Ngày tết, hướng con cháu về nguồn cội

22/01/2023 - 07:03

PNO - Ngày nay, một số gia đình vẫn dạy con cháu kế thừa và phát huy nếp nhà, giữ gìn truyền thống kính nhớ tổ tiên, đặc biệt là trong những ngày tết.

 

Lễ cưới của Thành Duy và Tú Hảo tổ chức ở nhà thờ họ tộc, với các nghi thức truyền thống
Lễ cưới của Thành Duy và Tú Hảo tổ chức ở nhà thờ họ tộc, với các nghi thức truyền thống

Anh Nguyễn Thành Long và chị Trương Thị Sáu (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp) có con trai duy nhất là Nguyễn Thành Duy.

Năm Duy 12 tuổi, anh Long và chị Sáu cho con đi du học Singapore. Mỗi năm đón Duy về Việt Nam ăn tết, anh chị đều đưa con về nhà thờ tổ để thắp nhang, viếng mộ ông bà và thăm hỏi họ hàng. Với anh Long và chị Sáu, việc dạy con giữ gìn nếp nhà và duy trì lễ nghĩa truyền thống là điều cần thiết. 

Cậu bé Thành Duy giờ đã trưởng thành. Duy về nước làm việc để được gần cha mẹ. Duy có mối tình 6 năm rất đẹp với bạn gái là Bùi Tú Hảo. Ngày 7/12 vừa qua, anh Long và chị Sáu đã tổ chức lễ cưới cho con ở nhà thờ họ tộc, với các nghi thức truyền thống.

Anh Long cho hay, tổ chức lễ cưới cho con ở nhà thờ họ tộc khiến anh thấy ấm áp và hài lòng. Quan trọng là, anh muốn qua đó giáo dục con luôn nhớ về nguồn cội.

Mấy ngày tết, anh chị lại đưa con trai và nàng dâu mới về nhà thờ tổ để họp mặt với họ hàng, cúng cơm ông bà và cùng nhau ăn bữa cơm đoàn viên. Nàng dâu Tú Hảo sau những bỡ ngỡ ban đầu đã học cách hòa nhập cùng đại gia đình, học cách chuẩn bị mâm cúng sao cho đúng lễ nghi, học cách thương yêu họ hàng nhà chồng như nhà mình.

Gia đình anh Nguyễn Thanh Nhân và chị Trần Thị Chất (TP Cao Lãnh, Đồng Tháp) cũng có thông lệ họp mặt vào mấy ngày tết. Anh Nhân có 4 anh chị em và 8 đứa cháu. Mẹ anh đã hơn 80 tuổi. Do bà bị tai biến đã 9 năm nên người con thứ hai đưa bà về Cần Thơ để tiện việc chữa trị. Tết năm nào anh Nhân cũng rước mẹ về quê để bà ăn tết cùng đại gia đình. Mẹ anh dù nhớ nhớ quên quên, nhưng ngày tết, thấy con cháu sum vầy, bà rất vui.

Sáng Mùng 1 tết, cả nhà anh Nhân mặc đồ đẹp rồi cùng thắp nhang dâng cúng tổ tiên, sau đó chúc tết mẹ và lì xì cho nhau. Những đứa cháu của anh Nhân dù đã đi làm nhưng vẫn được cả nhà lì xì. Anh Nhân cũng dạy con cháu lì xì cho bà nội và các cô, chú.

Đại gia đình anh Nguyễn Thanh Nhân và chị Trần Thị Chất sum vầy trong ngày tết
Đại gia đình anh Nguyễn Thanh Nhân và chị Trần Thị Chất sum vầy trong ngày tết

Anh Nhân chuẩn bị sẵn cho mẹ xấp phong bao đỏ. Các cháu chúc tết, bà lì xì cho từng đứa và nhận lại lì xì của con cháu. Cả ngày hôm đó, bà cụ nâng niu xấp phong bao, đếm tới đếm lui, vui như trẻ nít.

Theo anh Nhân, người già cũng như trẻ nhỏ, thích chúc tết, thích lì xì. Mẹ anh Nhân nhận lì xì nhưng chẳng khi nào dùng tới số tiền đó, tuy nhiên, anh Nhân duy trì việc lì xì hàng năm vì thấy mẹ vui.

Đại gia đình anh Nhân có thông lệ, những đứa cháu sau khi có việc làm thì tết đến phải lì xì cho bà nội và các cô, chú. Đó là cách anh Nhân dạy cho bọn trẻ lòng biết ơn và sống có trách nhiệm, cũng là để đánh dấu bước trưởng thành của con cháu. 

Ngày nay, dù xã hội đã tiến bộ hơn rất nhiều, nhưng ở một số gia đình, ông bà cha mẹ vẫn dạy con cháu kế thừa và phát huy nếp nhà, giữ gìn truyền thống kính nhớ tổ tiên, đặc biệt là trong những ngày tết.

Thùy Gương

 

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • anh minh 22-01-2023 11:29:22

    Tết, con trẻ háo hức, cụ già mong tết. Trong độ tuổi lao động ( 25 - 55) chúng tôi thấy áp lực trách nhiệm, không còn hứng thú với tết ( mặc du chúng tôi có đủ khả lăng đón tết, sắm tết), trách nhiệm với gia đình xong là đi trốn tết, hoặc 2 năm ăn tết một lần. Đó là thưc tế, áp lực chúng tôi trải qua.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI