Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Mẹ giữ nếp nhà, con đòi… chất lượng sống

06/10/2020 - 09:23

PNO - Cuộc chiến “nhận thức” giữa các thế hệ trong gia đình chưa bao giờ phân thắng bại. Thế nhưng, để dung hòa “thói quen” của thế hệ cũ và “mục tiêu sống” của những đứa con trong gia đình lại là bài toán nan giải.

Những thói quen, hệ giá trị được lập trình sẵn từ hoàn cảnh sống, trải nghiệm cá nhân, văn hóa của bậc cha mẹ được đưa ra làm thước đo cho mọi hành động sống của con cái. Nhiều người chọn cách bỏ ngoài tai, nhưng cũng có những người thay đổi, nương theo nhau để tìm hướng đi chung. 

Bạn bè, người quen khi biết gia đình tôi vẫn tự trồng lúa ăn đều vô cùng “kinh ngạc”. Thế nhưng ít ai biết rằng vấn đề có bỏ ruộng hay không đã được tôi đề cập từ… 5 năm trước khi tôi bắt đầu về làm dâu.

Chồng tôi là con một, vợ chồng đều có công việc ổn định, chi tiêu khá thoải mái, nên việc mẹ chồng tôi tiếp tục làm nông trở thành chuyện không cần thiết. Tôi nhiều lần phân tích cho mẹ thấy những cái thiệt hơn của việc làm nông, nhưng mẹ bỏ ngoài tai tất cả. 

Thời gian đầu sau khi chúng tôi cưới, mẹ khẳng định mẹ còn khỏe, còn làm việc được, khi nào bận quá, sức khỏe yếu thì mẹ sẽ nghỉ. Rồi tôi lần lượt sinh hai con liên tiếp, việc nhà nhiều lên vẫn chưa thấy mẹ… chịu nghỉ.

Lúc này, để không “phạm” vào thời gian chăm cháu, mẹ phải tận dụng mọi khoảng thời gian rảnh rỗi trong ngày để làm việc. Có lúc 12g trưa mẹ còn vác cuốc ra thăm đồng, cũng không ít ngày tối mịt mẹ vẫn chưa về đến nhà.

Chỉ vì mẹ nhất quyết làm nông mà chất lượng sống của vợ chồng tôi cũng bị giảm sút - Ảnh: Internet
Chỉ vì mẹ nhất quyết làm nông mà chất lượng sống của vợ chồng tôi cũng bị giảm sút - Ảnh: Internet

Cuối tuần vợ chồng tôi tổ chức đi chơi thì mẹ thoái thác vì bận đi… nhổ cỏ. Nhưng khổ nhất không phải chuyện tranh thủ thời gian làm việc, mà là chuyện sức khỏe của mẹ bị ảnh hưởng. Cứ sau mỗi mùa vụ, mẹ gần như nằm liệt giường cả tuần sau đó. Thế nhưng mẹ chấp nhận cái sự mệt ấy, như một phần tất yếu của cuộc sống. Khi vợ chồng tôi đổ lỗi cho mẹ việc cố chấp làm nông dẫn đến suy nhược cơ thể, mẹ chỉ phẩy tay: “Làm cái gì mà không mệt, muốn ăn thì phải chăm làm!”.

Không chỉ kiên quyết giữ thói quen cũ, bất cứ kế hoạch nào đưa ra mẹ cũng từ chối tham gia. Những lý do như phải ở nhà cho gà ăn, ở nhà… thắp hương bàn thờ được mẹ xem như việc bất khả kháng. Rồi những chuyến du lịch xa, dài ngày cũng không thể thực hiện vì mẹ viện những lý do như… tốn tiền, sợ hàng xóm nói mình “giàu” mới đi du lịch. Trong khi đó, vợ chồng tôi chỉ có mình mẹ, để bà ở nhà cũng không đành. Phải nói chất lượng cuộc sống của vợ chồng tôi bị ảnh hưởng khá nhiều vì sự cố chấp của mẹ.

Nhưng đó chỉ là nhận thức từ phía tôi, còn đối với mẹ, những thói quen cũ về việc làm nông, sống tiết kiệm chính là “nếp nhà”. Mẹ cho rằng chỉ khi nào còn giữ được những thói quen ấy, thì ngôi nhà còn… ổn định. Ngược lại, tiêu xài thoải mái như vợ chồng tôi chính là phung phí. Và để giữ “nếp nhà” ấy, mẹ phải gồng mình coi sóc hai sào ruộng, mặc sức khỏe không cho phép. Vợ chồng tôi càng sống thoải mái, thì mẹ lại càng dè sẻn để kéo cuộc sống về thế cân bằng theo ý mẹ. Vợ chồng tôi mua thức ăn ngon, thì mẹ càng tỏ ra không muốn ăn, vợ chồng tôi sắm sửa quần áo cho mẹ, mẹ lại đem đồ cũ ra mặc. 

Nhưng tính cách riêng của mẹ cũng đôi lần khiến mọi việc trở nên cực đoan. Lần sinh con thứ hai tôi không về ngoại mà ở nhà chồng. Vốn thương dâu thương cháu, mẹ sửa soạn bao nhiêu thứ để tôi ở cữ. Từ bao than, nồi xông hơ, muối hột, còn dùng bạt quây kín phòng ngủ sợ gió cho mẹ và bé.

Thấy cảnh đó, tôi tuyên bố sẽ thuê người tới chăm sóc sau sinh, và việc ở cữ sau sinh thế nào là do tôi quyết định. Không được xông hơ cho tôi, mẹ có vẻ hơi bất mãn vì “không được làm bà mẹ chân chính”. Nhưng suy cho cùng, cơ thể của tôi, sức khỏe của tôi là “giới hạn” của mẹ, nên bà không còn cách nào khác ngoại trừ chiều theo ý tôi.

Có hàng trăm xung đột lớn nhỏ như thế giữa thói quen của mẹ và cách sống của tôi, nhưng thật may là cả tôi và mẹ đều biết đâu là điểm dừng. Cuộc đời mỗi người phải do chính người đó lựa chọn, quyết định. Chừng nào mỗi người còn tự sắp xếp ổn thỏa đời mình, thì chừng ấy chiến tranh vẫn chưa bùng nổ. 

Hà Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI