranh cãi kịch liệt trong mọi vấn đề. Mùa đông khắc nghiệt cuối năm 1800 – đầu năm 1801, hai người nhận nhiệm vụ canh giữ Smalls, một trong những hải đăng hẻo lánh bậc nhất ở xứ Wales, cách bờ biển gần đấy hơn 32km.

Chuyến đi những tưởng chỉ kéo dài 1 tháng, biến thành “trải nghiệm tra tấn” suốt 5 tháng ròng. Griffith và Howell bị vây kín trên hòn đảo nhỏ hẹp nơi Smalls tọa lạc, giữa lúc trời nổi giông bão liên tục và không có tàu thuyền nào đủ khả năng đến ứng cứu họ.

Kết cục rùng rợn nhất xảy đến với cả hai theo cách khó ai ngờ.

Ngày nay, thay thế cho hải đăng Smalls – nơi diễn ra bi kịch của Howell và Griffith, là một kiến trúc hải đăng đã tự động hóa hoàn toàn. - Ảnh: Alamy
Ngày nay, thay thế cho hải đăng Smalls – nơi diễn ra bi kịch của Howell và Griffith, là một kiến trúc hải đăng đã tự động hóa hoàn toàn - Ảnh: Alamy

Tòa kiến trúc “địa ngục”

Theo một số sách và nghiên cứu về lịch sử hải đăng tại Anh quốc, Howell từng cố thử nhiều cách khác nhau để cầu cứu, đặc biệt khi Griffith – trẻ tuổi hơn ông – ngã bệnh khi đang mắc kẹt trên đảo. Đáng tiếc, sau vài tuần chịu đựng cơn bệnh hành hạ (cũng có sử gia cho rằng Griffith bị ngã), đồng nghiệp duy nhất của Howell qua đời.

Suốt 3 tuần kế tiếp, bầu bạn cùng Howell là…một tử thi đang dần phân hủy.

Dưới điều kiện sinh hoạt thiếu thốn cùng mối đe dọa từ thời tiết, Howell hiểu rằng thi thể người đồng nghiệp có thể bị hủy hoại càng nhanh chóng. Đồng thời, lo lắng bản thân sẽ bị chỉ trích, thậm chí kết tội về việc Griffith ra đi đột ngột nếu không xử lý cái xác thỏa đáng, Howell – trước kia là thợ mộc, quyết định đóng một quan tài gỗ đơn sơ từ những vật liệu sẵn có. Và vị trí ông cho rằng an toàn nhất để đặt quan tài, giúp nó tránh không bị bão biển quật ngã, nứt gãy, chính là ngoài ban công, nơi cao nhất ở hải đăng.

Sử gia, nhà nghiên cứu hàng hải Christopher P. Nicholson, từng cho ra mắt một tác phẩm sách chuyên đề về các câu chuyện kỳ bí xoay quanh hải đăng, chia sẻ: “Năm ấy, không ít tàu cứu nạn đã thử tiếp cận đảo để đưa hai người rời đi. Nhưng nhóm thủy thủ trên con tàu duy nhất tiếp cận được Smalls lại hiểu lầm trước một cảnh tượng kinh dị: một "người" đang nằm nhoài trên ban công cao nhất của hải đăng, kiên trì "dùng tay vẫy" qua lại một lá cờ cứu nạn đã rách bươm vì hứng chịu gió biển”.

Thuyền trưởng con tàu không hề hay biết rằng, "người" họ thấy trên ban công là Griffith, bấy giờ vừa qua đời. Lá cờ xin ứng cứu được buộc vào tay tử thi, như một nỗ lực vô vọng của Howell.

Đến tận 5 tháng sau, một con tàu đến từ thị trấn Milford gần đó thành công tìm tới hải đăng Smalls. “Vừa bước lên đảo, họ đã ngửi thấy một thứ mùi vô cùng khó chịu”, Nicholson nói. “Howell sống sót và được đội cứu viện mang đi. Nhưng tình trạng của ông ấy bấy giờ đã rất tệ. Họ mô tả người đàn ông trông chẳng khác gì một cái xác không hồn".

Phác họa công trình hải đăng Smalles thuở ban đầu vô cùng đơn sơ, cô độc giữa biển. Kiến trúc mới kiên cố hơn, ngày nay thuộc địa phận Pembrokeshire, xứ Wales. - Ảnh: SpookyIsles
Phác họa công trình hải đăng Smalls thuở ban đầu vô cùng đơn sơ, cô độc giữa biển. Kiến trúc mới kiên cố hơn, ngày nay thuộc địa phận Pembrokeshire, xứ Wales. - Ảnh: SpookyIsles

Gắn liền với các ngọn hải đăng không thiếu những câu chuyện bi đát lẫn rợn người như thế. Cảm giác bị vây hãm, sự cô quạnh giữa biển trời mênh mông, tâm lý bị ảnh hưởng tiêu cực, và thậm chí trong vài trường hợp, án mạng đã xảy ra.

Như nhận xét từ chuyên gia về hải đăng Dick Moehl, giám đốc điều hành Hiệp hội Những người giữ hải đăng vùng Ngũ Đại Hồ (Bắc Mỹ): “mỗi ngọn hải đăng đều có góc tối ma mị và u uất của riêng nó”.

Ông còn đùa rằng, “Một căn nhà ma trăm tuổi có gì đáng sợ? Có khi nó còn chẳng khiến người ta ‘lạnh gáy’ bằng trải nghiệm khi bước vào một ngọn hải đăng cổ”.

Ánh sáng và bóng tối

Thuộc top 7 kỳ quan thế giới cổ đại, cũng là công trình chiếu sáng trên biển đầu tiên được ghi nhận trong lịch sử nhân loại, là Hải đăng Alexandria. Khởi công từ năm 270 trước CN, Alexandria – có thiết kế độc đáo, tráng lệ – được tin rằng đã chiếu sáng Địa Trung Hải xuyên suốt một thiên niên kỷ.

 “Đại hải đăng” Alexandria hùng vĩ trên tranh cổ, thuộc một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại. - Ảnh: Getty.
“Đại hải đăng” Alexandria hùng vĩ trên tranh cổ, một trong 7 kỳ quan thế giới cổ đại - Ảnh: Getty.

Đế chế La Mã, sau đó, mở rộng ý tưởng xây hải đăng ra khắp các vùng biển thuộc Đại Tây Dương. Thế nhưng sau thế kỉ V, do nhiều nguyên nhân, hải đăng biến mất khỏi bản đồ hàng hải, trước khi tái xuất hiện cuối thời Trung Cổ - đầu giai đoạn Phục Hưng (thế kỉ XIII-XV). Sớm nhất vào thời kỳ này là Hải đăng Meloria xây dựng năm 1157 ngoài bờ biển Tuscany (miền trung nước Ý). Kế tiếp, Tây Ban Nha, Pháp, Anh cũng lần nữa say mê tạo dựng nhiều “ngọn đèn biển nhân tạo”.

“Tuy nhiên, kỷ nguyên vàng của hải đăng hiện đại rơi vào khoảng năm 1840-1940, khi chúng du nhập tới Hoa Kỳ”, nhà địa lý học Kevin Blake, công tác tại Đại học Bang Kansas, mô tả. “Châu Âu không thiếu hải đăng, vài còn đặc biệt đồ sộ. Nhưng nước Mỹ, chỉ trong trăm năm kể trên, có tới hơn 1,500 ngọn đèn biển lớn nhỏ”.

“Hải đăng, có công năng chiếu sáng, chỉ dẫn phương hướng và cứu nạn, đem tới hy vọng cho người đi biển. Quả thật, chúng là một biểu tượng kiến trúc đáng kiêu hãnh của nhân loại. Thế nhưng chúng cũng ẩn giấu không ít góc khuất, bí ẩn đen tối”, Blake nhấn mạnh.

Ngọn hải đăng cổ trên đảo Nam Manitou nằm ở vị trí tương đối biệt lập, cách khá xa thị trấn gần nhất trên đất liền. - Ảnh: DiannaStampfler

Ngọn hải đăng cổ trên đảo Nam Manitou nằm ở vị trí tương đối biệt lập, cách khá xa thị trấn gần nhất trên đất liền - Ảnh: DiannaStampfler

Ở bang Michigan, vùng đất có tới 129 ngọn hải đăng (nhiều hơn bất kỳ tiểu bang nào khác của Hoa Kỳ), truyền thuyết đô thị, truyện thần bí cũng như tin đồn ma quái dường như tồn tại trong mọi sách hướng dẫn về các hải đăng.

Nữ văn sĩ, nhà nghiên cứu lịch sử Dianna Stampfler – sinh sống tại “xứ sở hải đăng” Michigan – đưa ra so sánh thú vị: “Tôi đoán hải đăng, như cách chúng chở che người mắc nạn trên biển, cũng biến thành chốn nương thân cho những người con xứ biển, sau khi họ…tạ thế”.

Stampfler thuật lại một câu chuyện kỳ bí, cũng đặc biệt đau lòng: “Cách thành phố Traverse (đô thị lớn nhất miền bắc Michigan) 72km về hướng tây bắc có một ngọn hải đăng nằm lẻ loi trên đảo Nam Manitou. Xa xưa, khoảng thập niên 1860, sau Nội chiến Hoa Kỳ, cựu binh Aaron Sheridan cùng người vợ trẻ mới cưới Julia, cùng dọn đến hải đăng trên đảo. Suốt 10 năm kế tiếp, đôi vợ chồng chia sẻ công việc vận hành, quản lý hải đăng và xây dựng gia đình nhỏ của mình trên hòn đảo heo hút”.

Bất hạnh ập tới đột ngột với nhà Sheridan ngày 15/3/1878. Sau chuyến đi từ đất liền trở về nhà, Aaron, Julia, và con trai út Robert gặp phải bão lớn ngay khi sắp đến đảo. Thủy thủ cầm lái chiếc thuyền nhỏ chở họ, Christ Ancharson, đã cố làm mọi cách để điều khiển thuyền tìm nơi lánh nạn, nhưng vẫn đành thất thủ trước giông gió mạnh và sóng lớn.

“Bé trai Robert qua đời trong vòng tay mẹ. Chung số phận đáng thương là hai vợ chồng Aaron, Julia chỉ ít lâu sau”, Stampfler nói. “Ancharson là người duy nhất sống sót sau vụ đắm thuyền thương tâm, bằng cách bám chặt suốt 5 giờ đồng hồ vào một mảnh thân tàu trơn trượt. Con thuyền của họ đã bị phá hỏng hoàn toàn”.

Julia, cùng chồng Aaron Sheridan và con trai út đồng loạt qua đời trong một trận bão lớn bí hiểm, khi thuyền của họ đã gần cặp bờ trên đảo Nam Manitou. - Ảnh: AtlasObscura
Julia, cùng chồng Aaron Sheridan và con trai út qua đời trong một trận bão lớn bí hiểm, khi thuyền của họ đã gần cặp bờ trên đảo Nam Manitou - Ảnh: AtlasObscura

Những lời đồn xuất hiện ngay lập tức sau vụ tai nạn. Di thể 3 nạn nhân xấu số chưa từng được tìm thấy, bất chấp mọi nỗ lực của chính quyền địa phương. Thay vào đó, lại nổi lên câu chuyện ma quái đáng sợ về hải đăng đảo Nam Manitou.

Văn sĩ Stampfler chia sẻ: “Bắt đầu có nhân chứng khẳng định, họ nghe thấy tiếng chân đi lại, tiếng nói chuyện, than khóc và đủ loại âm thanh quái lạ - không thể lý giải nổi, bên trong hải đăng”.

Sự điên loạn đến từ… nỗi sợ cô độc

Stampfler, cũng như nhà địa lý học Kevin Blake, dẫu đứng dưới góc nhìn khoa học trung lập, vẫn giữ ý kiến phức tạp về hải đăng. “Ánh sáng cũng có thể lẩn khuất bóng tối, và chúng nhiều hơn bạn nghĩ”, theo Stampfler.

Từng có một vụ án mạng gây rúng động dư luận Scotland diễn ra năm 1960 tại hải đăng Little Ross (miền nam Scotland). Hôm ấy, hai cha con nhà Collin, là người địa phương, cùng tới hải đăng trên đảo nhỏ Little Ross thăm quan.

Hải đăng trên đảo Little Ross từ vô danh trở nên nổi tiếng, sau vụ án gây chấn động Scotland. Ảnh: LighthouseAccommodationUK
Hải đăng trên đảo Little Ross từ vô danh trở nên nổi tiếng, sau vụ án gây chấn động Scotland - Ảnh: LighthouseAccommodationUK

David, con trai nhà Collin, bấy giờ vẫn là sinh viên ngành kiến trúc, hồi tưởng: “Thứ 5, ngày 18/8/1960, ngay khi đặt chân lên đảo, chúng tôi đã cảm thấy bầu không khí có gì đó…kỳ quái”.

Những năm trước, nhóm người giữ hải đăng tại Little Ross thường hân hoan chào đón gia đình Collin đến thăm. Thế nhưng buổi sáng hôm đó, trên đảo vắng lặng dị thường.

Cha David, vì lo âu, thử bước vào hải đăng để thăm dò tình huống. Chỉ vài phút sau, ông trở ra với gương mặt hốt hoảng, hét lớn: ”Quay trở về, gọi cứu viện ngay! Có một người bị thương nặng!”

Nhà Collin phát hiện ra Hugh Clark, người giữ hải đăng lớn tuổi, lúc ấy vừa bị bắn trọng thương bởi chính trợ lý của ông, một thanh niên tên Robert Dickson. Clark, đáng tiếc đã không qua khỏi.

Dickson trốn chạy khỏi đảo ngay sau khi ra tay giết người. Nhanh chóng bị bắt lại ở Yorkshire, hứng chịu bản án chung thân, nhưng Dickson không phải ngồi tù lâu. Tên sát nhân tự sát trong trại giam, 2 năm sau đó.

Đảo Little Ross và bóng dáng ngọn hải đăng duy nhất của nó, trong một ngày mù sương. Ảnh: Alamy
Little Ross và bóng dáng ngọn hải đăng duy nhất của nó, trong một ngày mù sương - Ảnh: Alamy

Đã trực tiếp khám phá nhiều hải đăng cổ cất giấu vô vàn “chuyện xưa tích cũ” ghê rợn và bi thương, nhà văn Stampfler cảm thán: “Không quá lời khi hình dung, leo lên một tòa kiến trúc đôi khi cao tới 60 mét, thẳng đứng và chơ vơ giữa biển rộng, gợi cảm giác run rẫy gần như tương tự một trải nghiệm sinh tử”.

Blake tiếp lời: “Trên thực tế, đã có vài trường hợp người giữ hải đăng gieo mình xuống biển…từ tầng cao nhất nơi họ làm việc. Sự cô độc đẩy họ vào trạng thái điên loạn, để rồi đánh mất mình”.

“Sự cô độc” đến từ hiện thực rằng người giữ hải đăng thường xuyên bị vây quanh bởi biển lớn vốn luôn tiềm ẩn giông bão khó lường. Họ còn phải chịu đựng điều kiện làm việc kham khổ, tách biệt với cộng đồng. Điều này có thể khiến ngay cả những người vững tâm thấy căng thẳng tinh thần.

Tệ hơn, những kiến trúc hải đăng cổ điển mang kiểu dáng tháp đứng điển hình, làm từ vật liệu gạch, gỗ nhanh xuống cấp. Chúng dễ tạo cảm giác đè nén, ngột ngạt khi sinh hoạt lâu dài bên trong.

Một số tai nạn, tử vong hy hữu có thật và đôi khi khó lý giải, càng giúp “thêu dệt” nên bầu không khí rùng rợn – kích thích trí tưởng tượng của công chúng về các “bóng ma” trong hải đăng.

Sở hữu tên gọi ý nghĩa, là ngọn đèn chỉ dẫn phương hướng, nhưng hải đăng cũng có thể gieo rắc bất hạnh, khiến một người đánh mất phương hướng.

Như Ý (theo AtlasObscura)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI