Chuyện một người yêu đất, hiểu cây

18/07/2022 - 09:56

PNO - Chị tôi đúng là một nông dân phố thị thứ thiệt. Chị yêu đất, hiểu cây, luôn xem sức khỏe là thứ tài sản quý giá hơn vàng.

Gia đình chị Lê Thị Huyền ở Hà Nội, từ khi tậu được mảnh vườn rộng, cứ đôi ba tháng, vợ chồng chị lại đóng thùng rau trái gửi xe về Huế cho chúng tôi.
Nhìn thùng ổi anh chị gửi vào, cả nhà xuýt xoa. “Ổi này là ổi sạch, lại hái đúng dịp nên chắc chắn ngon”, bằng kinh nghiệm của mình, ba tôi khẳng định như vậy.

Vì là khu vườn “thập cẩm” nên hàng gửi vào rất phong phú. Không loại nào giống loại nào, hoặc dù cùng một loại thì cũng trái to, trái nhỏ khác nhau. Hè năm ngoái là nhãn lồng, mùa xuân vừa rồi là cà rốt, su hào, tháng trước là chanh, bây giờ là ổi.

Là những người ăn chay trường, anh chị tôi không những dành mối quan tâm đặc biệt cho sức khỏe mà còn luôn có ý thức bảo vệ môi trường. Vào những dịp chị về thăm nhà, tôi không ít lần mắt tròn mắt dẹt ngạc nhiên, chị tôi từ chợ trở về, trên tay là những chiếc bắp cải và bó rau “để trần”. Chị muốn cầm chúng bằng tay hơn sử dụng thêm một chiếc túi ni-lông. Chị bảo, nhà chị rất hiếm đồ ni-lông, đồ nhựa. Chị luôn ưu tiên sử dụng chất liệu thân thiện với môi trường, đồ tái chế, những đồ gia dụng tiết kiệm điện năng.

Chiều nào chị Lê Thị Huyền cũng có mặt ở vườn để thăm nom cây cối
Chiều nào chị Lê Thị Huyền cũng có mặt ở vườn để thăm nom cây cối

 

Ngoài kem đánh răng và nước giặt sinh học, gia đình chị không sử dụng thêm bất kỳ loại chất tẩy rửa nào. “Cũng như không khí, đất và nguồn nước đều sẽ bị nhiễm độc nếu chúng ta mỗi ngày đổ xuống quá nhiều hóa chất”, chị bảo. 

Từ tâm lý đó, việc trồng trọt và chăm sóc cây trồng của chị cũng hoàn toàn thuận tự nhiên. Với diện tích gần 1.000m2, mảnh vườn của anh chị từ khi mua đã sẵn nhiều giống cây ăn quả lâu năm như ổi, bưởi, mít, nhãn, cam, xoài… Bên cạnh đó cũng có những dải đất tơi xốp dành cho việc trồng các loại rau ngắn ngày, thu hoạch theo mùa vụ. Mùa hè này, khu vườn có rau bí, rau lang, cần tây, rau muống, càng cua và các loại rau mùi khác như rau quế, tía tô, bạc hà, diếp cá…

Chị kể: “Nói là rau ngắn ngày, nhưng cần tây chị trồng phải ba tháng mới thu hoạch. Rau có mùi thơm rất đậm. Hay như cây tía tô, nếu mình mua ngoài chợ, vì được bơm thuốc nên lá sẽ rất to, khi ăn có vị hăng và đắng. Nhưng tía tô nhà chị trồng lá lại nhỏ và thơm, ăn sống có vị ngọt hậu rất dễ chịu”.

Nhìn những bức ảnh chị gửi qua Zalo, tôi thắc mắc sao chị không phát bớt cỏ đi, mảnh vườn rậm rạp quá sẽ tạo điều kiện cho các loài sâu bọ, rắn rết sinh sôi. Cỏ tốt cũng sẽ hút hết chất dinh dưỡng khiến các cây lớn còi cọc, khó ra hoa kết quả.

Chị trả lời, chị đã tìm hiểu và quan sát thực tế, thực ra cỏ chỉ bám cạn vào lớp đất phía trên bề mặt, còn những cây lâu năm như ổi, bưởi, mít… rễ sẽ ăn sâu xuống đất để hút nước và chất dinh dưỡng. Cỏ không thể làm hại cây ăn quả. Ngược lại, chúng còn tạo nên một mái nhà xanh cho nhiều loài sinh vật nhỏ sinh sống. Ở đó sẽ có các loại giun, dế giúp mình xới đất miễn phí, có các loại bọ cánh cứng giúp mình diệt sâu bọ ở vườn rau. Mà sâu cũng không ăn các loài rau có mùi và tinh dầu. Sâu chỉ thích bắp cải, và các loài rau cuốn lá khác.

Khi khu vườn đậm màu xanh, chim chóc, ong bướm khắp nơi cũng rủ nhau về làm tổ. Khu vườn lúc đó không chỉ là một địa chỉ cung cấp rau xanh, trái ngọt mà còn trở thành nơi lui tới, giải tỏa căng thẳng của người trong gia đình.

Vườn cách nhà khoảng 1km, nên mỗi ngày, sau giờ tan làm và tan học, chị và hai con trai sẽ cùng nhau đạp xe đạp về vườn. Mẹ con hái rau đào củ cho bữa tối, nhân tiện bắt bớt sâu và ốc sên, cùng nghe chim hót, hít thở không khí trong lành, giúp cân bằng năng lượng sau những giờ vội vã, mệt nhoài. 

Các cháu rất vui thích khi được chạy nhảy, hít thở không khí trong lành dưới những vòm cây
Các cháu rất vui thích khi được chạy nhảy, hít thở không khí trong lành dưới những vòm cây

 

Anh chị tôi mua được mảnh vườn này vào thời điểm Hà Nội bị dịch COVID-19. Ở xa, bố mẹ và chúng tôi rất lo. Thế nhưng, khi nghe anh chị kể về cách ăn uống, sinh hoạt, chúng tôi cũng yên tâm phần nào. Mảnh vườn cung cấp rau xanh, trái quả sạch mang lại cho gia đình những bữa ăn lành mạnh. Sau giờ học online, các cháu cũng không bị cách ly kín mít trong bốn bức tường mà theo bố mẹ ra vườn để trồng trọt, ngắm nghía, dưỡng sinh.

Mùa hè năm nay, tôi hỏi chị: “Ở Huế ve đã kêu, báo hiệu mùa bưởi về. Bưởi vườn anh chị sai quả không?”.

“Được năm quả thôi. Những vườn xung quanh người ta bơm thuốc kích thích thì ra quả trĩu trịt, còn vườn nhà chị ít lắm. Mấy mùa trước, mảnh vườn này vẫn là của chủ cũ, người ta cũng chăm sóc theo hướng sử dụng hóa chất nên hình như cây vẫn đang ỷ lại, chờ đợi thuốc. Từ nay, nếu không có thuốc, bản thân cây sẽ biết cách… tự vận động thôi. Chị tin mùa sau, mùa sau nữa cây sẽ sai quả”.

Cuộc trò chuyện tạm dừng, tôi ngẫm nghĩ, chị tôi đúng là một nông dân phố thị thứ thiệt. Chị yêu đất, hiểu cây, luôn xem sức khỏe là thứ tài sản quý giá hơn vàng. Chả thế mà ổi chị gửi vào giòn rụm, ngọt mát, chuẩn “vị tuổi thơ”. Lâu lắm rồi tôi mới được ăn lại những trái ổi ngon như thế. 

Minh Thi

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI