Đôi mắt lòa “dẫn lối”

17/08/2021 - 16:14

PNO - Nhà nghèo, các con bà Chanh dấm dớ nhưng cũng lấy được vợ. Chỉ có điều không đứa nào may mắn có được một gia đình trọn vẹn cả

Bà lão Nguyễn Thị Chanh thật lạ, trong câu chuyện về cuộc đời khốn khó mà bà kể tôi nghe, không một lần thấy bà oán thán số phận.

Tôi cũng chưa gặp một ai nói về sự nghèo khó, hẩm hiu của mình bằng giọng lạc quan, có phần “tưng tửng” như bà. Cũng lạ nữa là bao nhiêu năm nay, bà lão khiếm thị, ông chồng cùng đàn con ngớ ngẩn đã và đang sống bằng chính sức lao động của mình, chưa một lần họ ngửa tay trông chờ sự giúp đỡ từ người khác.

Lấy vì thương cảnh mồ côi

Hải Phòng vẫn đang siết các hoạt động du lịch để phòng, chống dịch COVID-19. Trong ngôi nhà nhỏ ở xã Đoàn Xá, H.Kiến Thụy, TP.Hải Phòng, đôi vợ chồng U70 Nguyễn Thị Chanh, Bùi Văn Ngóng cùng lắng tai nghe các thông tin dịch bệnh qua chiếc radio bé như bàn tay.

Bà Chanh vừa nghe vừa bình luận, bà còn kể chuyện bên H.Vĩnh Bảo dịch đang căng lắm. Những ngày này, để mấy người con, cháu “không thật người cho lắm” hạn chế đi lang thang ngoài đường; với ông bà, cũng thực sự nhọc.

Ông Ngóng hênh hếch mặt, đầu sùm sụp mũ lưỡi trai, cả khi nghe đài lẫn khi nghe bà Chanh nói chuyện với khách, ông đều tỏ vẻ chăm chú lắm. 

Tôi hỏi: “Bà vất vả thế, ông có thương bà không?”. Ông Ngóng thủng thẳng: “Thương. Nhưng chả biết làm gì”.

Bà nhìn ông cười: “Bố con ông ấy có tự làm được cái gì đâu, nên tôi mù dở thế này mà vẫn phải ra đồng đấy, để còn “chỉ đạo” mà, nhà tôi cấy gần mẫu ruộng đấy. Cơm chỉ có rau có lạc thôi, cũng thiếu thốn đủ thứ, nhưng được cái chưa bao giờ ngửa tay xin xỏ ai cái gì”.

Nhắc chuyện ngày xưa, giọng bà Chanh vẫn nhẹ, đều như hơi thở: bà là con thứ tư trong gia đình có chín anh chị em. Những năm tháng đói nghèo, lạc hậu, chín đứa trẻ chưa kịp khôn ngoan thì đã mất bốn đứa.

Cái ngày bà Chanh bị bệnh đậu mùa, bố mẹ bà chẳng nghĩ được là con mình lại thoát chết, rồi thành ra mù dở thế. Lúc đó một mắt của bà kéo màng, căng mắt ra cũng chỉ lờ mờ nhìn thấy bóng người hay đồ vật, còn một mắt kia thì mù hẳn.

Khó khăn vẫn luôn thường trực, song cuộc sống của gia đình bà Chanh, ông Ngóng chưa bao giờ vơi bớt tiếng cười và sự lạc quan
Khó khăn vẫn luôn thường trực, song cuộc sống của gia đình bà Chanh, ông Ngóng chưa bao giờ vơi bớt tiếng cười và sự lạc quan

Năm bà Chanh gần 30 tuổi, bố mẹ bà có ý gả con gái cho một thanh niên tên là Bùi Văn Ngóng, “cám để chốc vung” thế thôi chứ hiền lành thật thà và chịu khó làm ăn lắm. Song bà không chịu. Bà cũng chẳng giấu việc ngày đó bà phải lòng một người đàn ông cùng làng suốt mấy năm trời, đến độ bà chấp nhận lấy người đó, dẫu có phải làm phận lẽ:

“Thoạt đầu, tôi nói với thầy u là không lấy cái nhà ông Ngóng này. Nhưng thầy u tôi bảo, thôi con ạ, mắt mũi như thế, đi làm dâu con người ta, nhỡ người ta đánh người ta chửi. Mày lấy nó hiền lành, tao làm nhà làm cửa cho…”.

Bà Chanh vẫn không muốn lấy ông Ngóng. Nhưng khi biết ông Ngóng vô gia cư, còn bé đã theo chị từ Thái Bình sang Hải Phòng đi ăn xin, rồi lang thang khắp nơi làm mướn thì bà lại thương.

Bà tự nhủ, thôi thì người ta tứ cố vô thân, cũng tủi khổ trăm đường, về ở với nhau thì cái đầu óc nhanh nhẹn của bà sẽ bù cho người đàn ông tư duy chậm chạp kia, còn ông ấy thì làm đôi mắt cho bà.

Ông Ngóng ở rể, vì “ông ấy chỉ biết quê mình ở Thái Bình. Với lại, bố mẹ và anh chị em thương tôi đui mù, nên muốn ở gần để có gì máu mủ ruột rà nương tựa vào nhau” - bà Chanh tâm sự. 

Ngày ông Ngóng về ở rể, bà từ trong nhà căng mắt nhìn ra sân, thấy một bóng người nhỏ thó, không có lấy một manh áo, trên người chỉ có độc chiếc quần đùi rách.

Ông Ngóng cứ đứng ngoài sân, giữa trưa nắng chang chang. Bố bà phải ra bảo vào nhà uống nước, ông mới theo vào. Ông bố vợ cho con rể mượn bộ quần áo loang lổ những miếng vá. Tiệc cưới chỉ dăm mâm cơm rau dưa mời anh em ruột để “chúc phúc cho chúng nó nên vợ nên chồng”.

Luôn lạc quan để sống

Thương con gái mù lòa, con rể ngớ ngẩn, bố mẹ bà hô hào các con lấp cái ao ven cánh đồng rồi dựng cho họ một ngôi nhà nhỏ. Bà Chanh vay tiền mua trâu về nhờ anh em hướng dẫn chồng đi cày, cày xong vợ chồng kéo nhau đi cấy hái.

Bà biết chồng tính ương dở, chỉ bảo gì làm nấy nên bà phải sai chồng từ những việc đơn giản như lấy rơm về lót chuồng lợn, bện lại cái ổ cho con gà mái. Ơn trời cả hai ông bà ít ốm đau. “Chứ mà đau ốm, bệnh tật, lại không có tiền chữa trị, có khi xanh cỏ rồi ấy cô nhỉ” - bà Chanh hóm hỉnh.

Rồi những đứa con của họ lần lượt chào đời. Cậy, Cành, Chiến đều sinh ra và lớn lên khỏe mạnh, không biết ốm đau là gì. Nhưng chẳng rõ có phải ông trời thử thách nghị lực của bà không, mà cả ba đứa con đều mang “trí tuệ” của bố, đứa nào cũng hâm hấp, ngây ngô.

Gánh cả trên vai gia đình dở dại, làng xã ai ai cũng biết mình bà phải lo toan đủ mọi chuyện lớn nhỏ trong nhà ngoài ngõ. “Được cái chúng nó khỏe mạnh, chịu khó làm lụng, mẹ sai gì làm nấy, chẳng cãi lại bao giờ. Trong nhà này tôi cứ như tướng ấy” - bà Chanh lại cười.

Ba đứa con cứ lên sáu, bảy tuổi là bà Chanh cho ra đồng dạy cuốc đất, làm cỏ, cấy hái. Hết mùa vụ thì sai ông Ngóng dắt chúng nó theo để học cách bắt ốc, mò cua. Ông chồng và những đứa con cũng lắm phen khiến bà dở khóc dở cười.

Có vụ mùa cả nhà đi gặt, bà dặn: “Bố con ông tiếp tục gặt rồi về sau nhé, tôi mệt quá về trước nấu cơm đây”. Lúc bà dò dẫm cài lại cửa chuồng gà, thì bố con ông Ngóng về, không thấy lúa, cái xe bò đi mượn cũng chẳng thấy đâu. Bà hỏi thì bố con ông bảo: “Bà có dặn là mang lúa về đâu”.

Lần khác bà sai mấy bố con đi tát nước vào ruộng lúa. Bà ngồi chờ cơm mãi mà không thấy họ về, đến quá trưa rồi thì có người hớt hải ngoài cổng, rằng mấy bố con ông ấy tát nước cho cả nhà hàng xóm rồi.

Bà dò dẫm ra ruộng, sờ tay xuống bờ con lươn thì thấy nước cứ thế tràn sang nhà hàng xóm. Bà kêu ầm lên, thấy giọng bà to quá, ông nghệt mặt: “Bà có dặn là nước tràn bờ ruộng thì về đâu”.

Thế là mặc dù ông chồng và những đứa con của bà chăm chỉ làm ăn, nhưng làm gì bà cũng phải dặn dò kỹ càng xem làm thế nào, làm cái gì, trong bao lâu… Bà vẫn hóm hỉnh: “Đến mức ông ấy nấu cơm mà tôi phải phụ trách đong gạo cơ mà. Chứ để ông ấy đong thì cả hàng xóm ăn cũng chả hết được”.

Vợ chồng, con cái và đứa cháu của bà vẫn sống trong ngôi nhà nhỏ ngày xưa bố mẹ bà làm cho, trong nhà trống huơ trống hoác, tường vôi lở lói, phần nhiều cửa nẻo đều không có cánh.

Nhà nghèo, các con bà Chanh dấm dớ nhưng cũng lấy được vợ. Chỉ có điều không đứa nào may mắn có được một gia đình trọn vẹn cả, vì “nồi nào úp vung ấy mà”.

Ba con trai, riêng người con thứ hai lấy vợ là có cưới xin đàng hoàng, nhưng rồi được vài năm thì cô con dâu bỏ đi, để lại đứa cháu gái cho bà nuôi, học dăm năm chẳng xong lớp Một.

Bà Chanh bảo: “Cô giáo dạy không được, cô dắt đến tận nhà trả lại cho bà. Nghĩ cũng khổ, nó ngây ngô giống ông, giống bố mà. Hay mò cua bắt ốc, cùng ông bà kiếm sống, nhưng nó bướng lắm, nhiều khi đi cả ngày mới chịu về nhà”.

Rồi bà chợt nói, nửa như với khách, nửa như động viên chính mình: “Cái số tôi giời bắt thế thì biết làm thế nào. Buồn cũng chẳng giải quyết được gì, nên dù có khó khăn, khổ sở đến đâu cũng cứ phải lạc quan mà sống”.

Ngoài trời, ông Ngóng và mấy người con ngồi bên mé sân đất vặt từng cọng rau muống rồi ném lá thừa xuống vuông ao bé tẹo. Đàn vịt choai choai ào tới, khuấy bóng dừa in đáy nước, lao xao. 

Ngọc Minh Tâm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI