Không cần phải so sánh con mình với con người khác

28/12/2020 - 09:06

PNO - Các chuyên gia về sức khỏe tâm thần chỉ ra nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất ổn ở giới trẻ hiện đại chính là văn hóa so sánh xã hội - thói quen so sánh thành tích học tập, ngoại hình, năng khiếu thể thao, điểm số hoặc độ nổi tiếng với bạn đồng trang lứa và cảm thấy mình thua kém.

Quan tâm nào là của con?

Hàng xóm của tôi kinh doanh đồng hồ, ăn nên làm ra từ hai bàn tay trắng nên họ luôn muốn con trai tám tuổi có được những vật chất và sự chăm sóc tốt nhất. Cậu bé được học trường tốt, gia sư giỏi, và bị cha mẹ ép buộc phải đạt điểm số cao nhất. Nếu không, con sẽ bị đem ra so sánh với anh chị em và bạn bè xung quanh.

Bạn không cần so sánh con mình với con ai, nếu không muốn kết quả tồi tệ - Ảnh minh hoạ
Bạn không cần so sánh con mình với con ai, nếu không muốn kết quả tồi tệ - Ảnh minh hoạ

Từ một cậu bé năng động vui vẻ, em chẳng thèm trò chuyện với bất kỳ ai. Thời khóa biểu của em bắt đầu từ 5g30 sáng và kết thúc vào lúc 21g30 tối. Có lần tôi thấy con nằm gục trên bàn học hay sau xe ô tô của ba do kiệt sức, mà chẳng có lời động viên, quan tâm nào dành cho con. 

Việc so sánh không chỉ xảy ra ở lứa tuổi còn đi học, mà hầu hết chúng ta cũng từng so sánh bản thân với bạn bè, đồng nghiệp, hoặc thậm chí là một người nổi tiếng nào đó với mục đích đánh giá cuộc sống của chính mình.

Thật khó để không làm như vậy khi báo chí tràn lan các bài ca tụng “Những người thành công”. Thật khó để thấy cuộc đời mình tỏa sáng khi làm phép so sánh với những người như vậy.

Những lý do để ngừng thói quen so sánh 

Nhu cầu so sánh bản thân với người khác có động lực thôi thúc mạnh mẽ không kém nhu cầu ăn uống, ngủ nghỉ. Mặc dù cách so sánh có thể đem lại nhiều thông tin, nhưng hầu như việc này không được khuyến khích, bởi vì rốt cuộc ai đó sẽ luôn cảm thấy mình thua thiệt. 

Sự hoàn hảo ở người khác là ảo ảnh

Những hình ảnh photoshop, các kỳ nghỉ xa hoa, thành tựu sự nghiệp đáng ngưỡng mộ, những mái ấm gia đình hạnh phúc; gương mặt, vóc dáng không tì vết mà chúng ta lướt qua trên mạng xã hội chỉ là một phần trong đời sống thực của mỗi người. Những điều đó có thể là sự thật, nhưng không phải là toàn bộ sự thật, bởi chẳng ai thích cho người khác xem những góc khuất của mình.

Cuộc sống vốn dĩ không công bằng

Trên đời này có người được sinh ra với nhiều ưu điểm hơn người khác như một gương mặt đẹp, sức đề kháng tốt, gia đình giàu có, sáng suốt hơn người, và các mối quan hệ xã hội giúp họ có được một công việc trong mơ. 

Khi so sánh bản thân với họ, ta thường tự trách mình chưa cố gắng đủ nhiều. Nhưng thực tế là nhiều khả năng những khác biệt mà chúng ta thấy phản ánh một cuộc chiến vốn dĩ không cân sức ngay từ đầu - một thực tế mà nhiều người không thích chấp nhận. Đôi khi nỗ lực thôi là chưa đủ.

Sự so sánh biến bạn bè thành đối thủ

Trong một thế giới lý tưởng, chúng ta sẽ ăn mừng và thực sự tận hưởng niềm vui và thành tựu của người khác. Tuy nhiên, nếu xem người khác là chuẩn mực để đánh giá bản thân thì sự ganh tỵ âm ỉ đó có thể làm ta ít trân quý những điều tốt đẹp đến với họ. 

Trong công việc, sự so sánh có thể biến bạn bè thành đối thủ - Ảnh minh họa
Trong công việc, sự so sánh có thể biến bạn bè thành đối thủ - Ảnh minh họa

Cách tốt hơn để biết được mình có đang sống tốt hay không, có thể là so sánh chính mình trong hiện tại với quá khứ, hoặc so sánh với vị trí mà mình muốn có trong tương lai. Bằng cách tập trung phát triển bản thân chứ không phải là hơn thua với người khác, chúng ta sẽ có một chiến lược thực tế và sâu sắc để đạt được mục tiêu. Và điều lý tưởng là luôn có được sự ủng hộ của bạn bè và người thân của mình. 

Mia Nguyễn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI