Kết hôn cùng giới: Mong và… mỏi!

24/09/2013 - 08:50

PNO - PN - “Chúng tôi phải làm gì để hôn nhân đồng giới được công nhận? Hãy đưa ra những yêu cầu cụ thể. Dù khó mấy, chúng tôi cũng sẽ cố gắng đáp ứng” - cô gái có nickname Sầu Riêng nghẹn ngào phát biểu.

edf40wrjww2tblPage:Content

Sầu Riêng và người yêu đã vượt cả trăm cây số từ Tiền Giang đến Q.3, TP.HCM để tham dự hội thảo Cùng lên tiếng. Đây là hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 do Trung tâm ICS (Tổ chức bảo vệ và thúc đẩy quyền của người đồng tính, song tính và chuyển giới - LGBT tại Việt Nam) phối hợp cùng Viện nghiên cứu Xã hội, kinh tế và môi trường (iSEE) tổ chức ngày 21/9.

Ket hon cung gioi: Mong va… moi!

LGBT và thông điệp tha thiết “được pháp luật công nhận hôn nhân đồng giới”

Bức xúc chồng chất

Tại hội thảo, 83% người tham dự rất thất vọng sau khi tìm hiểu Dự thảo; 98% không ủng hộ điều 17d về giải quyết hậu quả của việc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng giới tính “Nhà nước không thừa nhận quan hệ hôn nhân giữa những người cùng giới tính”…; 81% mong muốn hợp pháp hóa hôn nhân không phân biệt giới tính.

Bà Trần Ly (Q.7, TP.HCM có con là đồng tính nam) phản đối: “Con tôi vẫn không được đăng ký kết hôn thì có khác gì cấm như trước. Luật phải rõ ràng, đừng nửa vời, lập lờ. Bỏ điều cấm, đổi lại thành điều “không thể làm” thì chẳng ích gì, thậm chí còn xúc phạm, gây tổn thương cho LGBT. Sự hạn chế quyền đối với người đồng tính không chỉ ảnh hưởng tới họ mà còn kéo theo bao nhiêu bi kịch, tác động tiêu cực đến xã hội”. Con của bà Ly 24 tuổi, sắp nhận bằng thạc sĩ, đang ôm ấp bao hoài bão, ước mơ cống hiến sức trẻ cho đất nước nhưng anh đành co mình lại trước sự đối xử phân biệt của xã hội với người đồng tính như anh.

Trái với tâm trạng háo hức trước khi đến dự hội thảo, Nguyễn Huỳnh Anh Khoa (sinh viên năm II, Trường ĐH KHXH & NV TP.HCM) khá nặng lòng sau khi đọc Dự thảo luật. Khoa nói: “Ban đầu em thất vọng, về sau thì vô vọng. Tại sao chỉ vì là thiểu số, người đồng tính lại tiếp tục bị gạt sang một bên? Nếu mười mấy năm nữa mới điều chỉnh luật thì đời em còn gì?”. Cảm giác mà Khoa thèm nhất là sau khi tốt nghiệp, được dắt tay người yêu đến UBND xã ở quê nhà Vĩnh Long để đăng ký kết hôn. Nhưng, mơ ước đó vốn đã bị chặn đứng bởi định kiến của gia đình, giờ lại được “gia cố” thêm bởi rào cản của luật.

“Một quyền bị trì hoãn là một quyền bị từ chối”

Hầu hết ý kiến đều cho rằng, trong khi các cặp đôi đồng tính mong mỏi được cho phép kết hôn, được tạo điều kiện để yêu thương, gắn bó, thủy chung, vun đắp mái ấm thì Dự thảo luật lại chỉ chú trọng “đầu ra”- tập trung giải quyết… hậu quả khi cuộc sống chung đổ bể, bất hạnh. Đó là lo chuyện tranh chấp, phân chia tài sản chung, quyền của hai mẹ, hai cha đối với con đẻ, con nuôi… Sau khoảng thời gian dài vật lộn với cuộc sống, bác sĩ Nguyễn Thuận đã thành đạt, hiện là Giám đốc Công ty An Toàn Sống (doanh nghiệp xã hội trong lĩnh vực an toàn tình dục) và làm chủ nhiều cơ sở khác ở TP.HCM, Hà Nội. Hầu như anh đã có tất cả những gì mình muốn và muốn san sẻ với bạn trai. Anh hăm hở với dự định làm lễ cưới, khi cánh cửa pháp luật mở ra. Với anh, quý nhất là cảm giác hạnh phúc chứ không phải vật chất.

Người đồng tính vẫn có thể đi đường vòng để đạt được những điều mong muốn hoặc tự bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình trước bạn đời, nhưng họ cần được pháp luật bảo vệ, cần được công nhận quyền mưu cầu hạnh phúc, danh chính ngôn thuận yêu nhau và lập gia đình. Đó là nguyên nhân khiến những người tham dự hội thảo cho rằng, Dự thảo luật không khoa học, nhân văn, chưa có cái nhìn thấu đáo về cộng đồng LGBT.

“Tại sao chúng tôi đòi được trói, được ràng buộc?”, một người đồng tính nam phân tích: “Kết hôn, chúng tôi có lợi lộc gì? Chỉ vì chúng tôi cần có thêm một hành lang, một động lực để sống đàng hoàng, nghiêm túc, bền vững bên nhau. Không có trách nhiệm pháp lý, đạo đức thì có thể nay đến mai đi. Kiếp “vợ chồng chui” thì dễ yêu vội, buông thả, lăng nhăng, mau thay đổi bạn tình, có nguy cơ cao lây nhiễm bệnh tật. Tất nhiên, nhà làm luật chịu nhiều sức ép, nhưng không thể vì thế mà chúng tôi tiếp tục hy sinh. Dự thảo luật có bước tiến hơn ở chỗ công nhận cặp đôi đồng tính là “quan hệ chung sống như vợ chồng”. Nhưng thuật ngữ này mơ hồ và rất khó xác nhận. Nếu không thể đăng ký kết hôn, chúng tôi mong có một văn bản pháp lý tương tự để có sự ràng buộc cần thiết với nhau”.

Mượn câu nói của Martin Luther King (nhà hoạt động nhân quyền người Mỹ gốc Phi) - “Một quyền bị trì hoãn chính là một quyền bị từ chối”, Lương Thế Huy (cán bộ kỹ thuật của Viện iSEE) kết lại hội thảo. Bài hát Nối vòng tay lớn của cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn vang lên như nói thay niềm mong mỏi được kết nối yêu thương...

 TÔ DIỆU HIỀN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI