PNO - PNCN - Cuộc đời chị là chuỗi ngày đầy bi kịch, đau thương chồng chất. Số phận như trêu đùa khi liên tiếp giáng xuống đời chị những nỗi đau mất mát. Nhưng chị không để bị quật ngã. Tình yêu con vô bờ đã tiếp sức cho chị...
edf40wrjww2tblPage:Content
NHỮNG NGÀY VUI NGẮN
30 tuổi, chị trở thành góa phụ. Người chồng thương yêu của chị đã ra đi trong một tai nạn giao thông, để lại mẹ già và bốn đứa con thơ dại. 24 năm qua, chị để nước mắt âm thầm chảy ngược vào lòng, gắng gượng nuôi con khôn lớn.
Năm 20 tuổi, cô gái Bùi Thị Cúc (Quảng Xương, Thanh Hóa) sánh duyên cùng chàng lính hải quân Trần Văn Nghệ. Cưới nhau chưa được bao lâu thì anh Nghệ nhận được giấy triệu tập của đơn vị vào Nam công tác. Vừa vào Đà Nẵng, anh lại được cử sang Liên Xô (cũ) học. Khi chồng đi rồi, chị Cúc mới biết mình đang mang thai; sinh con rồi vò võ nuôi con, đến khi con gái tròn bốn tháng tuổi anh Nghệ mới trở về. Chị bế con vào Đà Nẵng với chồng, sum vầy chưa được bao lâu thì anh lại tiếp tục nhận công tác ở Vũng Tàu. Lúc này chị đang mang thai đứa thứ hai, biết chưa thể theo chồng an cư lạc nghiệp, chị đành khăn gói về quê sinh con. Nghe tin chị sinh con trai, anh mừng khôn tả, rối rít lo chỗ ở để đón vợ con vào nhưng chỉ một thời gian anh lại tiếp tục sang Liên Xô học. Chồng đi, mẹ con chị lại bồng bế nhau về quê sinh sống. Mãi đến ba năm sau anh mới trở về. Niềm vui đoàn tụ càng được nhân lên khi anh Nghệ được bổ nhiệm làm thuyền trưởng tàu HQ 13 Lữ đoàn 171 Hải quân, được cơ quan cấp một mảnh đất ở Vũng Tàu để xây nhà. Bốn mẹ con chị cùng mẹ chồng khấp khởi vào Nam đoàn tụ với anh.
Với chị, đó là khoảng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời, vợ chồng gần gũi bên nhau, cùng chăm sóc nuôi dạy con cái. Nhưng những ngày tháng hạnh phúc đó lại quá ngắn ngủi, vỏn vẹn chưa đầy ba năm. Ngày đứa con trai thứ tư tròn 15 tháng tuổi cũng là ngày anh ra đi vĩnh viễn.
Chị Cúc bên đứa cháu nội vừa mới chào đời
Chị ngậm ngùi nhớ lại cái ngày định mệnh ấy. Buổi sáng anh đi dự đám cưới của đồng nghiệp, tối không thấy về. 5g sáng hôm sau, chị nghe tiếng gọi cửa. Trước mặt chị là nhiều đồng đội của chồng. Họ bảo chồng chị bị cảm đang nằm bệnh viện. Chị luống cuống tay vơ vội bộ đồ, miệng lẩm bẩm hỏi han tình hình của chồng. Thủ trưởng đơn vị anh Nghệ nhắc chị bồng theo một đứa con vào thăm anh. Chuyến xe thẳng hướng về Sài Gòn, chị linh cảm như có điều gì đó chẳng lành. Đến nơi, ngang qua dãy hành lang cấp cứu, khi mọi người bảo chị ngồi xuống nghỉ ngơi, lòng chị như lửa đốt. Giọng chị nghẹn ngào đứt đoạn nhớ lại: “Mọi người bảo tôi, em ngồi xuống đi, em phải thật bình tĩnh thì các anh mới nói được… Thiếu tá Trần Văn Nghệ bị tai nạn giao thông đã ra đi từ đêm qua. Tôi bủn rủn, ngã khuỵu”.
Tỉnh lại, trước mắt chị là hình ảnh của người mẹ già gào khóc gọi tên con, là hình ảnh xé lòng của hai đứa con lớn ôm quan tài bố nức nở. Càng đau hơn, khi nhìn thấy hai đứa con nhỏ tròn xoe đôi mắt ngây ngô. Chị khóc, không dám nghĩ rồi đây mấy mẹ con sẽ sống ra sao khi không còn người đàn ông trụ cột của gia đình.
Chồng mất, ngôi nhà vừa mới làm được móng cũng đành bỏ dở dang. Chị như cái xác không hồn, nhưng rồi tiếng khóc khát sữa của thằng út như đánh thức chị dậy. Ôm con vào lòng, chị nghẹn ngào. Nụ cười hồn nhiên của đứa trẻ khi ôm bầu sữa mẹ đã tiếp thêm cho chị nghị lực để vượt qua.
NỖI ĐAU CHỒNG CHẤT
Để có tiền lo cho con, chị đã phải làm lụng luôn tay. Từ tờ mờ sáng, chị xuống cảng mua cá mang ra chợ bán. Không có nhiều vốn nên mỗi ngày chị chỉ lấy vài ba cân cá, số tiền vừa bán cá chị lại tiếp tục làm vốn buôn hoa tươi, đắp đổi qua ngày. Nhiều hôm biển động hay buôn bán ế ẩm, cả nhà phải ăn cháo thay cơm. Thấy công việc buôn bán bấp bênh, chị học thêm nghề làm bánh tráng. Nhờ khéo tay lại chăm chỉ nên chẳng bao lâu chị đã tráng bánh thuần thục. Bánh của chị được nhiều khách hàng đặt mua, nhờ đó thu nhập dần ổn định. Mỗi ngày chị phải dậy từ 2g sáng, tráng bánh, giao hàng, bán cá, đến chăm gà, heo tận 23g. Nhọc nhằn là vậy nhưng chị luôn bên cạnh các con an ủi và động viên.
Không chỉ nuôi con thành đạt, chị Cúc còn tạo dựng được cho mình một cuộc sống sung túc
5 năm bươn chải, cuộc sống của chị tạm ổn hơn. Không còn cảnh bốn chị em phải chia nhau bát cháo hay đêm giao thừa ngồi bên thùng gạo trống không mà rưng rức khóc. Các con lớn của chị đã biết phụ mẹ buôn bán, chăm em. Thế nhưng, số phận một lần nữa cướp đi người thân yêu của chị.
Chị kể, chị không thể nào quên được buổi chiều mùa hè năm 1995. Đó là kỳ nghỉ hè đầu tiên chị cho Hương, con gái lớn và đứa con trai kế lên nhà bác ở Đà Lạt chơi. Chiều ấy, khi ở nhà đang ăn cơm thì có điện thoại báo tin Hương bị ngã xuống hồ chết đuối. Đất trời như sụp đổ dưới chân chị, chị điên dại lao đầu vào dòng xe trên đường, may có người hàng xóm chạy ra cản được. Khuya đêm đó người ta đưa xác con gái chị về… Đến giờ, hình ảnh đứa con trai ngồi bên xác chị gái im lìm, bất động vẫn in sâu trong tâm trí chị.
Chị kể: “Từ sau ngày con mất, tôi chẳng còn tha thiết điều gì, ngày ngày thơ thẩn hết ôm di ảnh con rồi đến di ảnh chồng. Đêm nào cũng mơ thấy con bé về, mừng rỡ ôm chầm lấy con, tỉnh giấc lại khóc nhiều hơn". Suốt mấy tháng trời chị không bước chân ra đường. Trong lúc cùng cực, chị tình cờ gặp lại người đàn ông đã từng theo đuổi chị khi còn con gái. Thương chị mẹ góa con côi, anh giúp chị buôn bán, nhờ đó chị cũng nguôi ngoai phần nào nỗi đau. Được một thời gian thì chị và anh về sống với nhau.
Để có vốn làm ăn, chị đem giấy tờ nhà thế chấp. Công việc tuy trôi chảy nhưng tiền lãi vẫn không đủ cho sáu, bảy miệng ăn, vì vậy phần vốn cứ bị thâm hụt. Thêm cái thai trong bụng ngày một lớn, cuộc sống càng khó khăn hơn. Hàng xóm bắt đầu lời ra tiếng vào, dị nghị gièm pha, một số đồng nghiệp của chồng xa lánh, chị càng thêm đau. Chị quyết định bán nhà đi nơi khác, không để các con bị “vạ lây” hay thiếu thốn mà bỏ học.
Sau khi bán nhà, chị cùng người chồng sau dắt díu các con ra Hàm Tân (Bình Thuận) chọn một xóm ven biển tiếp tục nghề buôn cá. Nhưng chỉ được một thời gian ngắn thì người chồng sau sinh tật rượu chè trai gái. Một mình chị lại tiếp tục mưu sinh, nhờ chịu khó lại có kinh nghiệm buôn bán nên từ mua bán lẻ, dần dà chị mở vựa thu gom rồi đến làm xưởng đông lạnh, cuộc sống ngày càng khấm khá.
Hơn 24 năm trôi qua, người góa phụ trẻ ngày nào giờ tóc đã pha sương. Nỗi đau đời chị đã khép lại. Ông trời đã bù đắp lại cho chị những đứa con ngoan hiền, giỏi giang. Con trai lớn nối nghiệp bố, giờ là chàng sĩ quan đang công tác tại Lữ đoàn 125 quân chủng hải quân. Con trai thứ hai và em kế đều tốt nghiệp đại học, cùng làm việc tại một công ty nước ngoài ở TP.HCM.
Khép lại câu chuyện buồn về cuộc đời mình, chị lẳng lặng đến bên bàn thờ chồng thắp nén nhang, báo tin vui về đứa cháu nội đầu tiên vừa mới chào đời.
NHƯ PHONG
Mời bạn đọc chia sẻ câu chuyện của mình qua địa chỉ: vuotlennoidau@baophunu.org.vn
“Lốp dự phòng”, “lốp chúa” hay “Michelin boy”… là cách gọi châm biếm, hài hước dành cho những anh chàng chấp nhận làm phương án dự phòng của đối phương.