Mẹ có biết trong cặp con có bao cao su?

03/03/2020 - 05:46

PNO - Trong cặp con, sách vở có thể thiếu, nhưng son phấn, nước hoa... thì không, thậm chí còn có cả bao cao su đủ loại. Cha mẹ biết không?

Sẽ chẳng có những đám cưới tảo hôn,  những cô dâu chú rể vắt mũi còn chưa sạch bước lên xe hoa nếu phụ huynh biết sớm hơn một điều: trong cặp sách đến trường của con, ngoài sách vở ra còn có những thứ mà người lớn chẳng thể nào nghĩ tới.

    Lời ru buồn cho những lá diêu bông (Ảnh minh họa)
Lời ru buồn cho những lá diêu bông. Ảnh minh họa

Mới đây, tôi được chị hàng xóm mời đi dự đám cưới con gái. Biết rằng thân thiết nhưng cũng chỉ gửi quà với lý do bận việc chứ không dám đi. Lý do là con của họ chưa đầy 16 tuổi nhưng đã có bầu. “Không làm đám cưới thì thương con, làm thì tủi và xấu hổ lắm em ạ”, lời tâm sự của mẹ cô dâu khiến tôi chạnh lòng.

16 tuổi - độ tuổi các em mới bước chân vào cấp III, thay vì hồn nhiên trong tà áo trắng, đùa vui với bạn bè thì bây giờ các em lại chuẩn bị bước sang một hành trang mới của đàn bà: làm mẹ. Lục tìm thẻ bảo hiểm để đưa con đi khám, người mẹ ngỡ ngàng vì thẻ chẳng thấy đâu lại thấy bao cao su đủ các loại trong cặp sách của con. Tức giận nhưng đã quá muộn, vì có dùng bao cao su nhưng con chị cũng đã dính bầu.

Hỏi ra mới biết, con đã từng trốn học vào nhà nghỉ từ năm 14 tuổi. Suốt 2 năm tiếp theo, lúc vào nhà nghỉ, lúc về nhà bạn trai, có khi ở công viên, thậm chí đưa bạn trai về chính nhà mình lúc bố mẹ đi vắng.

Trường hợp của cô bé hàng xóm tôi nằm trong vô vàn chuyện lá diêu bông ở tuổi học đường. Là giáo viên, chúng tôi đã từng “đau con mắt bên phải, đỏ con mắt bên trái” khi thấy các em học sinh bày tỏ tình cảm với nửa kia của mình trong lớp học. Đụng chạm nhau về tay chân, đó là chuyện “xưa như diễm”, sự táo bạo còn bộc lộ ở những cái ôm eo, ngả đầu vào nhau, vô tư nặn mụn cho bạn trai, kê gối cho bạn gái ngủ…

Dẫu có góp ý, nhắc nhở, cảnh cáo rồi đâu cũng vào đấy “chúng em bày tỏ tình cảm ngoài giờ học, có đụng chạm gì tới đánh giá giờ học đâu mà thầy cô nhắc”. May thay số học sinh ấy không nhiều, thầy cô còn kịp thời phát hiện để răn đe.

 Sẽ không khỏi giật mình khi thấy học sinh nữ đội tóc giả, trang điểm đậm, thay trang phục khi trống trường kết thúc. Thì ra, bên trong chiếc ba lô to kềnh kia là bao nhiêu thứ phụ kiện làm đẹp, trang phục… Thầy cô chỉ có mỗi chiếc cặp bỏ giáo án trong khi học trò nữ có tới những hai: một ba lô nhỏ xinh đựng son phấn, bông tẩy trang, nước hoa…, trong ngăn ba lô còn lại là vài ba quyển vở đối phó. Sách vở thì có thể thiếu nhưng son thì không, màu son của trò còn đậm hơn màu son cô bôi, cấm bôi trong giờ học thì ra chơi hay ra về “ai cấm được”.

Trong phạm vi giới hạn của nhà trường, thầy cô chỉ có quyền nhắc nhở, bày vẽ khi các em có những biểu hiện về tâm sinh lý thay đổi. Còn quản lý, kiểm soát con cái vẫn thuộc về gia đình. Nhưng sự buông lỏng, thiếu theo sát hay thờ ơ đã dẫn đến những kết cục buồn. Con nhà hàng xóm tôi, nhà trai còn chấp nhận cưới, xem ra “rủi nhưng vẫn còn may”, vì không hiếm trường hợp con gái có thai mà không được thừa nhận, học hành thì dở dang mà tương lai thì chẳng thấy có con đường.

Nhiều phụ huynh nghe con nói đi học thì chỉ biết con đi học nhưng đến trường hay không hay con học được gì thì bất biết. Có người còn tự hào con gái, con trai mình có người yêu sớm. Có trường hợp thầy cô giật mình khi lớp 10 nhìn em thơ ngây, xinh đẹp, đến năm 11, 12 chẳng khác nào phụ nữ mấy con: ngực bắt đầu xệ đi, mông nhão ra, sức học ra sút, đến lớp thì ngáp ngắn ngáp dài. Hỏi ra thì biết đã có người yêu lớn hơn 10 tuổi, cha mẹ hai bên không hề ngăn cản

Trốn học để hẹn hò (Ảnh minh họa)

Trốn học để hẹn hò không còn là chuyện lạ của học sinh phổ thông (Ảnh minh họa)

Yêu theo cảm tính, yêu theo trào lưu là hiện tượng phổ biến ở lứa tuổi học trò. Tình cảm nhanh đến rồi cũng sẽ nhanh đi, nhưng hậu quả của nó thì có thể để lại vĩnh viễn. Có cô bé uống thuốc tránh thai nhiều quá mà trở nên vô sinh, có cậu học sinh thích làm chuyện người lớn mà trở nên biến thái, chưa ra trường đã làm cha làm mẹ, ít năm gặp lại nghe kể chúng đã bỏ nhau…

Cha mẹ nào rồi cũng vì con. Vì con mà làm lụng vất vả, vì con mà xa xứ đi làm ăn xa. Nhưng thương mà không quan tâm, thương mà không dám sát, thương mà không định hướng để con cái lạc đường liệu có phải là thương? Không phải ai cũng có thể dạy con, không phải ai cũng có thời gian ngồi cùng con mỗi tối học bài, nhưng cầm điện thoại online thì nhiều phụ huynh chúng ta vẫn tranh thủ được. Bỏ công việc qua một bên, buông smartphone một lúc để nghe con thủ thỉ, lật quyển vở con để biết ngày nay con học môn gì và thời khóa biểu ngày mai con có soạn đủ hay không là việc cha mẹ nên làm trước khi quá muộn.

                                                                                Minh Đức

                                                                     (Giáo viên THPT Tỉnh Thừa Thiên Huế)

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Shu 03-03-2020 11:56:55

    Bài viết rất hay và tâm huyết, mong rằng mọi người bớt ích kỉ một chút. Nói kiếm tiền là vì con nhưng thực ra là vì mình, vì sĩ diện bản thân mà thôi. Tiền nhiều mà con cái hỏng mất thì cũng không giữ được. Bỏ qua mấy năm trưởng thành của con, cái giá là chịu khổ với nó vài chục năm còn lại. Vậy đáng không?

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI