Từ Làng Háo Hức đến bài học không hề háo hức trong kinh doanh giáo dục

05/07/2025 - 08:00

PNO - Trong những ngày qua, vụ việc liên quan đến trại hè Làng Háo Hức đã chạm tới một phần giới hạn nhạy cảm mà xã hội, đặc biệt là người làm giáo dục, buộc phải đặt lại câu hỏi: Khi giáo dục bị định danh như một loại hình dịch vụ thì điều khác biệt sẽ là gì?

Kỳ vọng bị đánh tráo: Từ giáo dục thành tiêu dùng

Phụ huynh gửi con đến một trại hè không đơn thuần vì muốn mua một tuần trải nghiệm. Họ không tìm kiếm “dịch vụ” mà trao gửi một niềm tin rằng những người tổ chức sẽ là người đồng hành cùng con mình, không chỉ trong các hoạt động mà trong toàn bộ quá trình hình thành nhân cách.

Trại hè Làng Háo Hức có 6 năm hoạt động do MC Minh Trang sáng lập. Gần đây, một phụ huynh lên tiếng tố cáo con bị bắt nạt, điều kiện sinh hoạt kém, ban tổ chức phản hồi thiếu trách nhiệm. Sự việc nhanh chóng lan rộng trên mạng xã hội, với nhiều luồng ý kiến tranh luận gay gắt xoay quanh mô hình “giáo dục trải nghiệm”.

Vấn đề nằm ở chỗ, niềm tin ấy đã bị hoán đổi bằng thứ được gọi là “trọn gói chương trình”. Khi phụ huynh trả từ 9 đến 11 triệu đồng, họ không mua một kỳ nghỉ có kiểm soát. Họ đang đầu tư vào một quá trình giáo dục ngắn hạn nhưng đòi hỏi chất lượng và đạo đức.

Bởi vì nếu một đứa trẻ bị bắt nạt trong một trại hè có chủ đích giáo dục mà không được bảo vệ thì vấn đề không phải là lỗi quy trình mà là thất bại trong triết lý giáo dục.

Kinh doanh giáo dục là loại hình kinh doanh mang tính đạo đức

Điều tạo nên ranh giới rõ rệt giữa kinh doanh giáo dục và các loại hình kinh doanh khác không nằm ở đối tượng phục vụ mà nằm ở bản chất của sản phẩm. Giáo dục không cung cấp hàng hóa mà tạo ra ảnh hưởng, không bán trải nghiệm tức thời mà gieo trồng sự hình thành nhân cách của con người.

Vì vậy, người làm giáo dục không thể hành xử như một nhà cung cấp dịch vụ thông thường. Một nhà hàng có thể xin lỗi khách bằng voucher nếu thức ăn dở. Một hãng du lịch có thể bồi thường nếu phòng khách sạn không đúng mô tả. Nhưng một đơn vị giáo dục một khi đã để đứa trẻ phải chịu đựng cảm giác không được bảo vệ thì không có “ưu đãi lần sau” nào có thể bù đắp.

Khủng hoảng truyền thông là triệu chứng, không phải nguyên nhân

Nhiều người nhìn vào vụ việc Làng Háo Hức và cho rằng đây là một cuộc khủng hoảng truyền thông. Nhưng điều đáng nói hơn là: truyền thông chỉ là bề nổi. Những phát ngôn cảm tính, lời đáp trả thiếu kiểm soát không phải là sai lầm tình huống mà là sự bộc lộ của một nền tảng vận hành.

Giáo dục đòi hỏi sự khiêm nhường. Khi một phụ huynh phản ánh, người làm giáo dục không được phép xem đó là “công kích của khách hàng” mà phải lắng nghe như một cuộc phản biện cho chính hệ giá trị mình đang vận hành. Không có nhà giáo dục tử tế nào ngụy biện cho sự bất an của học sinh bằng ngôn từ hoa mỹ. Không có trại hè nào được phép lấy trải nghiệm đau thương để biện minh cho “giáo dục cảm xúc”.

Bởi vì trong giáo dục, mục tiêu không bao giờ là tạo ra cú sốc mà là nuôi dưỡng sự an toàn.

Giá trị giáo dục nằm trong cách con người ứng xử

Một chương trình có thể được viết với triết lý hay, slogan đẹp, phương pháp tiên tiến nhưng tất cả đều sẽ sụp đổ nếu người đứng lớp không biết bảo vệ trẻ; nếu người vận hành không hiểu sự mong manh của một đứa trẻ xa nhà, và nếu người đại diện không đủ bình tĩnh, bao dung để đón nhận phê bình.

Người làm giáo dục không thể chỉ giỏi tổ chức. Họ phải là những người có năng lực tự soi để hiểu rõ rằng mình không chỉ làm ra một sản phẩm mà đang đóng vai trò kiến tạo tâm hồn.

Một trại hè thất bại có thể tổn hại danh tiếng. Nhưng một triết lý giáo dục bị đánh tráo, từ nuôi dưỡng sang kiểm soát, từ lắng nghe sang ngụy biện thì đó là sự đổ vỡ của niềm tin vào loại hình giáo dục ấy chứ không chỉ của một thương hiệu.

Làm giáo dục không thể chỉ giỏi “làm chương trình”

Không phải mọi người tổ chức trại hè đều là nhà giáo. Nhưng nếu đã tự nhận mình là một mô hình giáo dục, dù theo hướng trải nghiệm, cảm xúc hay thiên nhiên thì điều đầu tiên cần hiểu là: giáo dục phải là một cam kết đạo đức chứ không phải một gói sản phẩm có thể bán theo mùa.

Vụ việc Làng Háo Hức rồi sẽ qua đi như nhiều khủng hoảng khác. Nhưng câu hỏi cần lưu lại là: Chúng ta đang giáo dục vì ai? Để truyền cảm hứng hay để bán trải nghiệm? Để giúp trẻ an toàn hay để đạt KPI tăng trưởng?

Bởi nếu không trả lời được những câu hỏi đó một cách tử tế thì sớm hay muộn, chúng ta cũng sẽ bị chính những đứa trẻ tổn thương ấy… đặt câu hỏi ngược lại.

Lê Hoài Việt

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI