Hoa nở trên bậc thềm

01/12/2021 - 05:54

PNO - Sài Gòn sắp kết thúc mùa mưa thì miền Trung đỉnh điểm mùa lũ. Năm nào cũng vậy, tầm tháng Mười âm lịch là lượng mưa nhiều nhất trong năm. Mưa mù mịt. Bầu trời lúc nào cũng u ám, như có thể… rơi lệ bất cứ lúc nào.

 

Nhà tôi ở một nơi khá trũng, nơi giao nhau của hai dòng nước Thu Bồn và Vu Gia, nên chỉ cần mưa lớn nhiều giờ là nhà ngập.

Tuổi thơ chúng tôi trải qua biết bao mùa lũ, ngập tràn kỷ niệm buồn vui. Hành trang xa quê của tôi là một phần ký ức mùa lũ quê nhà. Những bản tin dự báo thời tiết hễ nhắc “Mực nước sông Vu Gia tại Ái Nghĩa đang ở mức báo động 2”, “Mực nước sông Thu Bồn tại Giao Thủy vượt mức báo động 3”, là đưa tôi trở về những ngày mưa lũ theo ba thả lưới bắt cá, phụ mẹ dọn lụt, hay cùng đám bạn kết bè chuối chèo vòng quanh xóm. Một năm vài ba cơn lụt, có khi tháng Mười lãnh trọn. 

Ảnh Phùng Huy
Ảnh Phùng Huy

 

Cũng vào tháng Mười, mẹ tôi có thói quen gieo hạt giống hoa cúc chuẩn bị đón tết, mặc cho mưa gió bão bùng, mặc cho ngoài kia người ta nói về những bông hoa nhập khẩu đắt tiền. Sau chừng nửa tháng gieo hạt, mẹ cho cây con qua bầu đất nhỏ, bọc lá chuối bên ngoài, rồi xếp các bầu cây chen chúc nhau.

Mẹ tôi trồng hoa cúc không phải để bán, mà để tết đến xuân về hoa vàng rực vườn nhà. Hàng xóm ai thích, chỉ cần đăng ký trước bao nhiêu cây, mẹ tôi sẵn sàng tặng. Lũ về, mẹ ưu tiên di dời những bầu cúc vào chỗ cao ráo, nhẹ nhàng, nâng niu những mầm xanh đang hứa hẹn một mùa xuân rực rỡ sắc vàng. 

Vì ở vùng trũng, nên hầu hết nền nhà trong xóm đều đắp khá cao. Nhà tôi có năm bậc thềm. Chúng tôi có thói quen lấy bậc thềm làm thước đo mực nước. Lần nào cũng vậy, mưa lũ về, chị em tôi thường gọi điện thoại hỏi: “Nước vào tới bậc thềm thứ mấy rồi?”. Thật lòng chẳng ai muốn nước vào nhà, vì dọn lụt là công việc vất vả. Ở đâu có nước lụt, ở đó có bùn non. Bùn non bám vào cỏ cây, vật dụng, vào bất cứ thứ gì có thể, bởi vậy người vùng trũng chỉ mong lụt dạo chơi ngoài đồng, mang phù sa cho bãi biền, hay diệt chuột bọ mà thôi. 

Nếu nước lụt vào tới sân, mẹ tôi sẽ dọn lần lượt những vật dụng cần thiết, nhỏ gọn trước, rồi sau đó cứ chạy ra bậc thềm mà cân nhắc dọn lụt. Nước vào tới bậc thềm thứ nhất thì dọn gì, tới bậc thềm thứ hai thì dọn gì, khi nước “bò” tới bậc thềm thứ năm thì mọi thứ phải đưa lên gác. Lúc này, công đoạn dọn lụt mới thật sự hoàn tất. Và rồi, khi mùa lũ đi qua, bậc thềm là nơi hoa cúc phơi bày thanh xuân của mình một cách rực rỡ nhất. Mẹ chọn những cây cho hoa to, để rải rác trên những bậc thềm. Hoa nhà trồng, là công sức đóng góp của cả nhà, nên ai cũng hào hứng với hoa. Tưới nước cho hoa, chụp hình bên hoa, chuyện trò bên hoa… 

Sau lũ mẹ tôi sẽ trồng hoa cho tết (Ảnh minh họa)
Sau lũ mẹ tôi sẽ trồng hoa cho tết (Ảnh minh họa)

 

Bây giờ là tháng Mười âm lịch, lại văng vẳng bên tai tôi chương trình dự báo thời tiết “Áp thấp nhiệt đới có thể mạnh lên thành bão, gây mưa lũ khắp miền Trung”. 

“Kiểu này, thể nào lụt cũng ghé nhà”, tôi nghĩ. Nhưng tôi không quá lo lắng vì người vùng lũ đã quen với sự có mặt của lũ, và biết cách đối phó. Dù vậy, cơn lũ nào đi qua, tôi cũng muốn biết lũ năm nay to hay nhỏ, lũ ngấp nghé bậc thềm thứ mấy. Đặc biệt rất muốn biết đó có phải là cơn lũ cuối cùng trong năm hay không. Là bởi vì sau cơn lũ cuối, mẹ bắt đầu gieo giống hoa cúc vàng. Nhưng bốn mùa xuân rồi, mẹ đã đi xa. Hoa cúc vẫn rực rỡ trên những bậc thềm mỗi khi tết đến xuân về. Kể từ đó, mỗi mùa xuân sang, tôi lại càng nhớ mẹ da diết. 

Khánh Thi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI