Làm mẹ con từ kiếp nào

11/09/2016 - 07:59

PNO - Từ ngày có thêm Nữ, cuộc sống của ba mẹ con chị tuy vất vả hơn nhưng tiếng cười đầy tròn. Nữ lớn lên, xinh xắn, yêu thương và quấn mẹ, quấn anh.

Nằm trên giường bệnh, cô gái nhỏ huơ huơ đôi bàn tay teo gầy, nũng nịu: “Mẹ ơi! Tay con lại run run nữa này”. Buông hộp cơm đang ăn dở, người mẹ mỉm cười. Chị khẽ khàng nắm tay con bóp nhẹ, dịu dàng: “Vì tay con không nằm trong tay mẹ đó thôi”… Nhìn họ, khó ai ngờ rằng, với đứa trẻ ấy, người mẹ kia chẳng mang nặng đẻ đau, cũng không thâm tình ruột thịt.

Ký ức buồn từ cuộc hôn nhân thất bại đã thôi không còn khiến chị Huỳnh Thị Ngọc Điệp cảm thấy nhói lòng. Có chăng, gợi chuyện cũ, chị bảo, là nhắc đến cơn cớ cho chị có cuộc gặp gỡ định mệnh với cô gái bé bỏng kia.

Hạnh phúc vỡ

Từng có tổ ấm yên vui, nhưng mọi thứ sớm ngả nghiêng khi chị Điệp đồng ý để chồng rời Cần Thơ lên TP.HCM tìm việc. Lời hứa “đi để thoát nghèo, để có tiền gửi về cho vợ con” của anh chưa kịp thực hiện thì một sáng - sau nửa năm anh đi - vừa quảy gánh xôi đến chợ, chị Điệp được người quen níu áo, mách: “Cô ăn ở làm sao mà để chồng đi theo người khác? Họ sắp có con với nhau kia kìa”. Chị mỉm cười nghi ngại, song sự quả quyết của người quen cũng dần khiến chị tin. Hoàn hồn sau phút giây chết lặng, chị quệt nước mắt quảy gánh xôi trở về, lật đật bắt chuyến xe lên thành phố.

Trên tay duy nhất một mảnh giấy ghi thông tin nhà hàng nơi anh làm việc, chị tìm đến. Người phụ nữ quê mùa ngại ngùng đứng nép mình sau gốc cây, tự hỏi nên lập tức giáp mặt anh hay dằn lòng chờ đợi. Cơn phân vân kéo dài hơn ba tiếng; vừa thấy anh tan ca rảo bộ, chị chạy đến, rồi bất giác khựng lại, lếch thếch theo sau anh rẽ về một xóm trọ. Quãng đường mấy trăm mét, chị… cầu trời anh bước vào một phòng trọ có dăm ba thanh niên ở chung, như lâu nay anh vẫn kể.

Nhưng không! Mở cửa đón anh là người phụ nữ bụng mang dạ chửa. Bắt gặp anh đưa tay lên xoa bụng “người ta”, chị điếng người, bưng mặt ngồi thụp. Mãi sau, mệt rã, chị mới bình tâm đi tìm một góc khuất bên vỉa hè nhà người ngồi nghỉ. Nước mắt chảy suốt đêm không rửa trôi cơn đau thắt, nhưng giúp chị tỉnh táo, biết suy nghĩ thiệt hơn. “Bấy giờ, tôi hiểu rằng giành giật anh về với gia đình thì hạnh phúc cũng chẳng còn nguyên vẹn, huống hồ lại đẩy người phụ nữ với đứa trẻ chưa chào đời kia vào hoàn cảnh trớ trêu, khổ đau không thua kém gì mình” - chị trải lòng.

Sáng đó, chờ anh đi khuất, chị mạnh dạn gõ cửa phòng xin gặp người phụ nữ, nghèn nghẹn hỏi thăm: “Cô là vợ của ảnh phải không? Nhưng cô có biết ảnh đang có vợ có con ở quê không?”. Người  phụ nữ há hốc, run giọng: “Ảnh nói vợ chồng không hợp tính, đã ly hôn từ lâu”. Khoảnh khắc im lặng trôi qua nhanh, chị kéo áo lau mắt, cố ngăn cơn vỡ òa: “Thôi, ảnh đã nói vậy thì cô cứ an lòng sống với ảnh”.

Về lại quê, chị đau đớn nằm dài suốt một ngày. Anh hay chuyện cũng về theo hôm ấy, nhưng, mọi nỗ lực... đổ thừa do hoàn cảnh cô đơn, do “người ta” quyến rũ chỉ càng củng cố thêm quyết tâm muốn ly hôn của chị. Ngày tháng ấy, lựa chọn là thế, cứng cỏi là vậy song hoài niệm mười năm hôn nhân tựa hồ như tảng đá đè nặng tâm can chị.

 Khổ tâm, suy sụp, ban ngày, chị đày mình với gánh xôi nặng hơn; đêm chờ cho con trai ngủ sâu, chị trở dậy, tiếp tục tìm quên trong mớ nếp mớ đậu cho buổi chợ sáng mai…

Chị bồi hồi: “Chính trong những ngày tủi buồn khổ sở, tôi may mắn có niềm vui bất ngờ”.

Duyên mẹ con

Mười một năm trước, phiên chợ đầu xuân bỗng xôn xao câu chuyện ở bệnh viện có cô gái chối bỏ đứa con mới sinh. Đem lòng thương đứa trẻ, chị Điệp canh gánh xôi vừa đủ vốn, vội vã mang về rồi quày quả đến bệnh viện xác minh. Nhưng đứa trẻ đã được một phụ nữ nhận nuôi. Thêm hai ngày quẩn quanh trong ý nghĩ về đứa trẻ, mà càng nghĩ, trằn trọc sự thấu cảm nào đó đối với người-bị-bỏ-rơi càng thôi thúc chị muốn đi tìm bằng được cô bé ấy.

Lam me con tu kiep nao
Mẹ con chị Huỳnh Thị Ngọc Điệp - Huỳnh Thị Ngọc Nữ

Chuyện như cơ duyên định sẵn, chồng người phụ nữ kia lạc lòng trước đứa trẻ không mang cốt nhục mình, đã đề nghị trao đứa trẻ cho chị Điệp. Ôm cô nhóc hai mươi ngày tuổi trên tay, chị mừng rơi nước mắt, nghĩ đến cái tên khi tiến hành trình báo, thực hiện các thủ tục cho nhận con nuôi với chính quyền: Huỳnh Thị Ngọc Nữ.

Từ ngày có thêm Nữ, cuộc sống của ba mẹ con chị tuy vất vả hơn nhưng tiếng cười đầy tròn. Nữ lớn lên, xinh xắn, yêu thương và quấn mẹ, quấn anh. Quanh gánh xôi của người mẹ nghèo, bình yên ấy hẳn cứ thế tiếp diễn trong tính toán cậu con trai sau ngày nhập ngũ sẽ tìm một trường nghề còn Nữ nuôi giấc mộng giáo viên, nếu không có một tối đau lòng cách đây tám tháng, cô gái nhỏ ôm đầu khóc vật sau ba cơn nôn thốc ra mật xanh.

Đưa con vào Bệnh viện Cần Thơ, chẩn đoán trong đầu Nữ có khối u ác tính khiến người mẹ ôm ngực ngăn cơn nghẹn thở. Trong tay không có tiền, chị cấp tốc vay mượn đưa Nữ lên Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM. Ca mổ thành công, song để tiếp tục thực hiện theo phác đồ điều trị, Nữ được chuyển sang Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM.

Số tiền vơi dần, sau mỗi đợt trị liệu, Nữ được bác sĩ cho xuất viện tầm 10 ngày mỗi tháng, nghĩ chuyện mưu sinh, chị Điệp ra ngoài thuê một phòng trọ nhỏ. Nhờ con trai mang lên nào xoong nồi, bếp than đến nguyên liệu mua từ quê cho rẻ, giữa những đợt con gái “vô thuốc”, người mẹ tranh thủ sớm hôm tảo tần với nồi xôi gói bún xào. Mua thêm chiếc xe đẩy, chị rong ruổi các con đường mong bán được nhiều hơn. Trong cuộc mưu sinh tạm bợ đắp đổi đầy nhọc nhằn ấy, mỗi ngày, tiền lời kiếm được, ngoài tiền trọ, còn lại chị dành hết vào chữa bệnh và mua cho con những món ngon yêu thích. Phần mình, chị qua ngày với nhữ ng bữa ăn từ thiện.

***

Tôi gặp Nữ trong một lớp học - nơi mà người ta gọi “lớp học cuối cùng” dành cho bệnh nhi ở Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM. Trao lại cuốn tập cho cô giáo, cô gái nhỏ gầy nhom nhìn tôi rồi sờ tay lên đầu, bẽn lẽn: “Cô! Cô thấy mặt con có… khờ khờ không?”. Không đợi tôi trả lời, Nữ hồn nhiên huyên thuyên: “Chớ con nghĩ mình học ngu hơn hồi chưa bệnh, con chẳng nhớ gì hết sau khi học xong. Mà tóc con rụng hết cũng khiến mặt con khờ thiệt. Hồi đó tóc con dài lắm. Con thích để tó c dài cho mẹ thắt bím vì nhìn rất xinh. Nhưng mà mấy tháng nay, cứ lấy tay hay khăn ướt lau đầu là con thấy tóc dính đầy tay, đầy khăn khiến con buồn lắm”.

 Chị Điệp bảo, sau ca phẫu thuật, tay Nữ yếu dần và thường xuyên lên cơn co giật. Đôi tay bé bỏng đang co giật kia chỉ chịu “lặng yên” khi nằm gọn trong lòng tay chị Điệp. Biết đâu, họ đã là mẹ con từ kiếp nào…

Tuyết Dân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI