Không chỉ lái mà còn biết sửa xe
Mỗi buổi sáng, chiếc xe buýt số 44 chạy tuyến khu du lịch Bình Quới (phường Bình Quới) nối cảng quận 4 cũ (phường Vĩnh Hội) đều đặn lăn bánh qua những con đường thân thuộc của TPHCM, mang theo tiếng cười vui vẻ, giọng nói ấm áp của chị Lê Thị Hồng Hạnh - nữ tài xế có hơn 15 năm làm nghề, một trong số hiếm hoi “bác tài” nữ của làng xe buýt TPHCM.
Tuổi thơ của chị gắn liền với tiếng động cơ lạch bạch của chiếc xe lam 3 bánh do cha chị cầm lái, chạy từ chợ Bà Chiểu đến Chợ Lớn để kiếm thu nhập nuôi cả nhà. Những buổi theo cha đi chở hàng, gom vé đã dần gieo vào chị niềm yêu thích đặc biệt với nghề lái xe.
 |
Chị Vương Quế Dung - tiếp viên xe buýt tuyến 47 - luôn tận tình hỗ trợ hành khách |
Trong mắt cô bé Hồng Hạnh, cha là người đàn ông rất “ngầu” khi ngồi sau vô lăng. Khi cha được chính quyền hỗ trợ chuyển từ xe lam sang xe 4 bánh, chị bắt đầu được cha chỉ dạy kỹ năng lái xe. Sự ủng hộ của gia đình - đặc biệt là của người cha, cũng là người thầy đầu tiên - đã giúp chị vượt qua mọi rào cản, tự tin bước vào nghề hiếm được phụ nữ chọn.
Gắn bó với tuyến xe buýt số 44 hơn 15 năm qua, chị Hồng Hạnh dần trở thành gương mặt quen thuộc với hành khách. Nhiều hành khách đã chuyển tuyến vẫn cố tình đón xe chị chỉ để được ngồi trên chiếc ghế quen thuộc, nghe lại giọng nói thân thương và cảm nhận sự thân thiện, chân tình của chị. Mỗi ngày, chị thức dậy từ 4g, vượt hơn 20km từ nhà (TP Thủ Đức cũ) để đến bến xe Bình Quới. Lái xe buýt trên tuyến xe dài gần 17km qua nhiều đoạn đường chật hẹp, kẹt xe, chị chưa bao giờ để sự mệt mỏi của mình ảnh hưởng đến hành khách.
Do giờ giấc chạy xe không cố định, chị phải gửi con nhỏ về quê nhờ bà nội chăm sóc, mươi bữa nửa tháng mới tranh thủ về thăm. Những chuyến xe không chỉ chở khách, mà còn chất chứa nỗi nhớ con của người mẹ hết lòng với nghề. Ngoài cầm lái, chị Hồng Hạnh còn thành thạo các việc như thay vỏ xe, xử lý ống dầu bị xì hay động cơ bị trục trặc giữa đường. Chị nói nhẹ tênh: “Xe hư giữa đường thì phải xử lý nhanh bởi không ai khác giúp mình. Những gì tôi biết đều học được từ ba tôi và từ thực tế làm nghề”. Có lần, xe bị bể bánh, chị cùng tiếp viên thay lốp trong vòng 15 phút, điều không phải tài xế nào cũng làm được.
Không ngại khổ, chỉ sợ khách chờ lâu
Trên tuyến xe buýt số 47 (bến Hưng Long nối bến xe Chợ Lớn), chiếc xe mang biển số 50H-40832 luôn sạch sẽ, thoáng mát và tràn ngập tiếng cười. Người mang đến cảm giác dễ chịu ấy là chị Vương Quế Dung - tiếp viên của hãng xe buýt Phương Trang. Với chị Quế Dung, chiếc xe không chỉ là nơi làm việc mà còn như ngôi nhà nhỏ di động, nơi mọi hành khách đều được đón tiếp như người thân.
 |
Chị Hương Mỹ - tài xế xe buýt điện tuyến 166 - và cuốn sổ tay nhỏ mà chị luôn đặt trên xe để hành khách góp ý, ghi cảm nhận |
Chị Quế Dung bén duyên với nghề tiếp viên xe buýt qua lời rủ rê của chồng - cũng là nhân viên của hãng xe buýt Phương Trang. Ngày đầu nhận việc, chị cũng bị say xe, chóng mặt, nhưng nhờ được thử việc trên chiếc xe mới, sạch sẽ và được đồng nghiệp hỗ trợ, chị dần quen việc và yêu nghề lúc nào không hay. Mỗi ngày, chị đều xịt tinh dầu sả chanh trong xe để tạo nên bầu không khí dịu nhẹ, dễ chịu. Đứng lên, ngồi xuống hàng trăm lần mỗi ngày, chị vẫn luôn giữ nụ cười trên môi. Với chị, mỗi hành khách đi vé miễn phí đều xứng đáng được phục vụ bằng cả sự trân trọng. “Biết các cô chú ngại khi đi vé miễn phí, tôi động viên rằng đây là chính sách của Nhà nước, cô chú cứ yên tâm lên xe” - chị kể.
Không ít lần, chị nhẹ nhàng xử lý những tình huống khó trên xe, như cụ già không kiểm soát được hành vi, trẻ nôn ói, khách để quên ví, điện thoại. Chị coi việc lau tay vịn, gom rác, xử lý sự cố là một phần trách nhiệm không thể thiếu của mình. Mỗi lời khen của hành khách đều là động lực để chị thêm yêu công việc. Dù thời gian làm việc kéo dài, đi sớm về khuya, chị vẫn luôn giữ thái độ vui vẻ, tận tâm.
Chị Huỳnh Thị Ngọc Hương - tiếp viên trên xe buýt biển số 51B-24040 thuộc Hợp tác xã Việt Thắng, chạy tuyến số 47 (Củ Chi - An Sương) luôn tự hào về chiếc xe do gia đình mình đầu tư. Trước khi vào nghề, chị là công nhân ngành may. Khi gia đình quyết định mua xe buýt, chị không ngại thử sức với công việc mới dù từng say xe, chóng mặt. Trên xe, chị luôn giữ phong thái dịu dàng, lịch sự. “Tôi xác định mình đang làm dâu trăm họ. Có hành khách thích ngồi trước, có hành khách lại muốn ngồi sau. Mình phải biết lắng nghe yêu cầu, nguyện vọng của khách, họ mới quý mình” - chị nói.
Từ 2g sáng, chị đã phải thức dậy để chuẩn bị cho xe xuất bến lúc 3g30. Dù vất vả, chị vẫn luôn vui vẻ, lạc quan, tận tụy phục vụ hành khách, nhiều lần trả lại tài sản thất lạc cho khách. “Tôi nghĩ đây là cái duyên, cái nghiệp rồi. Mình chọn nghề thì phải làm hết lòng” - chị tâm sự.
Sự hài lòng của hành khách tiếp sức cho nữ tài xế Từng lái qua taxi, xe ôm công nghệ, xe tải, chị Hương Mỹ - tài xế xe buýt điện tuyến 166 (bến xe Đại học Quốc gia TPHCM nối khu du lịch Suối Tiên) của Công ty cổ phần Phương Trang Futabuslines - nhận thấy việc lái xe buýt hoàn toàn khác biệt. Trên xe có 50-60 hành khách nên mỗi thao tác đều phải hết sức cẩn trọng, tỉ mỉ, linh hoạt, chính xác. Dù mới gắn bó với xe buýt chỉ vài tháng nhưng chị đã để lại ấn tượng đẹp trong lòng hành khách. Trên xe, chị đặt cuốn sổ tay nhỏ để hành khách tự do ghi lại cảm nhận, góp ý. Chị kể: “Ban đầu, tôi chỉ định ghi nhận lời góp ý để hoàn thiện kỹ năng phục vụ nhưng rồi những dòng nhận xét “tài xế dễ thương, xe sạch sẽ” đã khiến tôi xúc động. Những lời này đã tiếp thêm động lực cho tôi trong mỗi ngày làm việc”. Không chỉ cầm lái an toàn, chị Hương Mỹ còn tận tình hướng dẫn hành khách các tuyến xe, cách tìm địa chỉ cần đến. Nụ cười của hành khách khi bước xuống xe cũng đủ để khiến chị vui suốt cả ngày. |
Vinh danh 30 tài xế và nhân viên xe buýt tận tâm Vừa qua, Sở Xây dựng TPHCM phối hợp Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM tổ chức lễ vinh danh 30 tài xế và nhân viên phục vụ xe buýt tiêu biểu. Đây là những cá nhân hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, hỗ trợ hành khách tận tình, có những hành động đẹp như trả lại tài sản bỏ quên, hỗ trợ người khuyết tật, tham gia phòng, chống tội phạm... Ông Lê Hoàn - Phó giám đốc Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TPHCM - cho biết, đội ngũ tài xế, tiếp viên là những người lao động bền bỉ, âm thầm cống hiến mỗi ngày. Dù làm việc trong môi trường áp lực cao, phải dậy sớm, thức khuya, tiếp xúc với hàng ngàn hành khách đủ mọi lứa tuổi, hoàn cảnh, họ vẫn luôn giữ được sự điềm đạm, tận tâm và chu đáo. Nhiều cô chú, anh chị đã gắn bó với ngành từ những ngày đầu hình thành hệ thống xe buýt; một số gia đình có đến 2-3 thế hệ nối tiếp nhau làm nghề. Ông bày tỏ niềm tin rằng, đội ngũ tài xế, tiếp viên xe buýt sẽ tiếp tục lan tỏa những điều tích cực, góp phần xây dựng hệ thống giao thông công cộng TPHCM hiện đại, văn minh, nghĩa tình. |
Thanh Tâm