Ngôi nhà thứ hai

04/11/2015 - 09:57

PNO - Thời hiện đại, trẻ con có vẻ lớn nhanh hơn thế hệ trước cả về thể xác lẫn tinh thần. Chúng có khuynh hướng “sa thải” người quản lý - bố mẹ.

Bọn trẻ coi ngôi nhà của cha mẹ là nơi ăn, ngủ , tắm giặt… còn vui chơi, giao tiếp và khám phá thế giới, chia sẻ nỗi niềm… có một ngôi nhà khác. Đó là ngôi nhà có không gian bao la, có vô số bạn bè, và hơn thế nữa, có đầy đủ các loại thông tin phong phú, đa dạng.

Anh Trương Anh Hùng, phó phòng kinh doanh của một công ty hóa chất, mới ngoài 40 tuổi, cũng thuộc dạng “người đàn ông thời đại”. Thế nhưng, với cô con gái thì anh thuộc hạng “Chẳng hiểu gì về thế giới trẻ”.

Công việc ở cơ quan lấy nhiều thời gian, nhưng anh vẫn ý thức quan tâm đến con cái. Mỗi lần muốn trò chuyện với con, anh lại thấy con nửa nằm, nửa ngồi trên ghế dựa, vừa xem ti vi, vừa chat trên mạng, vừa nhắn tin qua điện thoại… một cách nhịp nhàng, khẩn trương:

“Nó dường như không thấy tôi đang đứng trong phòng. Tôi lấy điện thoại, gửi cho nó tin nhắn. Sau hồi nhạc chuông, nó mở tin nhắn, rồi quay sang nhìn tôi như một quái vật: “Trời! Ba kỳ quặc thật”. Tôi tranh thủ nói với nó vài câu, không biết nó có nghe rõ không, khi tai vẫn đeo dây máy nghe nhạc. Tuy nhiên, nó gật gà, gật gù, ra hiệu cho ba… biến”.

Ngoi nha thu hai
Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Các bà mẹ không hẳn đã có lợi thế hơn các ông bố trong việc gần gũi con cái. Chị Quế Loan, một nhân viên kế toán thổ lộ: “Có lần tôi bước vào phòng con, đúng lúc nó đang say sưa chat với ai đó. Khi phát hiện tôi đang đứng sau lưng, nó nổi giận ghê gớm, và lên án mẹ là người “vô duyên”.

Thái độ của con gái làm tôi buồn và hụt hẫng. Tuổi mới lớn có biết bao nhiêu điều cần phải nói với mẹ, thì nó chỉ xem tôi là người cung cấp các dịch vụ: ăn uống, áo quần, học phí… Những nhu cầu cần thiết khác, con tôi đã có chỗ khác chia sẻ: facebook, blog, trang web, báo điện tử… Nó có thể chat với một bạn nào đó ở tận châu Âu, châu Mỹ... Cái máy tính là ngôi nhà thứ hai của nó, nó ở trong đó lâu hơn, và đầy lưu luyến khi phải tạm xa.

Có lần, đi du lịch với ba mẹ, nó miễn cưỡng đi cùng. Đến nơi, khách sạn cho biết sóng yếu, nên mạng chập chờn, vậy là nó tỏ ra bực bội, buồn phiền. Vợ chồng tôi phải đổi khách sạn, nó mới nguôi ngoai. Một ngày không gặp bạn bè trên mạng, không gọi điện, không chat, có lẽ con tôi không thể sống nổi”.

Chị Loan cho biết: “Dần dần con gái tôi có hẳn một gia đình trên mạng, nó là một thành viên tích cực tham gia các phong trào của gia đình đó. Nhiều khi đang ăn cơm, con bỏ bữa chạy vào sau một hồi chuông báo động từ điện thoại di động như một hiệu lệnh tập hợp các thành viên. Thì ra cả nhóm đang bàn về một thiên thần nào đó biểu diễn khỏa thân, một “hótgơ” nào đó đang có hoạt động xã hội, hoặc cho biết ý kiến về hiện tượng chuyển giới của một ngôi sao…”

Nỗi lo của chị Loan cứ lớn theo số tuổi của con. Chị chưa phát hiện ra các dấu hiệu cho thấy con gái chị hư hỏng, hay chểnh mảng chuyện học hành. Điều làm chị mệt mỏi là mối quan hệ cha mẹ - con cái trở nên không mấy thân thiết.

Năm nay, con chị 15 tuổi, có bạn trai chưa, còn trong trắng hay không… chị không thể biết, chỉ đoán non, đoán già qua những lần nghe lén cuộc trò chuyện giữa con và bạn bè. Ngôi nhà thứ hai hầu như chiếm hết thời gian và trách nhiệm của cô con gái.

Con gái của chị biết đủ thông tin xảy ra trên toàn cầu, tỏ ra thông thái khi giải thích mọi sự, thế nhưng trong ngôi nhà bằng gạch ngói, cô bé không hề biết lọ muối, bịch xà phòng, cái dao… ở đâu, gọt trái bưởi, quả thơm… cũng không biết.

Làm sao để “đột nhập” vào ngôi nhà thứ hai của con?

Không thể ép buộc con phải tránh xa ngôi nhà ấy, có nghĩa là không thể cắt mạng, hay dẹp luôn máy vi tính. Hãy tập trung vào việc mà bạn có thể kiểm soát được. Đó là việc tạo dựng và duy trì mối quan hệ với con.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI