Làm lành với ba mẹ nhờ... dịch bệnh

14/08/2021 - 09:30

PNO - Dịch bệnh khiến con người ta âu lo trước sự vô thường của đời người nhưng cũng là thời điểm kết nối lại sức mạnh tình thân. Những mảnh vỡ trong tâm hồn tôi lành nhanh hơn tôi nghĩ

Trước đây, phải đến cuối tuần, tôi mới gọi về quê hỏi thăm sức khoẻ ba mẹ nhưng nay, giữa những ngày dịch bệnh trở căng, tôi gọi đều đặn mỗi ngày. 

Tôi chẳng biết mình thay đổi thói quen vì lý do gì cụ thể, chỉ là tôi muốn nghe giọng nói ba mẹ nhiều hơn một chút, cũng một phần bởi đâu đó, tôi thấy mình cô đơn, mong manh hơn trong mùa dịch.

Ba đó à? Ba ăn cơm chưa? Ba đang làm gì đó? Quê mình dịch bệnh sao rồi ba?

- Má nay có nấu món gì mới không má? Nhà có thiếu ăn không, thiếu nói con nghe má?

Mỗi ngày, tôi gọi điện hỏi thăm cũng chỉ quẩn quanh vài câu quen thuộc đến mức thấy bất lực với vốn câu chữ của mình. Tôi không giỏi giao tiếp với ba mẹ, vì trong quá khứ, gia đình từng có vài chuyện xảy ra khiến mắc xích kết nối giữa tôi với ba mẹ không đủ mạnh. Đôi lúc, cuộc gọi còn rơi vào yên lặng, những câu hỏi thăm nhạt tuếch nhưng chỉ cần biết ba mẹ bình an là lòng tôi đủ vững vàng.

Mùa này, mỗi khi nhìn thấy ảnh đại diện Facebook của ai đó đổi sang nền đen - nghĩa là một người nữa vừa từ giã cuộc đời, lòng tôi lại chùng xuống một nhịp vì vừa thương cho người đi vừa đau xót cho người ở lại. Qua đời ở thời điểm hiện tại dù bởi nguyên do nào đi chăng nữa, dịch bệnh cũng khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn nên lời giã từ có cố mấy cũng không được trọn vẹn. Quạnh quẽ và xót xa.

Đôi lúc, tôi chìm đắm trong nỗi buồn của những người xung quanh nhưng tự dặn lòng rằng khi bản thân thấu suốt niềm đau của họ thì phải biết thầm cảm ơn cuộc sống của mình hiện tại. Cảm ơn vì còn công ăn việc làm, cảm ơn vì nhận được tình thương từ người thân quen cho đến những nhà hảo tâm xa lạ, cảm ơn vì bản thân và những người thân trong gia đình còn sức khoẻ, còn đủ sự lạc quan để chiến đấu với dịch bệnh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Có hai điều tôi thấy bản thân cần quý trọng hơn khi đại dịch xuất hiện, đó là sự sống đang duy trì và tình thân còn sót lại. Tôi quý trọng hơi thở hơn, hướng sự chú ý vào thân tâm bên trong để buộc bản thân phải trả lời vài câu hỏi mà tôi thường né tránh, tự ý thức làm đẹp cho tâm hồn.

Tôi đặt mục tiêu cuộc đời ngắn hạn hơn và mở lòng giúp những trường hợp khó khăn mà tôi biết. Còn vế thứ hai, về tình thân, tôi ý thức rõ hơn rằng thời gian của cuộc đời không có nhiều, phải sống trọn vẹn và vị tha hơn với gia đình và chính mình.

Tôi nhớ một câu nói nổi tiếng của cố NSND Hoàng Dũng trong phim Người phán xử rằng: “Gia đình là thứ tồn tại duy nhất, còn những thứ khác có hay không, không quan trọng”. Con người lạ lắm, với những thứ quen thuộc, chỉ khi nào có nguy cơ mất đi hoặc đã mất thật rồi thì sự nuối tiếc mới xuất hiện, mới cuống cuồng chạy theo để giữ lấy.

Đến hôm nay, cũng đã một tháng hơn, tôi gọi về nhà mỗi ngày cho ba mẹ. Cả hai đã dần quen với việc nhận cuộc điện thoại từ con gái ở Sài Gòn nên có ngày tôi gọi trễ, ba mẹ hỏi ngay vì lo tôi có chuyện gì. Giờ tôi lớn, ba mẹ không còn đủ sức quản lý giấc mơ hay tư vấn tôi nên làm gì với cuộc đời mình. Tôi nghĩ ba mẹ đang làm đúng vì có lúc, tôi muốn sống cuộc đời riêng. Nhưng thỉnh thoảng, chỉ cần tôi hoá cô gái vụng về hỏi mẹ cách nấu món này, món kia hay hỏi ba về chuyện chiếc xe đang chạy bỗng trở chứng, ba mẹ tôi lại vui như những ngày cận tết thấy con gái đã về đến trước cổng nhà.

Dịch bệnh khiến con người ta âu lo trước sự vô thường của đời người nhưng cũng là thời điểm kết nối lại sức mạnh tình thân. Những mảnh vỡ trong tâm hồn tôi lành nhanh hơn tôi nghĩ bởi một nguyên cớ không thể nào nghiệt ngã hơn, vì dịch bệnh. Nghĩ ấm lòng nhưng cũng trớ trêu thay.

Khánh An

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI