Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Đừng bỏ cha mẹ một mình khi họ cần bạn nhất

16/10/2020 - 05:49

PNO - Bạn không dễ “đầu hàng” con cái, sao lại có ý nghĩ bỏ cha mẹ một mình trong lúc họ cần bạn nhất?

Khoảng cách hai thế hệ luôn tồn tại, nhưng sự quan tâm và yêu thương sẽ làm cho nó ngắn lại. Nếu nói thế giới của ông bà cha mẹ khác hẳn con cái, nên sống riêng để tránh căng thẳng, thì chẳng lẽ khi con bạn chớm trưởng thành, bạn cũng sẵn sàng cho con sống một mình? Bởi lúc đó, đa số bọn trẻ có suy nghĩ và thế giới riêng. Cũng giống như bạn từng đau đầu về cha mẹ, bọn trẻ cũng cảm thấy bạn lạc hậu, cản trở sự tự do của chúng. 

Khi đó bạn làm gì? Có phải bạn luôn cố gắng hòa hợp với con, đặt mình vào chúng để hiểu, để uốn nắn? Bạn không dễ “đầu hàng” con cái, sao lại có ý nghĩ bỏ cha mẹ một mình trong lúc họ cần bạn nhất?

Việc chịu dừng lại, kiên nhẫn giúp cha mẹ thay đổi không phải là lạc hậu. Điều này cũng không hoàn toàn thể hiện bạn có hiếu. Giúp đỡ bậc sinh thành là điều tất nhiên, là xây dựng gia đình bền vững tốt đẹp, là giúp chính mình có tâm trạng tốt hơn. Một thành viên trong gia đình có cuộc sống thoải mái, cả nhà sẽ nhẹ nhõm cùng. 

Tôi nghĩ chọn giải pháp sống riêng trong khi cha mẹ thật sự cần bạn, đó không phải là văn minh mà là thất bại của bạn khi không thể dung hòa cùng họ. Bạn chưa quan tâm cha mẹ đúng mực, ít lắng nghe, ít trò chuyện. Những giải pháp lạc hậu của cha mẹ, nếu họ không nhìn ra, một phần rất lớn do con cái chỉ phản đối mà không tận tụy giúp họ thấu hiểu vấn đề. Chúng ta hiểu rằng nên làm bạn với con trẻ để giáo dục chúng, nhưng chúng ta không nghĩ đến chuyện phải làm bạn với bố mẹ để xóa bớt khoảng cách thế hệ.

Luôn chịu đựng, nghe lời cha mẹ bất kể đúng sai, đó cũng là thất bại của những đứa con trưởng thành. Bạn nghĩ mình có hiếu ư? Nếu có, đó là sự “ngu hiếu”, nó khiến bạn trì trệ, mệt mỏi, căng thẳng, thường xuyên buộc bản thân hành động ngược với ý chí. Nếu cha mẹ quen sai khiến và thống trị, họ ngày càng làm cho các thành viên khác bức bối hơn. Khi còn nhỏ, tôi từng chứng kiến bà nội thường ra lệnh cho ba tôi và các cô chú. Mọi người nhất nhất tuân theo dù bất bình, chán nản.

Đàn cháu thì khỏi phải nói, đứa nào đứa nấy luôn tìm cách tránh bà càng xa càng tốt. Về già, mang nhiều bệnh tật, bà không tin bác sĩ nhưng có thể uống bất cứ loại thuốc dân gian nào được giới thiệu bởi những người không có chút kiến thức y học. Cả nhà biết bà đi sai đường, vậy mà không ai lên tiếng can ngăn. Đến khi thím út về làm dâu, tỉ tê tâm sự, khéo léo đưa kiến thức phổ thông lồng vào các cuộc trò chuyện, bà nội dần nghe theo thím và cũng bớt hằn học. Thì ra bà đã quá cô đơn trong khi người thân càng lúc càng rời xa. Sự căng thẳng của bà một phần hình thành từ thái độ lạnh nhạt của con cháu. 

Để tránh mâu thuẫn, cả hai thế hệ đều có trách nhiệm học hỏi lẫn nhau về sự tiến bộ xã hội, về xu hướng mới cho cuộc sống. Thực tế, người trẻ cần học nhiều hơn và có trách nhiệm giúp đỡ các thế hệ trước tiếp cận với kiến thức trong chừng mực nào đó. Tôi từng giúp các cụ già trong xóm học cơ bản về máy tính và điện thoại thông minh để họ tiếp cận internet. Việc hướng dẫn họ rất khó khăn, phải nắm bắt tâm lý và diễn đạt thật ngắn gọn, đơn giản. Họ dễ nản chí, dễ tự ái, gặp vấn đề hơi phức tạp là nghĩ mình già rồi, mình không bằng giới trẻ, mình chẳng làm được. Nếu bạn không khéo léo, buông lời hằn học… là họ bỏ cuộc ngay. 

Người trẻ phải có trách nhiệm giúp người già tiếp cận kiến thức mới
Người trẻ phải có trách nhiệm giúp người già tiếp cận kiến thức mới

Như tôi và mẹ, cả hai đều thích làm vườn. Nhưng mẹ cứ làm theo cách mẹ muốn, khiến hư hỏng các dáng cây tôi dày công chăm sóc. Đem sách trồng cây về, mẹ không chịu đọc, bảo mắt mờ chữ nhỏ. Đề nghị mẹ tìm kiến thức trên mạng thì mẹ nói không thích internet.

Có lúc bực quá, tôi định chia vườn ra làm đôi, phần của ai người nấy tự trồng. Nhưng tôi thương mẹ, không nỡ hành động lạnh lùng như thế. Lựa giờ mẹ thường xem ti vi, tôi mở clip hướng dẫn làm vườn của các nghệ nhân. Ban đầu mẹ phản ứng vì bộ phim đang theo dõi bị cắt ngang, dần dần bà xem thụ động rồi chủ động cùng con gái.

Bây giờ, mẹ tôi thường mở internet, một mình xem kinh nghiệm trồng cây, làm vườn, nấu ăn, chăm sóc nhà cửa. Lúc nào gặp điều thú vị, mẹ gọi cả nhà xem cùng, bàn bạc, thảo luận. Có nhiều thời gian rảnh rỗi nên mẹ tìm hiểu đủ thứ trên mạng. Tôi trở nên quen thuộc với những câu trước đây mẹ chưa từng nói. “Thì ra cái này nó như vậy, mẹ cứ tưởng…”, “Có coi người ta làm mới thấy của mình xấu tệ”. Bây giờ, mẹ làm vườn giỏi hơn tôi.

Tôi không phản đối việc con cái dọn ra ngoài sống riêng để xây dựng tổ ấm nhỏ của mình. Nhưng nếu bạn chọn cách rời cha mẹ chỉ vì cảm thấy họ phiền phức thì bạn ích kỷ và thật 
đáng trách. 

Tuyết Quỳnh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI