Mẹ chồng tôi

16/01/2017 - 09:05

PNO - Tôi mang ơn mẹ, đâu chỉ những bước chân rong ruổi mỗi ngày lo việc Hội, việc chung mà cả cái thức giấc, ngóng đợi, một mình, lặng lẽ ấy…

Tôi về làm dâu của mẹ dù đã ở tuổi ngoài đôi mươi, nhưng vẫn hồn nhiên, vô tư “ăn chưa no, lo chưa tới”. Chồng tôi là con trai duy nhất trong sáu chị em. 

Cũng vì lẽ này mà ngày gả tôi, nắm níu tiễn con gái về nhà chồng, mẹ ruột tôi cứ lo lắng. Nhưng mọi nỗi lo của mẹ, sự hồi hộp của cô dâu trẻ là tôi tan biến khi ở cạnh một người như mẹ chồng tôi. Mẹ sớm lập gia đình, rồi lần lượt sinh con, nuôi con khôn lớn, thành đạt. Chồng qua đời, vai mẹ nặng trĩu nỗi lo khi vừa làm cha, vừa làm mẹ.

Ngày tôi về làm dâu, hoàn cảnh gia đình không dư dả nhưng một tay mẹ vén khéo trong ngoài, lo đủ đầy cho cả nhà mười mấy miệng ăn. Không phân biệt con ruột con dâu, con rể, cháu nội cháu ngoại, mẹ dang rộng đôi tay để bảo bọc từ miếng ăn, giấc ngủ cho cả đại gia đình. Dưới mái nhà mẹ, chúng tôi hòa thuận, ấm no vật chất lẫn tinh thần.

Ngày chúng tôi về với nhau, cả hai vợ chồng còn trong cảnh vừa đi làm vừa xách cặp đi học. Ham học, ham việc hay cái tính vô lo khiến vợ chồng tôi không mảy may ý định sinh con liền. Tôi quên mình là con dâu duy nhất của mẹ, của cả đại gia đình. Mẹ đã có năm cháu ngoại nhưng vẫn trông có cháu nội.

Thương con dâu còn bận học hành, mẹ không một tiếng hối thúc. 5 năm đầu trôi qua, cuốn theo thời gian hoàn tất chương trình đại học của tôi. Mẹ bình thản, chăm sóc, động viên tôi học hành để làm việc cho tốt.

Ngày tôi tốt nghiệp, mẹ vẫn âm thầm như thế, thưởng cho tôi món quà, là cây bút. Người sinh ra chồng tôi, người nuôi dạy nhà tôi thành người, nay lại cho tôi bao điều tốt đẹp, quý báu. Mẹ nói nhỏ, mẹ muốn con tiếp tục học nữa…

Tôi mang ơn mẹ, đâu chỉ chuyện áo cơm hàng ngày mà mỗi con chữ tôi học được còn là cái nghĩa mẹ đã dạy, đã trao…

Bấy giờ, tôi đang là cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ quận, vì lo cho phong trào nên tôi thường đi cơ sở. Mỗi ngày, sớm đi, tối mới về. Nhưng chưa một lần mẹ hỏi tôi đi đâu, làm gì. Mẹ chỉ thường dặn: “làm việc gì cũng phải làm cho mọi người thương mình, giúp mình thì công việc mới tốt”.

Việc buôn bán của mẹ hàng ngày rất vất vả, từ ba, bốn giờ sáng mẹ đã lui cui dậy, lo hàng hóa, bán tới khuya, cũng chỉ một mình lo kiểm đếm, cất xếp hàng. Mẹ không hề thở than hay phiền muộn con dâu. Và tôi cứ bươn theo phong trào, theo việc Hội, chưa một ngày đỡ đần mẹ. Có hôm, từ cơ sở về tới nhà thì trời đã tối mịt, mẹ vẫn ngồi chờ tôi với mâm cơm để dành. Ngang qua bậc cửa, tôi suýt nữa bị vấp bởi mắt cứ nhòe đi.

Tôi mang ơn mẹ, đâu chỉ những bước chân rong ruổi mỗi ngày lo việc Hội, việc chung mà cả cái thức giấc, ngóng đợi, một mình, lặng lẽ ấy…

Hai vợ chồng tôi tính chuyện sinh con. Mẹ đã bước qua tuổi bảy mươi. Đứa cháu nội đầu tiên, mẹ vui mừng khôn xiết. Chăm cháu, chăm con, một tay mẹ bảo bọc chu đáo. Tuổi cao, mẹ vẫn không chịu nghỉ ngơi. Vẫn quán xá buôn bán vất vả mỗi ngày. Hàng xóm hỏi, sao không nói con dâu ở nhà phụ việc cho bớt cực. Mẹ cười hiền, nói việc làm của con là do con nó chọn, có vậy nó mới làm tốt được.

Có những chuyến công tác xa, con thì còn nhỏ, tôi không nỡ, nhưng mẹ động viên, đã có mẹ, các chị em lo cho cháu, con yên tâm. Mẹ luôn là vậy, như tàng cây tỏa bóng mát cho cháu con, mặc bản thân chịu dãi dầu sương gió.

Đến một ngày, vợ chồng tôi xin phép mẹ ra riêng sau 12 năm sống cùng mẹ. Mẹ gật đầu mà không một lời ngăn cản. Ngày vợ chồng tôi chuyển đồ đạc về căn nhà nhỏ, mẹ làm mâm cơm, thắp nén nhang cho cha. Mẹ khóc!

Ngồi viết lại những dòng về mẹ là tôi nắn nót những tháng ngày hạnh phúc mình đã sống trọn vẹn trong tình thương bao la, đức hy sinh sâu nặng của mẹ, người không chỉ sinh ra chồng tôi mà còn nuôi dưỡng cả cuộc đời, nhân cách cho chúng tôi. Giờ đây, mẹ chồng tôi đã về cõi vĩnh hằng, từ đáy lòng mình, tôi luôn khắc ghi công ơn cao dày của mẹ, bởi những sâu nặng ân tình mẹ đã cho tôi.

Võ Thị Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI