Lấy phải… ông thầy

15/12/2022 - 06:31

PNO - Cô càng khóc rấm rứt: “Em lấy chồng chứ không phải lấy một ông thầy khắc nghiệt! Em luôn chấp nhận tính quạu của anh, nhưng quạu là khác, “dạy dỗ, giáo huấn” vợ là khác!”.

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

Vừa rời quán phở được một đoạn, cô không thấy điện thoại đâu. Anh vội mở định vị, thấy chiếc điện thoại đang nằm ở quán phở. 

Trong lúc anh quay xe, cô như không thở nổi với thái độ của chồng. Đến nơi, cô chạy vội vào quán và trở ra với chiếc điện thoại trên tay. Cô thở phào. Mùa chạy nước rút cuối năm, làm mất dữ liệu thì chẳng khác nào tự trói tay chân mình.
Lên xe với chiếc điện thoại, cô phát hiện anh vẫn rất… quạu. Anh làm mọi động tác mạnh hơn, ồn ào hơn. 

Cô hỏi: “Sao anh căng quá vậy?”. Anh dấm dẳng: “Có cái điện thoại cũng quên!”.
Đến đây, cõi lòng đầy xáo trộn của cô như vừa được châm ngòi lửa, cô nói lớn: “Anh cau mặt để dạy dỗ em chuyện cái điện thoại sao?”.

Anh không trả lời. Cô ấm ức: “Không lẽ anh làm vậy để trừng phạt em? Em đâu cố tình quên điện thoại, em cũng khổ sở mà!”.

Anh không nói gì. Còn cô khóc rấm rứt. Nước đi này anh chẳng ngờ tới. Tính tình đểnh đoảng thì bị nhăn nhó là đúng rồi, có gì mà vợ phải bất bình đến thế.

Suốt buổi sáng hôm đó, tâm trí anh lẩn quẩn gương mặt của vợ. Gương mặt đầm đìa nước mắt rồi cái kiểu lau mặt thiệt nhanh của vợ trước khi bước xuống xe cứ làm anh thấy áy náy. 

Thực chất, anh là người hay quạu. Họ mới cưới được 2 năm, vẫn còn nhiều điều để khám phá về nhau trong lối sống và sinh hoạt. Lỡ cần tìm cái điều khiển ti vi mà không thấy ở chỗ cũ, anh quạu. Đang ngủ bị tỉnh giấc vì vợ mở video quá to, anh quạu. Rồi mỗi lần bị vợ bắt ăn uống “heo thì”, bắt uống sinh tố, anh càng quạu.

Thế nhưng, tất cả những lần quạu đó, vợ đều vui vẻ dỗ ngọt để anh “qua cơn”. So ra, những lần đó vợ đâu có sai trái gì, sao cô không bất bình vì anh cau có. Còn lần này, bị cau có vì lỗi sai mười mươi thì cô lại làm dữ?

Những thắc mắc chập chờn đó kết thúc bằng tin nhắn của vợ: “Anh có sẵn lòng đi tiếp với em, với những rủi ro có thể gặp phải vì tính cách của em không? Em sẽ cố gắng hoàn thiện, nhưng đó là việc của em. Việc của anh là xác định xem anh có muốn đi tiếp với một người như em bây giờ không?”.

Nghe chừng, cả buổi sáng nay vợ chỉ tập trung tư duy về sự cố ban sáng để xuất bản cái tin nhắn này. Anh nói: “Sao em nghiêm trọng quá vậy?”. “Chuyện sáng nay là một tín hiệu cho em thấy chuyện của mình rất nghiêm trọng” - cô trả lời.

Anh vội dỗ dành vợ, khẳng định anh không sợ rủi ro gì cả. Anh cảm thấy mớ cảm xúc của cô rất phức tạp, và anh không đủ dũng cảm để khui nó ra. Chi bằng, cứ phủi lấp cho qua vì anh thấy chuyện sáng nay chẳng có gì to tát.

Nhưng vợ không dừng lại. Cô nhắn: “Rủi ro rất rõ: em có thể quên này quên kia, em có thể làm mất đồ vì tính đãng trí. Nếu anh thấy chuyện đó là không thể chấp nhận, thì nên chia tay sớm”.

“Em hơi nhạy cảm rồi! Tính anh vẫn hay nhăn nhó vậy mà”, anh thấy không ổn nếu cứ nhắn nhe qua lại như vậy. Anh bèn mời vợ ăn trưa.

Trưa, mắt vợ sưng húp. Anh thấy áy náy thực sự, dù vẫn chưa hiểu mình đã “sai nghiêm trọng” ở đâu. Cuối cùng, cô nói: “Trước đây anh quạu một ngàn lần em cũng không sao hết, vì đó là phút bực bội của anh, tính anh nóng thì anh phải quạu. Nhưng sáng nay là khác. Khi quên điện thoại là em đã sai, và em đang khổ sở với cái sai của mình. Thái độ lạnh lùng của anh không phải là “cau có” tức thời, mà đó là trừng phạt”. 

“Thì… lúc đó anh thấy nếu em quên hoài thì không ổn” - anh thật thà.

Rồi anh “dạy dỗ” em bằng bạo lực, ngay lúc em cũng khốn khổ vì khuyết điểm của mình? Nếu đủ yêu thương, anh sẽ thấy em lúc đó là một người đang khốn khổ. Nhưng anh chỉ thấy một kẻ hay quên, nên dùng vẻ lạnh lùng kia để trừng phạt.

Đến đây anh mới hiểu cớ sự khiến vợ bùng nổ, và lờ mờ hiểu sự khác nhau của những lần “quạu vặt” và chuyện ban sáng. Vợ anh vốn là người thẳng thắn, cô luôn biết mình mạnh yếu ở đâu, và không ngại nhận sai. Vậy nên từ đầu, phản ứng mạnh mẽ của cô đã khiến anh chột dạ. Rõ ràng, nếu chỉ đơn giản là muốn vợ tốt hơn, anh có thể khuyên nhủ vào lúc khác. Còn lạnh lùng, dằn hắt vào ngay tình huống ban sáng, thì đúng là bạo lực.

“Anh xin lỗi!” - anh nói, đây là lời xin lỗi “vào vấn đề” nhất từ sáng đến giờ, anh biết mình đã sai.

Cô càng khóc rấm rứt: “Em lấy chồng chứ không phải lấy một ông thầy khắc nghiệt! Em luôn chấp nhận tính quạu của anh, nhưng quạu là khác, “dạy dỗ, giáo huấn” vợ là khác!”.

Anh muốn nói “anh hiểu rồi”, nhưng anh chỉ im lặng để vợ xả ra những ấm ức. Thật may khi vợ anh là người nhạy cảm và quyết liệt, nếu không, không biết anh sẽ còn “tàn nhẫn mà tưởng mình hay” đến bao giờ… 

Lộc Châu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI