Diễn đàn "Văn minh = bất hiếu?": Mẹ cất đồ cũ, con vứt hết

13/10/2020 - 08:59

PNO - Em trai cho rằng, mẹ làm vậy nhà cửa lúc nào cũng giống cái kho chứa đồ, nên đã lén vứt hết đồ của mẹ. Mẹ đổ bệnh vì tổn thương.

Trong đợt cách ly xã hội phòng dịch COVID-19, em trai gọi điện nói: “Chị xem thế nào chứ mẹ làm vậy, em không chịu được. Em góp ý là mẹ bỏ ăn” làm tôi hốt hoảng vì không thể về nhà ngay được.

Hỏi ra mới biết, do lo lắng, mẹ tôi mua mì tôm, thực phẩm về tích trữ đầy nhà, trong khi em trai tôi phản đối chuyện đó. Chỉ có vậy mà em thấy ấm ức, cộng thêm nhiều sự trái ngược lâu nay.

Ba mẹ tôi sinh được bốn người con, ba gái, một trai. Ba mất sớm, các em gái đều lấy chồng xa, còn tôi lập nghiệp trên thành phố, nên mẹ sống với em trai út. Mỗi lần tôi về thăm nhà, em trai lại phàn nàn về lối sống mà em cho là cổ hủ, lộn xộn, tằn tiện quá mức của mẹ. Em bảo, nhiều lúc vừa bực vừa thương mẹ, nói nhiều thì mẹ buồn, mà không nói lại thấy khó chịu vô cùng.

Còn mẹ, cứ thấy tôi về là than thở: “Chúng nó sống lãng phí quá, đời biết lúc nào đói lúc nào no đâu, phải tích cóp mới bền vững được”. Tôi hiểu mẹ và em trai thuộc hai thế hệ khác nhau, nên việc bất đồng quan điểm sống là không thể tránh khỏi. 

Tôi nhận ra vấn đề khúc mắc nhưng khác với những đứa em, tôi luôn chiều theo ý mẹ trong khả năng có thể. Có lẽ, trong số các con, tôi là người được mẹ tâm sự nhiều nhất nên phần nào hiểu mẹ. Các em tôi thấy khó chịu khi mẹ cất giữ mọi thứ, dù đã hỏng, không dùng được nữa hoặc không cần thiết.

Những chai thủy tinh đủ loại được mẹ gói ghém cẩn thận để trong thùng. Mẹ tỉ mẩn giặt từng cái bao ni-lông đã qua sử dụng, cuộn lại cất để đựng rác hay dùng khi có việc. Sau mỗi bữa cơm, bát nước mắm, thức ăn thừa đều được mẹ cất lại và ăn cho đến khi hết chứ nhất quyết không đổ bỏ bất cứ thứ gì. Trong tủ lạnh, mẹ để chung những bọc cơm nguội với thức ăn thịt cá đông lạnh để khi nào về quê đem cho bà con nuôi gà, heo. 

Em trai cho rằng, mẹ làm vậy chẳng tiết kiệm được mấy đồng mà mất vệ sinh, dễ gây bệnh lại tổn hại sức khỏe, nhà cửa lúc nào cũng giống cái kho chứa đồ. Thế rồi, khi em trai chuẩn bị xây nhà mới, một lần mẹ đi ăn giỗ, vợ chồng em ở nhà vứt sạch “kho tích trữ” của mẹ. Mẹ buồn đến mức nằm liệt giường gần hai tuần và không nói nửa lời.

Em lo lắng gọi tôi về hòa giải. Tôi biết em mình sai khi cư xử như thế khiến mẹ bị tổn thương nặng nề. Mẹ thường kể, cuộc đời mẹ trải qua nhiều cực khổ, mẹ sợ nhất là thiếu ăn. Có những năm, mẹ phải đi mót từng chẽn lúa, về tự đập tự phơi để dành nuôi con.

Trên đôi vai của người phụ nữ gầy gò như mẹ phải gánh tới bốn đứa con khi chồng mất sớm. Mẹ bảo, khi thấy thức ăn bị đổ bỏ, mẹ tiếc đứt ruột. Đồ đạc cũng thế, đừng có mới nới cũ, cái gì cũng phải cất lại để về sau có mà dùng, chứ khi cần phải mua rất tốn tiền.

Chỉ có yêu thương mới giúp người ta dung hoà sự khác biệt. Ảnh minh họa
Chỉ có yêu thương mới giúp người ta dung hoà sự khác biệt. Ảnh minh họa

Còn em trai tôi theo lối sống hiện đại, tối giản, đã mua đồ mới thì vứt đồ cũ, những thứ không cần thiết thì bỏ đi để nhà cửa thông thoáng, gọn gàng. Thời này muốn gì là mua được ngay, đâu cần tích trữ cho chật nhà. 

Khoảng cách trong suy nghĩ của hai thế hệ khiến mẹ và các em tôi mãi lục đục. Tuy không cãi vã nhưng người nào cũng mang tâm trạng không thoải mái. Nhân lúc em xây nhà mới, tôi đề nghị em làm riêng cho mẹ một phòng chứa đồ.

Ở đó mẹ có thể cất những thứ mình muốn mà không ảnh hưởng gì đến không gian chung của căn nhà. Chuyện ăn uống tằn tiện của mẹ thì đừng can thiệp bằng lời nói quá nhiều, cứ lẳng lặng mà làm.

Mỗi bữa cơm chỉ nấu vừa đủ để ăn trong ngày, để thừa nhiều mẹ tiếc đem hâm đi hâm lại. Em không thể đòi hỏi mẹ thay đổi suy nghĩ lối sống gần cả đời người mà phải tìm cách dung hòa. Chỉ có tình thương mới xóa nhòa khoảng cách thế hệ, chứ không thể phân thắng thua rõ ràng được.

Tôi hiểu, quan điểm sống của mẹ có những điều không còn phù hợp, nhưng con cái không thể phủ nhận sạch trơn để bắt mẹ sống theo ý mình. Người già rất nhạy cảm, tuy không nói ra nhưng trong lòng nặng nề mệt mỏi khi con không hiểu mình.

Đặt mình vào vị trí người khác để suy nghĩ mới dễ thông cảm hơn. Ai rồi cũng sẽ phải già, biết đâu sau này con cái ta cũng sẽ sống khác chúng ta bây giờ, lẽ nào lại tiếp tục nảy sinh mâu thuẫn? 

Hà Giang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI