Em hư, chị đi lấy chồng mà không yên

08/08/2018 - 09:00

PNO - Tôi đi lấy chồng mới hiểu và thầm khen chị khéo léo, không bỏ rơi đàn em. Càng cảm phục hơn nữa khi chị quá lo cho bên ngoại mà anh rể vẫn thông cảm.

Tình cảm rạn nứt, ba mẹ tôi mỗi người mỗi nơi. Mẹ ra Bắc làm ăn cùng mấy người bạn, ba cũng vào Nam tìm đường mưu sinh. Bốn chị em tôi nương tựa vào nhau, dưới sự điều khiển của chị Linh.

Em hu, chi di lay chong ma khong yen
Gia đình chia đôi, chúng tôi buồn lắm. Hình minh họa

Ngày ấy, chị mới học lớp chín. Con gái nhà quê vốn đảm đang, lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, nên trông chị già dặn hơn so với bạn bè cùng trang lứa. Chị biết quán xuyến gia đình. Chị đi chợ, nấu ăn, giặt giũ, trông nom, chỉ bảo, nhắc nhở chuyện học hành cho các em.

Mỗi tháng, nhận tiền ba mẹ gửi, chị trang trải số tiền ấy một cách vừa vặn. Những lúc thâm hụt vì các khoản phát sinh, chị bắt mấy con gà ra chợ bán kiếm tiền, mà không làm phiền ba mẹ. Có lẽ ba mẹ hay cãi nhau vì tiền, nên chị Linh không dám đề cập chuyện nhạy cảm ấy.

Đến ngày ba mẹ ly hôn, ngôi nhà bán đi, tôi và thằng em út về sống đằng ngoại, cũng là lúc chị thi rớt đại học, ba về dẫn chị và em trai kế của tôi vào Nam sống.

Những ngày đầu xa chị, chúng tôi buồn lắm. Chị thường xuyên gọi điện thoại nhắc nhở chúng tôi học hành, nghe lời ngoại.

Buồn vì hoàn cảnh, chúng tôi học hành chểnh mảng, rồi sau đó cũng được ba đón vào Nam. Ở đây, một lần nữa chị vất vả vì gia đình. Chị vừa đi học nghề, vừa làm thêm phụ giúp ba, tối mắt tối mũi vì cơm nước, giặt giũ.

Hai đứa em trai tôi dù được ba lo học hành tới hết đại học, cũng trở nên hư đốn, chúng lông bông không có việc làm ổn định, thường xuyên tụ tập bạn bè để phá phách, tiêu tốn tiền bạc. Tôi thấy chị khóc hoài.

Chị đi lấy chồng, hai đứa em trai vẫn làm khó chị, thỉnh thoảng tìm đến chị xin tiền. Những lúc túng bấn, chúng gọi cả anh rể để vay tiền. Ba tôi bảo vì anh chị chiều em, nên tiếp tay cho em hư.

Em hu, chi di lay chong ma khong yen
Em hư, tôi thấy chị khóc hoài. Hình minh họa

Chị nói, chị không thể bỏ rơi những lúc các em cần. Chị sợ những lúc quẫn bách, các em làm liều, gây hậu quả xấu. Chị giúp chúng nhưng luôn "giảng bài" để các em hiểu thêm về những nhọc nhằn của ba mẹ, về những vất vả của việc kiếm tiền. 

Nhưng gánh nặng càng chồng lên vai chị khi ba tôi bị bệnh hiểm nghèo. Những ngày này, chị chạy đôn chạy đáo vào bệnh viện, chạy tiền chữa bệnh cho ba, đến nỗi chúng tôi ngại ngùng vì gia đình tôi làm phiền anh rể quá nhiều.

Chị nói: "Ba đứa không lo chăm ba, sau này ba chết đi, đâu còn cơ hội làm gì cho bà cười vui". Câu nói như lời nhắn gửi, làm chúng tôi phải nghĩ suy thật nhiều. 

Em hu, chi di lay chong ma khong yen
Chị lo lắng cho ba mẹ và các em, mà vẫn được chồng thông cảm. Hình minh họa

Tôi đi lấy chồng. Giữa núi việc gia đình, công ty, các mối quan hệ nội ngoại rối tung, tôi càng cảm phục chị sự khéo léo. Chị sắp xếp thật giọi để vẫn lo được cho gia đình, không bỏ rơi các em, và quan trọng là chồng vẫn thông cảm, trong khi kinh tế và thời gian còn eo hẹp. 

Sau thời gian bôn ba đất Bắc mẹ cũng về quê ngoại, nhưng bà đau ốm suốt. Ba tôi sau đó bệnh viện trả về và ông mất trên tay chị. Ngày làm tang ma cha, chị gọi chúng tôi lại, tha thiết kêu gọi hai em trai học nghề sửa xe máy, vạch kế hoạch sau này chị và anh rể sẽ hỗ trợ mở tiệm ngay nhà chị. 

Hai em tôi nay đã biết nghĩ hơn, chúng vừa học vừa làm, được chủ bao ăn và trả tiền công. Cú sốc mất cha cũng khiến chúng nghĩ nhiều hơn về gia đình và cuộc sống của mình và biết thương chị. Tôi tin rằng rồi sẽ có lúc chị được mỉm cười vì chúng.

Mai Khê

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI