"Giao việc" cho má

13/10/2020 - 11:30

PNO - Ngày nào cũng vậy, đúng 5 giờ 30 phút sáng, má tôi sẽ bấm điện thoại gọi tôi dậy, trừ ngày Chủ nhật.

Tôi bắt đầu nghĩ đến vấn đề "giao việc" mỗi ngày cho má kể từ đầu mùa dịch COVID-19. Tôi nhớ lúc đó mình đã suy nghĩ nhiều lắm trước khi quyết định nói với má: “Công việc con dạo này rất áp lực, cần dậy sớm và đến công ty đúng giờ, mỗi ngày má gọi con dậy với nhé”. Qua điện thoại, với khoảng cách 135km, tôi cảm nhận được sự hồ hởi của má.

Ba tôi biết chuyện chỉ cười: "Dạo này má mày già cũng hơi có chút lẫn, nên đừng quá tin vào cái đồng hồ báo thức mà pin sắp cạn. Nhưng thôi đừng lo, hôm nào bả quên thì ba nhắc cho".

Vậy là cứ mỗi sáng, đúng 5 giờ 30, điện thoại của tôi lại rung lên. Tôi nhận cuộc gọi với tâm thế sẵn sàng lắng nghe, lâu lâu vờ như đang ngái ngủ. Giọng má êm êm, quen thuộc: “Dậy đi con. Dậy chuẩn bị đi làm!”.

Má luôn cảm thấy hạnh phúc vì được giúp đỡ con cái
Người mẹ nào cũng hạnh phúc vì được giúp đỡ con cái. Ảnh minh họa

Mỗi cuộc gọi như vậy thường kéo dài khoảng 30 giây đến một phút, bởi má sợ kéo dài cuộc nói chuyện sẽ làm mất thời gian chuẩn bị bữa sáng của tôi. Má không hề hay biết từ lâu tôi rèn được thói quen dậy sớm mỗi ngày từ lúc 4 giờ 30 sáng".

Một người bạn biết chuyện, hỏi tôi sao lại làm phiền má, sao lại giao việc cho má? Tôi cười và giải thích: Vì tôi biết như thế ba má sẽ vui.

Người già ở quê có thói quen ngủ sớm và dậy sớm do thuở xưa lam lũ gắn với ruộng đồng. Cái thói quen đó ăn sâu vào máu, thành tập tính. Má tôi nghe tiếng gà gáy sáng lần 1 hay lần 2 là có thể đoán được giờ giấc, không cần liếc đồng hồ. Mỗi ngày, khoảng chừng 4 giờ 30 sáng là ba má tôi thức dậy. Má nấu nước pha trà, ba sửa soạn dong xe ra ngoài bến, bắt đầu công việc chạy xe ôm của ông. Má gọi tôi dậy rồi đi ra sau nhà mở cửa chuồng thả đàn gà, dọn dẹp nhà cửa cho một ngày mới.

Tôi muốn gắn kết sợi dây tình cảm với má và gia đình thông qua cuộc gọi mỗi ngày
Tôi muốn gắn kết sợi dây tình cảm với má và gia đình thông qua cuộc gọi mỗi ngày. Ảnh minh họa

30 giây đến một phút trong chuỗi 24 giờ của ngày, ngắn ngủi nhưng rất quý giá. Bởi thông qua cuộc gọi, câu nói kêu con dậy đó, tôi có thể cảm nhận được hôm đó má tôi có khỏe không, giọng nói vẫn còn trong hay khản đặc, mùa trái gió trở trời này có khiến cho căn bệnh viêm mũi kinh niên của má tái phát, ba má dạo này mập hay ốm, ăn uống có còn cảm thấy ngon hay không...

Một cuộc gọi ngắn ngủi mỗi ngày cũng là cách để tôi lưu giữ sợi dây liên kết giữa tôi với má, giữa tôi với gia đình, vì tôi sợ cái tính tham việc ham làm sẽ cuốn tôi đi, tôi sẽ "lạc trôi" và quên rằng phía sau luôn có ba má, có một gia đình ấm áp và đầy yêu thương. Tôi sợ mình như người ta, tha phương rồi biền biệt để cha mẹ già ở quê mòn mỏi đợi trông.

Cuộc gọi của má, chỉ là những giây phút ngắn ngủi thôi, nhưng với tôi nó vô cùng ý nghĩa.

Tôi nhẩm tính đến thời điểm này, thỏa thuận "giao việc" giữa hai má con đã kéo dài hơn 200 ngày với ít nhất 200 cuộc gọi báo thức. Tất nhiên tôi chỉ muốn duy trì thoả thuận ấy đến khi nào không thể. Tôi tin má cũng như tôi, hạnh phúc với "phận sự" khi đảm nhận "việc con giao phó" mỗi ngày...

Trương Quốc Phong

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
 

news_is_not_ads=
TIN MỚI