Lo mất con vào tay má chồng

05/07/2025 - 18:00

PNO - Đừng để cảm giác áy náy, lo sợ làm mất lòng má chồng khiến em chùn bước, bởi mong muốn được làm người mẹ đúng nghĩa, có trách nhiệm là chính đáng.

Chị Hạnh Dung kính mến,

Em đang gặp chuyện rất khó xử. Vợ chồng em có 2 con, bé lớn là con gái năm nay học lớp Tám, bé nhỏ là con trai, học lớp Bốn.

Từ nhỏ, bà nội đã rất cưng cháu trai. Từ lúc sinh con, em gần giống như vú nuôi, chỉ cho con bú sữa, má chồng giành tất cả việc chăm cháu. Con em từ nhỏ đã ngủ với bà (do bà muốn vậy, lấy lý do sợ vợ chồng em mất giấc ngủ). Riết rồi em có cảm giác má chồng đang làm hết việc của một người mẹ: từ chăm sóc, lo ăn uống, tắm rửa đến thuốc men khi bệnh, đi viện với cháu, đưa cháu đi học… Bà cho mình quyền định đoạt mọi việc liên quan tới con em: ăn gì, học trường nào, chơi gì, đi chơi ở đâu…

Gần đây, em càng lo hơn khi bà dung túng cho cháu chơi game trên điện thoại quá nhiều. Em có cảm giác bây giờ con trai em cũng có nhu cầu được gần gũi ba mẹ nhưng bà quyết tâm dụ để cháu theo bà bằng cách chiều chuộng mọi sở thích, hễ ba mẹ cấm cản gì thì bà cho làm cái đó. Em nói với chồng thì chồng bảo bà thương cháu là tốt, rằng “cứ để con theo nội thì quan hệ giữa vợ và má chồng càng tốt chứ sao”. Em sợ cứ thế này em sẽ mất con…

Nhung Nguyễn (Vĩnh Long)

Minh họa: Internet
Minh họa: Internet


Em Nhung Nguyễn thân,

Quan hệ mẹ chồng - nàng dâu luôn là mối quan hệ nhạy cảm. Hiện tại, mâu thuẫn chưa bùng phát vì bấy lâu nay em vẫn đang nín nhịn, chưa thể hiện quan điểm trong việc nuôi dạy con. Chính sự giằng co âm thầm giữa tình mẫu tử và tình thương quá đà của bà nội dành cho cháu khiến em cảm thấy mình tiến thoái lưỡng nan.

Em đã đúng khi bày tỏ nỗi lo lắng với chồng nhưng có vẻ chồng em chưa đánh giá đúng mức độ của sự việc. Với anh ấy, “hòa bình” giữa mẹ và vợ quan trọng hơn chuyện vợ chồng em “mất quyền kiểm soát” với con trai. Em nên nói chuyện nghiêm túc thêm với chồng, phân tích cho anh thấy ba mẹ mới là người chịu trách nhiệm chính trong việc nuôi dạy con. Đừng lên án hay trách cứ má chồng mà chỉ nhấn mạnh vai trò, trách nhiệm của người làm ba mẹ để chồng thuận tình nhập cuộc cùng em. Trong hành trình này, sự đồng hành của chồng rất quan trọng bởi vừa giảm thiểu xung đột giữa mẹ chồng - nàng dâu, vừa thể hiện chỗ đứng quan trọng của người cha với quá trình phát triển của con trai.

Má chồng em đang nhập sai vai khi chiếm mất vị trí người mẹ của cháu. Đó có thể là hành động không có chủ ý, bị tình thương dẫn dắt đi chệch hướng. Tấm lòng bà dành cho cháu là không thể nghi ngờ, nhưng tình thương đặt không đúng chỗ sẽ ảnh hưởng không tốt đến quá trình hình thành nhân cách của trẻ nhỏ. Nếu vì ngại đụng chạm mà em để việc này tiếp diễn, lâu dần, vợ chồng em sẽ mất kết nối cảm xúc với con trai khi mọi thứ từ tinh thần đến vật chất bà nội đã cung phụng đầy đủ.

Bây giờ, việc em cần làm không phải là ngăn cản tình cảm bà cháu mà là tìm cách để vợ chồng em “hiện diện” trong cuộc sống của con nhiều hơn. Chẳng hạn: dành cho con thời gian, chơi cùng con, trò chuyện cùng con, đề nghị má chồng cho em tham gia vào những chuyến đi, những cuộc vui của 2 bà cháu. Khi đã hòa nhập được với con, em có thể tiến thêm một bước: rủ con có những giây phút dành riêng cho ba mẹ như ngủ với ba mẹ, đi chơi, đi ăn với ba mẹ và chị. Nên cố gắng tạo những dịp chỉ có mẹ con, cha con hoặc cả nhà 4 người đi riêng. Đó là cách để con dần quen với khái niệm con là thành viên của gia đình nhỏ.

Khi có chuyện liên quan tới con như học hành, vui chơi, sinh hoạt, cố gắng mềm mỏng nhưng cương quyết cho bà nội và con hiểu rằng bà có thể đề xuất, góp ý nhưng ba mẹ sẽ là người quyết định. Việc này có thể hơi khó khăn lúc đầu nhưng không phải không thể làm được, chỉ cần vợ chồng em kiên trì.

Đừng để cảm giác áy náy, lo sợ làm mất lòng má chồng khiến em chùn bước, bởi mong muốn được làm người mẹ đúng nghĩa, có trách nhiệm là chính đáng. Tin rằng dần dần bà cũng hiểu điều gì tốt cho cháu. Hãy kiên trì và hành động ngay từ bây giờ, em nhé!

Hạnh Dung

Chia sẻ tâm tư cùng chị Hạnh Dung của Báo Phụ nữ, mời bạn gửi câu hỏi trực tiếp trong khung “Chat với Hạnh Dung” dưới đây, hoặc gửi về email: hanhdung@baophunu.org.vn

Chat với Hạnh Dung
Ý KIẾN BẠN ĐỌC(5)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI