Khi kẻ thủ ác cũng là nạn nhân

10/05/2013 - 16:15

PNO - PN - Mỗi ngày, nhận được nhiều hơn những tin tức kinh hoàng: vợ chồng xuống tay tàn độc giết nhau, gây thương tích cho nhau vì mâu thuẫn, vì ghen tuông - đặc biệt là ghen tuông. Điểm sơ các vụ mà báo chí đưa tin trong năm 2012 và bốn...

Đứng trên khía cạnh giới tính, phụ nữ vốn chân yếu tay mềm, phù hợp với các loại âm mưu hơn là bạo lực trực tiếp. Trong truyền thống, phụ nữ chỉ dùng đến bạo lực trong trường hợp “con giun xéo lắm cũng quằn”. Lật lại những vụ giết hại người thân thời gian qua, cũng đau lòng cho giới của mình lắm. Nhưng, phải nhìn thẳng vào nó để nhận diện vấn đề: trong những vụ án mạng đã xảy ra, nếu phụ nữ là thủ phạm gây án, thứ bạo lực mà họ sử dụng là một thứ bạo lực vừa tàn ác, nhưng cũng vừa rất nửa vời: dí điện giật chết người nhưng nạn nhân không bị điện giật chết; tưới xăng lên nệm chồng đang ngủ và bật lửa đốt sau đó dắt hai con ra đường và… đón taxi về nhà cha mẹ! Kẻ giết người thật sự không bao giờ hành động như thế. Cái tàn bạo ở đây là một sự tàn bạo nhất thời. Động cơ sát nhân gầm lên trong cơn điên giận tăm tối và mù quáng, việc giết người thành một phản ứng quyết liệt. Sự tàn ác đạt mức đỉnh điểm, nhưng trước và sau sự tàn ác đó lại là sự nông nổi, hời hợt đáng thương theo kiểu “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu…”.

Phải chăng, việc tiếp xúc với bạo lực hằng ngày, lâu dần đã biến thành phản ứng dùng bạo lực để giải quyết vấn đề, giải quyết mâu thuẫn trong đời sống? Sự đời “bánh ít đi bánh quy lại” là thường. Khi bạo lực gia đình đã trở thành điều bình thường, như một kiểu “văn hóa gia đình”, thì bạo lực cũng thấm vào cách ăn ở, xử sự của người trong nhà. Bao nhiêu cái tát, bao nhiêu cú đấm đá chà đạp cộng dồn lại trong những lần chịu đựng 5 năm, mười năm qua, nay bùng lên thành ngọn lửa xăng, thành con dao nhọn, một lần kết liễu tất cả rồi muốn ra sao thì ra. Phải chi những mâu thuẫn được hóa giải từ sớm, chắc không đến nỗi có cú quằn mình oan nghiệt cuối đường kia.

Khi ke thu ac cung la nan nhan

Ghen tuông là một trong những động cơ phổ biến nhất trong nhiều vụ giết người. Nạn nhân là chồng cũng có, là vợ cũng có. Ghen đến đánh mất nhân tính, đến xem thường mạng sống của người khác. Một người vợ cầm dao đâm chồng vì bị chồng ép sống chung với vợ bé, giết chồng xong, người đàn bà ấy bế con đến công an để tự thú - lòng ghen ấy đã chuyển thành hận thù, vì bị phản bội, vì bị chà đạp, bị khinh rẻ, người vợ ấy đã không coi cuộc đời này còn chút ý nghĩa nào nữa. Kết thúc câu chuyện ghen tuông ấy không phải là giành lại chồng con hay gia đình, mà là sự tuyệt vọng cùng cực, sự bế tắc không lối thoát. Nó chắc chắn không xuất phát từ lần đầu tiên bị phản bội, mà là kết quả của cả một chuỗi ngày dài sống trong tuyệt vọng, trong sự ngang nhiên chà đạp của kẻ làm chồng.

Nói về phụ nữ ở khía cạnh là nạn nhân của bạo lực đã nhiều, nhưng vẫn phải nhìn nhận một khía cạnh khác, ẩn kín trong những vụ án kinh hoàng này: phụ nữ đã bị tha hóa, với nghĩa đầy đủ nhất của từ này, trở thành kẻ khác mình, kẻ đánh mất mình, kẻ bạo tàn tăm tối. Quá trình tha hóa cũng bắt nguồn từ chính bạo lực gia đình. Bạo lực làm thui chột mầm thiện, làm tích tụ khổ đau và oán hận, làm xói mòn nhân tính, làm tăng thêm mức độ tàn bạo, dã man. Đến một lúc nào đó, giọt nước tràn ly, con người ta trở thành một kẻ điên trong chính nhà mình, thành kẻ sát nhân với chính người thân của mình.

Bảo vệ người phụ nữ, xét đến cùng, là bảo vệ những mầm sinh tồn của nhân loại. Sống trong bạo lực gia đình, sao tránh khỏi ô nhiễm vì hành vi và suy nghĩ bạo lực. Khi mảnh ruộng gieo mầm đã bị ô nhiễm, làm sao có được những thế hệ tiếp theo khỏe mạnh, bình thường? Bạo lực sẽ khơi nguồn cho bạo lực, mạnh dần hơn lên, tàn ác hơn lên, nhưng đó là thứ bạo lực tồn tại lẩn khuất trong mỗi gia đình, đôi khi còn được cố tình che chắn, chỉ bộc lộ ra ngoài khi đã muộn màng không còn sửa chữa được nữa. Có lẽ, phương cách hữu hiệu nhất để giúp chị em và cũng để chị em tự cứu lấy mình, là hãy nhận ra bạo lực từ sớm, đừng chấp nhận, đừng chịu đựng, đừng tự dồn góp những đau khổ của đời mình.

Ai cũng có khi rơi vào những hoàn cảnh ngoài ý muốn, nhưng nếu chúng ta chọn cho mình một thái độ, chúng ta có thể không bị hoàn cảnh xô đẩy đến đường cùng. Trở thành kẻ giết người hay bị giết, xét cho cùng cũng đều là nạn nhân.

Hạnh Dung (hanhdung@baophunu.org.vn)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI