Thương sao đàn bà vùng lũ

18/10/2021 - 16:00

PNO - Càng nguy khó, phụ nữ sẽ càng bền bỉ, bản lĩnh, dịu dàng… Chính vẻ đẹp nữ tính của những người đàn bà vùng lũ đã mang đến những điều bình an.

 

Khi mẹ biết lo xa

Có trực tiếp đến tận nơi, nhìn cảnh tượng ngổn ngang của xóm làng, nhà cửa sau lũ, tôi mới có đủ thông tin để phản bác lại mẹ tôi. Lấm lem, cơ cực đến thế này, vậy mà mỗi lần mưa lớn, tôi gọi điện là mẹ cứ nói "không sao, cả nhà không sao". Chắc phải chờ đến lúc trôi hết đồ đạc, trâu nghé thì mẹ tôi mới "có sao"?

À, mà cần gì giả thiết, mùa lũ năm ngoái, đàn trâu nhà tôi cũng đã trôi lạc, đi mất mấy ngày mới tìm lại được. Ba con trâu đã bơi vượt sông, sang làng bên tránh nước.

Làng bên mặc dù cũng ven sông nhưng địa hình lại không thấp trũng giống làng tôi. Ở đó còn có con đường Hồ Chí Minh chạy song song, nên cứ mùa nước lớn, bà con có bao nhiêu tủ bàn, tài sản quý là cứ mang trưng hết lên mặt đường. Mấy con trâu nhà tôi cũng khôn, ngày em trai tôi được người dân địa phương báo qua đón về, chúng còn nhởn nhơ gặm cỏ ven lề đường như chưa từng có chuyện gì xảy ra.

Đợt đó, tôi là người khóc nhiều nhất. Một phần vì ở xa không nắm rõ tình hình, phần khác tôi là chị cả nên hiểu rõ được nỗi vất vả cơ cực của bố mẹ hơn các em. Với bố mẹ, đàn trâu là tài sản lớn nhất của gia đình. Nếu chị em tôi và bố bất an lo lắng bao nhiêu thì mẹ lại bình tĩnh bấy nhiêu.

Mẹ đưa ảnh chụp mấy con trâu cho mấy người cháu làm công an xã, nhờ họ tìm cách đăng lên Fanpage của địa phương. Mạng xã hội lập tức phát huy tác dụng, chỉ mấy tiếng sau chúng tôi nhận được tin vui, cả nhà thở phào.

Mẹ tôi luôn kê đặt mọi thứ lên cao, nên nước rút lúa má vẫn an toàn
Mẹ tôi luôn kê đặt mọi thứ lên cao, nên nước rút thóc lúa vẫn an toàn

Tôi không biết trong nhà ai là người có nhiều kinh nghiệm phòng tránh lũ hơn. Nhưng rõ ràng, mẹ tôi luôn là người lạc quan nhất. Mẹ bảo, làm dâu, làm con lớn lên ở vùng sông nước thì phải biết tích cốc phòng cơ. Nhà nông làm lụng quanh năm cũng quẩn quanh hai thứ, trồng trọt và chăn nuôi. Trồng trọt thì có lúa, ngô, đậu…

Vào mùa, thu hoạch tới đâu thì phơi phóng, sàng sẩy đến đó, rồi dựng giàn thật cao và kiên cố, ràng rịt, cất đặt ngay trước khi mùa mưa xuống.

Còn chăn nuôi thì cũng mấy con heo, gà vịt, chó mèo... Con nào lớn thì mang đi chỗ cao gửi nhờ. Những gia cầm nhỏ thì bắt nhốt vào lồng, vào cũi, kê bàn ghế, tủ sập rồi chất lên cao.

Mấy tháng mùa lũ, trong nhà phải luôn trữ sẵn gạo, mì tôm, nước mắm, cá khô, dầu ăn... Xưa còn nghèo thì giú tro bếp, bện rơm khô để nhen lửa, bây giờ hiện đại thì chỉ cần thủ sẵn cái bếp ga mini với mấy bình ga nhỏ, kèm tá bật lửa, xô nước ngọt là xong.

"Mùa lũ năm ngoái, mẹ thấy mọi người than van, chia sẻ, kêu cứu rào rào trên mạng, nhưng thực tế nếu chuẩn bị kĩ thì cũng không đến mức ấy. Chẳng ai tài giỏi gì khi đối mặt với thiên tai, nhưng nếu chịu khó đầu tư tâm sức để biết lo xa và chủ động thì sẽ giảm thiểu được mất mát. Lũ lụt, thất thế là coi như xong!", tôi nghe mẹ dặn dò.

Trong con nước lớn vẫn mang yêu thương đến cho mọi người ( Ảnh minh họa)
Trong con nước lớn vẫn mang yêu thương đến cho mọi người - Ảnh do Nguyễn Anh Thành chụp vào mùa lũ năm 2020 tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên - Huế

“Để thời gian lo cho người khác”

Trong khi nhà tôi ở rốn lũ, thì nhà cậu và dì tôi lại ở vùng cao. Hệt như tôi, khi càng ở xa thì mọi người càng sốt sắng. Ngay hôm đầu tiên nước ngập nhà, dì gọi cho mẹ tôi không được nên đã gọi ngược vào Huế cho tôi.

Dì bảo: “Dì nấu sẵn cơm đây rồi, rau dưa, thịt cá có đủ cả. Mà dì nấu hẳn mấy phần để mẹ đem cho qua nhà bác Duyên, bác Thìn hàng xóm nữa. Nếu con điện được cho mẹ thì nói mẹ nhờ người đi ghe ra cổng làng lấy cơm. Càng mưa lũ càng phải ăn uống tẩm bổ, cho có sức mà xoay xở, chống chọi”.

Tôi chỉ nghe qua giọng cũng đủ biết dì tất tả không kém gì mẹ tôi đang bận rộn ở nhà. Dì hết nấu cơm cho mẹ, lại quay sang lo liệu cho căn bếp chung của xóm làng.

Và năm nào cũng thế, hễ mùa lũ đến, thì cũng như dì, các chị em thuộc phân, chi hội phụ nữ của các thôn xóm, làng xã lại tất bật các đầu việc từ thiện. Người gom gạo, tiền, mắm muối; người phụ trách chợ búa; người nổi lửa; người kết nối giao cơm. Ai mạnh mảng gì lo mảng nấy, quay như chong chóng cả ngày.

Dì kể với tôi: “Mấy ngày nay, dượng và các em ở nhà dì cho ăn mì tôm trừ bữa hết, để thời gian lo cho bà con. Mình khỏe mạnh, khô ráo sao cũng được. Chứ người vùng lũ cũng như tre, như gỗ, nước ngâm mấy ngày, ăn uống qua loa có mà rệu rã hết, tội lắm con ơi”.

Đối với người miền Trung, đợt lũ năm ngoái là đợt lũ lịch sử có một không hai. Nước không những luôn duy trì ở mực cao mà còn ập vào nhà bất ngờ, ra vào ba bốn đợt, khiến hầu hết người dân ở vùng rốn lũ đều kiệt sức. Và càng trong nguy khó, tình người càng được bừng lên. Bằng lòng trắc ẩn, yêu thương đầy bản năng của mình, những người phụ nữ ở khắp nơi trên mọi miền đất nước đã “nhấn nút” khởi động, khởi xướng hàng ngàn, hàng vạn công trình phần việc từ thiện tử tế, hướng về khúc ruột miền Trung.

Những chị em mà tôi biết, và cả chưa biết, càng những lúc nguy khó, hình như họ sẽ càng bản lĩnh, dịu dàng… Chính vẻ đẹp nữ tính của họ đã giúp giữ lại, mang đến những điều bình an.

Một mùa mưa lũ lại đến, mấy ngày qua, nhiều nơi ở Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam lại ngập nặng. Đã có những tài sản bị mất mát, đã có người bị mất tích, tôi ở đây kể câu chuyện mùa lũ năm trước ở nhà mình với mong muốn phần nào truyền tải nguồn năng lượng tích cực cũng như những kinh nghiệm cần thiết để mỗi người, mỗi gia đình thêm bình tĩnh, vững vàng, sẵn sàng đón đầu và đương đầu với những khó khăn trong mùa nước lớn.

Mong một mùa lũ bình an và vẹn yêu thương!

                                                                                               Diệu Thông

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI