Nhan sắc phù hoa

27/12/2015 - 08:12

PNO - "Anh không tự tay đập vỡ gia đình mình, nhưng anh không còn yêu, sống mà lúc nào cũng thấy lòng nặng trĩu, có còn là sống không?”.

Sáu năm sau ngày cưới, anh buồn bã: “Có lẽ anh chị sẽ ly hôn!”. Tôi ngồi nghe, cúi đầu, nhìn đứa trẻ năm tuổi đang ngồi chơi bong bóng, không biết phải nói gì. “Anh không tự tay đập vỡ gia đình mình, nhưng anh không còn yêu, sống mà lúc nào cũng thấy lòng nặng trĩu, có còn là sống không?”.

Anh là kỹ sư, rất ít nói, lại càng ít chia sẻ chuyện riêng tư. Một khi đôi vai ấy rũ xuống, tôi biết nỗi buồn đã chạm tới đáy. Năm tháng chọn yêu và cưới chị, phải lựa chọn giữa người phụ nữ của đời mình và sự ngăn cản của mẹ, anh cũng đã từng đau. Nhưng nỗi đau ấy anh không nói cùng ai mà trút vào tâm tư trên trang cá nhân không kết bạn của mình, chỉ để được trải lòng.

Tôi biết điều ý nghĩa nhất mình có thể làm cho anh là lắng nghe. Trong mọi hoàn cảnh, tất cả quyết định vẫn là của người trong cuộc. Tôi không thể khuyên anh nên hay là không, khi phía nào cũng biết trước là đau khổ, chịu đựng, mất mát; nhất là với con gái anh, bé chưa kịp biết chuyện người lớn nhưng khuôn mặt lúc nào cũng u buồn vì không được nuôi dưỡng bằng suối nguồn hạnh phúc của ba mẹ.

Nhan sac phu hoa
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Anh không phải là người đào hoa, không biết cách tán tỉnh các cô gái trẻ. Ra trường 10 năm, cặm cụi làm việc tích góp anh mới tình cờ gặp chị trong một chuyến công tác về tỉnh. Khi ấy, chị còn là sinh viên trường trung cấp ở tỉnh nhà. Chị theo anh về thành phố, tổ chức đám cưới rồi được nhận vào làm việc ở công ty quen của anh.

Thu nhập của chị ít ỏi nhưng anh xem công việc chỉ là để chị vui, có môi trường bạn bè đồng nghiệp. Mọi chi phí trong nhà từ lớn đến nhỏ anh chăm lo hết, cả tiền mua sắm quần áo quà cáp cho gia đình bên chị những dịp lễ lạt. Ở Sài Gòn, chị chỉ có mình anh nên bao nhiêu tình thương và sự bảo bọc, anh đều dành hết cho chị.

Ngày anh đưa chị về nhà ra mắt, mẹ anh phản đối vì khắc tuổi lẫn “tướng số” mà người xưa hay nói là không “vượng phu ích tử”. Mẹ có lý do của mẹ, anh có lý do của anh, khó khăn lắm hai người mới đến được với nhau. Nhưng hạnh phúc đôi khi không phải đấu tranh mà có được. Hoặc là điều anh đã đấu tranh ấy không xứng đáng.

Chị trẻ hơn anh gần con giáp, xinh đẹp đài các nhưng lại không phải là người phụ nữ của gia đình. Lúc vợ chồng còn son rỗi, tôi sang thăm thấy nhà cửa bề bộn, bếp núc bày khắp nào dao nào bát đĩa chưa rửa, nào vỏ mì gói rồi bánh trái… Tủ lạnh lung tung hết cả và hiếm khi nào có được bữa cơm tươm tất.

Anh chị đi làm cả ngày, ăn trưa ở công ty. Về nhà đã tối mịt nên có khi ghé tiệm, hoặc mua đồ ăn sẵn về nhà, lắm lúc nấu mì. Tôi ngạc nhiên nhìn cuộc sống sau hôn nhân của anh cũng không khác gì lúc chưa lấy vợ, cũng cơm hàng cháo chợ, cũng nhà cửa bộn bề, mà hai người thì đồ đạc phải nhiều hơn, tứ tung hơn.

Người ta nói, nhìn vào nhà bếp và nhà tắm sẽ biết rõ tính tình của chủ nhân ngôi nhà. Tôi nhìn và giật mình. Nhan sắc của chị và nhan sắc của ngôi nhà sao trái ngược nhau quá. Chị đi làm thì ăn mặc rất đẹp, chải chuốt kỹ từng sợi tóc, hôm nay kiểu này ngày mai kiểu kia, nhưng gian bếp thì bày bừa, nhà tắm luộm thuộm.

Chắc chắn không người đàn ông nào cưới vợ về chỉ vì muốn vợ dọn dẹp nhà cửa cho mình, mà vì yêu thương. Nhưng bản năng của người phụ nữ muôn đời nay vẫn là chăm sóc gia đình, vun vén cho tổ ấm. Tôi ngỡ ngàng nhìn cách chị “vun vén” gia đình và từng năm tháng nhìn anh buồn bã, tôi đã từng nghĩ có khi nào chị đồng ý theo anh vì một giấc mơ khác? Được vào Sài Gòn, được thay đổi cuộc sống chứ không hoàn toàn vì tình yêu chị dành cho anh là thật.

Tôi chưa thấy người phụ nữ nào yêu thương chồng mà lại để người mình thương ăn uống vạ vật ngoài đường. Gian bếp lúc nào cũng nguội lạnh. Bếp không có lửa làm sao ấm mái gia đình?

Rồi chị sinh con. Anh vì con mà lao vào làm việc nhiều hơn, có lúc tối khuya hay cuối tuần cũng bù đầu với công việc. Tôi đã nghĩ đứa con ấy sẽ kéo tình yêu về gần nhau hơn, nhưng hình như không phải vậy. Con bé càng lớn càng quấn lấy ba, mỗi lần đưa con đi chơi, tôi thấy anh hát ru bé ngủ nhiều hơn mẹ. Tôi không biết vì sao nhưng có lúc thấy anh đưa con về thăm nhà nội một mình. Nhìn anh thay tã, giặt quần áo, đút cơm cho con mà thương.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI