Tiến sĩ Giản Tư Trung: Cần tư duy lại cách giáo dục để phù hợp với thời đại

05/07/2025 - 16:50

PNO - Nhiều nhà giáo dục cho rằng, giới trẻ ngày càng bị ảnh hưởng bởi những thuật toán trên mạng xã hội, công nghệ phát triển việc giáo dục cần định hình lại.

Ngày 5/7, tại TPHCM, FAROS Education & Consulting đã tổ chức Diễn đàn Giáo dục Việt Nam - Vietnam Education Symposium 2025 (VES 2025) với chủ đề “Rethinking Education - Tư duy lại giáo dục tương lai”.

Chương trình là không gian đối thoại của các nhà giáo dục, chuyên gia vận hành trường học, giáo viên, phụ huynh… về những điều cần đổi mới trong giáo dục nhà trường và gia đình để phù hợp với tương lai đang ngày càng thay đổi.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - Chủ tịch Hội đồng Trường ICS, người khởi xướng và chủ trì VES 2025 - chia sẻ, 20 năm nữa giáo dục sẽ thay đổi rất lớn. Câu hỏi đặt ra cho chương trình giáo dục hôm nay là trẻ cần những kiến thức, kỹ năng gì để thích ứng được với cuộc sống lúc đó.

Với tốc độ phát triển của công nghệ hiện nay, bà nhận định, khoảng 20 năm nữa, ranh giới giữa thế giới thực và ảo sẽ hòa vào nhau. Trường học không còn là nơi đào tạo ra những học sinh làm bài thi giỏi mà phải thích ứng được với những thay đổi của xã hội.

“Những người làm giáo dục có chuẩn bị cho tương lai đó, hay đang kéo dài sự an toàn của bản thân ở hiện tại. Đã đến lúc chúng ta phải bắt đầu từ chính mình, đặt lại những câu hỏi về những niềm tin mà mình cho đã đúng”, bà Uyên Phương nói.

Nhà giáo dục, tiến sĩ Giản Tư Trung - Phó chủ tịch điều hành Quỹ Văn hóa Phan Châu Trinh - cho rằng, câu hỏi khó nhất hiện nay là giáo dục thế hệ trẻ thế nào cho đúng trong thời đại kỷ nguyên trí tuệ nhân tạo (AI), khi AI không chỉ càng ngày càng giống mà còn vượt xa con người.

Nhà giáo dục, tiến sĩ, Giản Tư Trung
Nhà giáo dục, tiến sĩ Giản Tư Trung chia sẻ những trăn trở khi giới trẻ ngày càng bị ảnh hưởng bởi mạng xã hội - Ảnh: Nguyễn Loan

“Phụ huynh, nhà trường, nhà giáo… ảnh hưởng con trẻ bao nhiêu so với mạng xã hội và các thuật toán. Khi trẻ dùng mạng xã hội, các thuật toán thông minh tới mức biết rõ người đó thích gì và ngay lập tức cũng cấp thông tin theo sở thích người dùng. Sau 1-2 năm nó định hình luôn cả tư duy, cách suy nghĩ của người dùng theo cách nó làm”, ông nói.

Để giáo dục giới trẻ, ông cho rằng nhà nước, nhà trường, gia đình, nhà giáo và chính bản thân mỗi người đều có trách nhiệm và phải tư duy lại cách giáo dục, sao cho phù hợp với thời đại. Đầu tiên, cha mẹ không chỉ phải làm gương mà phải lấy bản thân mình ra giáo dục, phải tiên phong với những đổi mới. Nhà trường, nhà giáo cần phải mạnh dạn thay đổi để theo kịp thời đại, còn nhà nước cần có những chính sách, định hướng phù hợp.

Kể về câu chuyện đứng ra mở trường cho con học, bà Kiran Bir Sethi (Ấn Độ) - Nhà sáng lập phong trào trẻ em lớn nhất thế giới Design for Change - chia sẻ, khi con bà đi học về thường nói “I can’t - con không thể” với rất nhiều vấn đề. Lo ngại, bà đã tìm hiểu những gì con được học và không khỏi trăn trở. Bà quyết định làm điều ngược lại là dạy con tự tin nói “I can - con có thể” với tất cả vấn đề. Bà đã sáng lập ra Trường Riverside vào năm 2001 tại Ấn Độ - ngôi trường được bình chọn là trường học sáng tạo nhất thế giới năm 2023.

Bà Kiran Bir Sethi (ngồi giữa) chia sẻ về những triết lý giáo dục với giáo viên Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Loan
Bà Kiran Bir Sethi (ngồi giữa) chia sẻ về những triết lý giáo dục kiến tạo với giáo viên Việt Nam - Ảnh: Nguyễn Loan

Bà cho biết, phương pháp giáo dục của bà chính là giúp học sinh tự tin vào bản thân, không chỉ giúp học sinh giỏi hơn mà phải dạy các em tạo ra những điều tốt đẹp cho xã hội.

“Mục tiêu của giáo dục là vừa dạy cái này vừa dạy cái kia chứ không phải lựa chọn được cái này mất cái kia - giáo dục là phải dung hợp những khía cạnh khác nhau. Như trường tôi, kiến thức và năng lực luôn song hành với nhau, thông qua các dự án giải quyết vấn đề để học và phát triển”, bà Kiran Bir Sethi nói.

Bà khuyên giáo viên, đừng tập trung vào 1 giáo án nào đó, mà phải tự tin vào bản thân.

Bà Nguyễn Thúy Uyên Phương - nhận định, chúng ta cần tư duy lại cách giáo dục, và trong tất cả giai đoạn, thì giáo dục tuổi đầu đời chính là chìa khóa vàng để hình thành tư duy, năng lực của một đứa trẻ. Bà nói: “Chúng ta đang dành thời gian quá nhiều cho việc đút ăn và ru ngủ ở lứa tuổi này. Giáo viên làm thay hầu hết công việc trẻ có thể làm được thay vì gieo mầm cho các em những kỹ năng đầu đời. Theo tôi, để thay đổi, chúng ta cần bắt đầu đồng bộ toàn diện, ngay từ bậc mầm non”.

Nguyễn Loan

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI