Để nơi xa, ba vẫn yên lòng

16/08/2022 - 10:32

PNO - Mất chồng, con đường phía trước nhiều chông chênh, nhưng Phương gắng hết sức để làm chỗ dựa và đồng hành cùng hai con.

Thành phố đã bình yên, mọi sinh hoạt trở lại bình thường sau một năm sóng gió. Tuy vậy, vẫn còn nỗi buồn khắc khoải trên khóe mắt, giọng nói, nụ cười của Mỹ Phương, em gái tôi, dù em cố gắng mạnh mẽ sau biến cố mất chồng.

Nhìn cách em tôi yêu cái điện thoại - kỷ vật duy nhất còn lại của chồng sau những ngày cách ly xã hội - tôi thương em quá đỗi. Cái điện thoại nằm cô đơn trên góc giường bệnh được một bác sĩ nhặt lại cất giữ giùm rồi tìm cách liên lạc và trao lại cho em. Những tin nhắn yêu thương, những giờ phút, ngày tháng cuộc gọi nói chuyện giữa em và chồng còn lưu lại đầy đủ, bây giờ đây nó đã trở thành tài sản em trân quý. 

Còn nhớ, năm trước, tháng này TP.HCM “lâm bệnh” rất nặng, mọi thứ dường như bất động, chỉ còn những nỗi lo và buồn đến thắt lòng. Em tôi nhớ từng ngày, từng sự việc đã trải qua khi mệt mỏi chống chọi với bệnh, nhớ rằng em đã chuẩn bị những gì cho chồng rồi bỏ vào chiếc ba-lô nhỏ, nhớ những lờchồng dặn dò em trước khi rời nhà đi cách ly. 

Mỹ Phương và hai con trai cùng nhau vượt qua những gian nan
Mỹ Phương và hai con trai cùng nhau vượt qua những gian nan

Phương nói, không bao giờ em nghĩ rằng đó là lần sau cùng vợ chồng nói chuyện với nhau. Tôi an ủi em nhưng không dám khuyên em hãy quên cho nhẹ lòng, bởi tôi sợ làm em tổn thương. Đôi khi chút vui buồn của ký ức cũng sẽ giúp ta thêm mạnh mẽ hơn. 

Bây giờ niềm vui của em là được chăm sóc cho hai con trai. Trước đây, ngay đi chợ cũng là việc của chồng em, bởi em chậm chạp, không xách đồ nhiều được. Việc dạy con học cũng là của chồng em, bởi em không rành dùng máy tính… Giờ, em lặng lẽ làm hết thảy những việc ngày trước chồng làm.

Mới đó mà đã một năm. Cuộc sống thường ngày của ba mẹ con dần ổn định. Bữa cơm đã có tiếng cười. Con trai nhỏ khi ăn món ngon hay món ăn mà ba thích thì cất tiếng mời ba về cùng ăn. Con trai lớn sau cú sốc mất ba đột ngột, cháu trở nên lặng lẽ và ít nói.

Ngày biết tin ba mất, cháu đang ở nhà tôi tại Củ Chi, vì dịch cháu không về nhà tại Phú Nhuận với mẹ và em được. Cháu đã mạnh mẽ hơn tôi tưởng rất nhiều. Cháu chỉ “dạ” một tiếng thật nhỏ khi nghe tôi báo tin dữ. 

Tôi đâu biết rằng, sau này khi xem lại điện thoại của ba cháu, tôi thấy một tin nhắn cháu gửi cho ba ngay tối hôm đó với vỏn vẹn hai chữ “Ba ơi”, dù cháu biết rằng tin nhắn này mãi mãi ba sẽ không bao giờ đọc được. 

Cùng với sự quan tâm chia sẻ của xã hội, sự ân cần yêu thương của gia đình, họ hàng. Phương đã dần tìm lại được thăng bằng trong cuộc sống, dù phải vừa làm cha vừa làm mẹ lo lắng cho con với trách nhiệm gấp đôi. 

Phương tạm thời nghỉ việc ở nhà bắt tay vào làm hết mọi việc từ việc lớn đến việc nhỏ, những công việc mà ngày trước cả hai vợ chồng chia sẻ với nhau. Hai con trai cũng hiểu và yêu thương mẹ, biết cố gắng chia sẻ cùng mẹ những công việc thường ngày ở nhà. Con trai lớn đã tự đi học bằng xe đạp. Ngày còn ba, ba đưa đón con đi học, kiểm tra bài và dạy con học, bây giờ con đã biết tự học. 

Thương ba mẹ, cháu đã cố gắng học và đã đậu vào lớp 10 trường công năm nay đúng như ước nguyện của ba. Con trai nhỏ sau hai lần nhiễm COVID-19, sức khỏe của cháu cũng trở nên không tốt, dù vậy cháu vẫn ráng học với niềm tin: Dù có ở đâu ba cũng sẽ nhìn thấy con học giỏi và khỏe mạnh. Chàng trai nhỏ nay đã lên lớp Năm! 

Tôi thường nói với Phương, có nhiều hoàn cảnh còn khó hơn khi những đứa trẻ đã mất cả cha lẫn mẹ. Dù con đường phía trước còn nhiều chông chênh, nhưng em nói rằng em sẽ cố gắng hết sức để làm chỗ dựa và đồng hành cùng hai con. Tôi mong sao điều đó trở thành hiện thực để nỗi đau của em rồi sẽ vơi dần theo thời gian. Để các cháu tôi dù có “mồ côi cha” cũng “ăn cơm với cá”. Để ở nơi xa ba cháu nhẹ lòng, thanh thản! 

Mỹ Dung

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI