Hai giờ cật lực tìm mẹ

23/11/2021 - 05:52

PNO - Hai giờ cật lực tìm hiểu mẹ, tôi mới chạm đến mẹ ở vùng hiu quạnh, cô độc nhất và hiểu các con đã quăng vào mẹ những vết đau thế nào.

Sau chuyến công tác, vợ chồng tôi vừa về đến cửa ngõ TP.HCM thì anh rể chồng gọi điện cho chồng. Anh hỏi: “Em có gọi được cho mẹ không?”. “Dạ không, em không gọi mẹ!”. “Mẹ đi đâu mà nhà khóa cửa, 10 giờ liền không online, anh gọi quá trời mà không được!”.

Chồng tôi hỏi lại vài câu để loại trừ khả năng mẹ đi chơi đâu đó. Nhưng đáp lại, anh rể quả quyết: Xe máy mẹ để trong nhà, cả ngày nay hàng xóm không thấy mẹ, mẹ cũng không quen ai để đi đâu cả. Chỉ có điều, cửa không thể mở, do anh chị không có chìa khóa.

Chồng tôi cuống quýt. Mấy năm nay mẹ chồng tôi vào sống gần nhà anh chị Hai. Tính mẹ khép kín, bà không thích đi chơi, chỉ quẩn quanh ra phụ quán cho chị rồi lại về nhà, chăm chút đời sống cá nhân. Mẹ khó có khả năng đi đâu đó chơi, nhất là khi chiếc xe máy - phương tiện duy nhất và cũng là vật bất ly thân của bà đang trong nhà. 

Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK
Ảnh mang tính minh họa - SHUTTERSTOCK

 

Chồng tôi lật đật gọi hủy hẹn công việc. Anh gọi điện cho anh Ba. Anh Ba không bắt máy. Chồng vừa lái xe, vừa để lại tin nhắn thoại: “Anh Ba gọi gấp lại cho em”. Dẫu vẫn lái xe và nói chuyện bình thường, nhưng tôi biết anh đang hoảng sợ. 

Xe chạy tốc độ tối đa. Tôi thấy chồng gọi điện cho từng người dì, hỏi chung một câu: “Dì có gọi cho mẹ con không?”. Hết thảy đều trả lời không. Giọng anh càng lúc càng lạc đi trong những cuộc điện thoại chớp nhoáng. Sau chừng năm cuộc điện thoại với tất cả họ hàng trong thành phố để tìm mẹ, câu trả lời vẫn là “không”. 

Sau cuộc gọi cuối, chồng mới nói chuyện với tôi: “Cách đây ba ngày mẹ có gọi cho anh. Bữa đó sáng sớm, mẹ gọi vừa khóc vừa kể chuyện mẹ giận chị Hai”. 

Tôi hỏi dồn theo phản xạ trước một thông tin mới: “Rồi sau đó anh còn nói chuyện với mẹ lần nào nữa không”. “Không, đó là lần cuối”, giọng chồng nghẹn lại.

Mẹ chồng tôi rất hay giận chị Hai, mỗi lần giận mẹ lại gọi kể cho vợ chồng tôi để nguôi bớt. Có lẽ đã quá quen với những lần giận hờn của mẹ, lại bận đi công tác, chồng tôi không gọi lại hỏi thăm lần nào suốt ba ngày sau đó.

Lúc này, tất cả những chi tiết cuối cùng về mẹ quay cuồng trong đầu tôi, tạo ra một viễn cảnh rùng rợn. Tôi cố không bật ra những dự đoán, nhưng chồng tôi vẫn buột miệng: “Anh sợ mẹ nghĩ quẩn rồi”. Anh phóng xe như bay. Tôi nghe tiếng phố phường vùn vụt một thanh âm inh tai, nhức óc.

Đến nơi, chồng tôi quýnh quáng mở cửa bằng chiếc chìa khóa sơ cua duy nhất mẹ chọn trao cho anh. Anh xông vào nhà, mở hết các phòng rồi lao lên gác. Chỉ sau mấy mươi giây, anh thẫn thờ bước xuống, nói như thở phào: “Không có!”. 

Vậy là tình huống xấu nhất mà chúng tôi nghĩ tới đã có thể loại bỏ. Có thể mẹ đang đi chơi đâu đó.

Trong khi chồng tôi kiểm tra các chi tiết để đoán xem mẹ đi khỏi nhà từ lúc nào, thì tôi nhìn thấy chiếc điện thoại mẹ để trên giường. Đó là chiếc điện thoại cảm ứng mẹ dùng để lướt mạng và ít khi mang theo người. Tôi lập tức mở điện thoại, xâm phạm tin nhắn của mẹ để tìm manh mối.

Tôi lướt một dọc các nick chat. Hầu hết là những người bạn cũ của mẹ ở quê. T. - một người đàn ông mẹ từng bầu bạn khi còn hay về quê, cũng vừa gửi tin nhắn đến cách đây vài giờ. Tôi mở ra xem, thấy một chuỗi dài tin nhắn một chiều.

Người đàn ông đó nói nhớ mẹ, hỏi thăm nhiều thứ, rồi nổi giận, khích bác khi mẹ không trả lời. Tôi kéo xem tin nhắn cuối cùng mẹ còn tương tác với ông ấy, cách đây hai ngày, mẹ chỉ trả lời ba chữ: “Đừng làm phiền”. 

Tôi mở xem từng tin nhắn để xem lần cuối cùng mẹ còn trò chuyện với ai đó là vào lúc nào, có nhắc gì đến một chuyến đi nào đó không. Nhưng tuyệt nhiên không có. Phần lớn là tin nhắn mẹ nhắn về quê, hỏi thăm người này người kia.

Phần còn lại là những đoạn chat với các cửa hàng online, mẹ nhắn hỏi mua những vật dụng thiết yếu. Tất cả cuộc trò chuyện đều từ ba ngày trước trở đi, mẹ hỏi mua hàng rất lịch sự và kiên nhẫn. Tôi hình dung cảnh mẹ ngồi góc nhà, mắt đeo cặp kiếng lão, gõ từng ký tự trên màn hình cảm ứng để bấm những chữ “dạ/thưa” chuẩn chỉnh như cách nói năng của người lớn, bỗng dưng tôi chảy nước mắt.

Từ ngoài hiên, chồng tôi nói như reo: “Mẹ gọi lại rồi!”. Anh vừa nối được liên lạc với mẹ. Mẹ đang trên xe từ Cần Giờ về. Mẹ theo một người bạn cùng tập dưỡng sinh bắt xe xuống một nơi nghỉ dưỡng chơi hai ngày nay. Vì đang trên đường về, lại say xe nên mẹ để điện thoại trong giỏ, giờ mới mở ra xem.

Tôi thở phào. Lúc đó tôi cũng mở đến đoạn chat giữa mẹ với chị Hai. Một đoạn chat đầy căng thẳng, dường như chị Hai đang trút hết nỗi ấm ức lên mẹ sau cuộc cãi nhau ba ngày trước. Thật may là tôi đọc tin nhắn ấy khi đã kết nối được với mẹ. 

Mẹ đòi gặp tôi. Trong điện thoại, mẹ hớn hở giả lả như sợ con dâu phiền lòng: “Mẹ đi chơi vui lắm, mà say xe quá nên mẹ cất điện thoại. Mẹ tưởng hai đứa bây đi công tác hết hôm nay mới về mà!”.

Tôi bật khóc như đứa trẻ. Tôi muốn nói cảm ơn mẹ, cảm ơn vì mẹ đã “biến mất” để những đứa con nếm mùi mất mẹ. Hai giờ đồng hồ vừa qua thật nhớ đời với đám con thờ ơ, vô tâm. 

Chúng tôi hỏi khắp nơi nhưng không biết mẹ đi đâu, với ai (Ảnh minh họa)
Hai giờ mẹ mất tích thật quý giá với những đứa con vô tâm  (Ảnh minh họa)

Hai giờ cật lực tìm hiểu mẹ, tôi mới chạm đến mẹ ở vùng hiu quạnh, cô độc nhất. Hai giờ đó, là cơ hội không bao giờ có lại, để tôi hiểu từng lần giận dỗi, xung đột rất thường tình với các con đã quăng vào đời mẹ những vết đau thế nào.

Tôi chợt rùng mình trong làn nước mắt, nghĩ, nếu không có hai giờ tai quái này, có khi đến lúc mất mẹ thật rồi, chúng tôi mới cuống cuồng, mới cật lực và nhiệt tâm đến thế, trong việc tìm - hiểu - mẹ. 

Thanh Tân

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI