“Méo xệch” vì quà biếu

26/01/2016 - 07:45

PNO - Biếu quà cho bố mẹ chồng, bố mẹ vợ vào ngày tết từ lâu đã là một tục lệ tốt đẹp. Nhưng, nay việc biếu quà đó đã có nhiều biến tướng...

“Meo xech” vi qua bieu
Ảnh minh họa - Shutterstock

Tết Nguyên đán là ngày lễ đặc biệt, là dịp để con cháu thể hiện tình cảm, sự biết ơn đối với ông bà, cha mẹ. Biếu quà cho bố mẹ chồng, bố mẹ vợ vào ngày tết từ lâu đã là một tục lệ tốt đẹp. Song ngày nay, cũng như nhiều tục lệ tốt đẹp khác, việc biếu quà tết cho bố mẹ chồng, bố mẹ vợ đã có nhiều biến tướng, trở thành một gánh nặng cho nhiều gia đình trẻ.

Biếu sao cho khỏi "mất mặt"...

Ngày nay, cùng với sự phát triển của xã hội, những mó n quà đã được đẩy lên “một tầm cao mới”. Có những anh rể quý vẫn biếu bố mẹ vợ con gà tết để cúng giao thừa, nhưng không phải loại gà sống thiến thông thường mà phải là gà “đặc sản” như gà Đông Tảo hay gà chí n cựa…; vẫn là vò rượu ngon, nhưng phải là rượu ngâm nhung hươu, linh chi, đông trùng hạ thảo hay các loại rượu ngoại đắt tiền…; vẫn là cân chè nhưng phải là loại chè Ô Long, chè Tà Xùa, chè San Tuyết… Toàn những đặc sản khó kiếm và đắt đỏ.

Việc biếu quà tết không đơn thuần là một tục lệ đẹp mà còn là để người ta thể hiện sự giàu sang phú quý và để… ganh đua với nhau. Anh Tiến Thành, một viên chức ở Hà Nội, kể rằng năm ngoái, anh biếu bố vợ vò rượu nếp cái hoa vàng trứ danh anh kỳ công đặt mua tận Yên Bái, do một nhà nấu rượu gia truyền nổi tiếng trong vùng làm ra.

Anh vừa hớn hở mang đến nhà bố vợ hôm trước thì hôm sau ông anh đồng hao mang tới biếu bố vợ chai rượu ngâm nhân sâm Hàn Quốc xách tay từ chuyến công tác về. Thế là chai rượu ngoại chiếm một chỗ trang trọng trên bàn thờ gia tiên, còn vò rượu nếp cái hoa vàng của anh Thành thì lủi thủi nằm góc bếp.

Khách khứa đến chơi nhà, ai cũng tấm tắc khen chai rượu ngâm nhân sâm của gia chủ, bố vợ anh Thành được dịp tự hào khoe của con rể biếu. Chuyện này khiến vợ chồng anh Thành vừa tủi thân vừa bực bội. Anh cảm thấy như mình bị “mất mặt” vì món quà kém sang.

Tâm lý “chạy đua” không chỉ xuất hiện ở người tặng quà, mà còn cả ở những bậc cha mẹ - người được nhận. Từ việc biếu quà để thể hiện tấm lòng, nay quà biếu còn là một thứ thước danh giá.

Gia đình nào được con cái biếu nhiều quà có giá trị, càng “mát mặt” với làng xóm, họ hàng. Ngược lại, có không ít trường hợp, các bậc phụ lão cảm thấy hậm hực vì con mình biếu quà không được sang trọng, giá trị như “nhà người ta”.

Và nỗi lo "méo mặt"

Chị Trà My, nhân viên bán hàng tại siêu thị FiviMart tâm sự, vợ chồng chị cưới nhau được một năm, chồng là nhân viên bảo vệ ngân hàng, tiền lương của hai vợ chồng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện và trả tiền thuê nhà tại Hà Nội.

Tết này cả hai vợ chồng được thưởng tổng cộng không quá năm triệu đồng. Chị muốn biếu bố mẹ chồng một triệu đồng để sắm tết, nhưng lại sợ đưa tiền mặt thì… kém sang mà với một triệu đồng ít ỏi, chị không biết nên mua quà gì để vừa lòng bố mẹ chồng, đặc biệt trong năm đầu tiên chị làm dâu. “Cuối năm giá cả tăng cao, với số tiền ấy, tôi khó có thể mua được món đồ tốt và bền cho bố mẹ chồng, nhưng tôi không thể chi hơn bởi còn bao nhiêu khoản phải chi tiêu khác” - chị Trà My lo lắng.

Các ông chồng cũng loay hoay trong tình cảnh biếu bố mẹ vợ ít thì sợ “mất mặt”, biếu nhiều thì “méo mặt”. Nhiều anh than thở rằng họ đã khá ngán ngẩm cái tết vì có quá nhiều lễ nghi dềnh dàng tốn kém, chỉ riêng khoản quà biếu thôi cũng toát mồ hôi hột.

Nỗi niềm của cả người biếu lẫn người nhận cho thấy dường như những giá trị tinh thần, ý nghĩa cốt lõi của việc biếu quà đã không còn được quan tâm. Món quà tết để thể hiện lòng biết ơn, sự yêu kính nay trở thành vật phẩm tượng trưng cho “thể diện”, cho “sĩ diện”, việc biếu quà cũng mất dần đi ý nghĩa thiêng liêng, trang trọng.

Diệp Trà

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI