Cứ đến phút giao thừa thiêng liêng, lòng tôi lại đau nhói khi nghĩ về gia đình thất lạc của mình

16/02/2018 - 00:34

PNO - Tôi vẫn chờ đợi sự trọn vẹn trong cuộc sống của mình, ít nhất là vào mỗi dịp giao thừa, được ở cạnh cha mẹ, anh em ruột thịt. 40 năm rồi, tôi là một đứa trẻ mồ côi.

Sắp đến tết, tôi cũng tất cả để lo cho gia đình một cái tết trọn vẹn như cách mười một năm nay tôi vẫn làm. Chỉ riêng tôi, một người mồ côi từ nhỏ, có lẽ sẽ phải chờ rất lâu nữa mới có được cảm giác giao thừa thực sự bên những người ruột thịt của mình. Nhưng tôi vẫn chờ, chỉ là không biết đến lúc nào mà thôi.

Tôi may mắn có được gia đình này, nhưng chưa bao giờ thấy trọn vẹn

Tôi không nhớ chính xác mình bị thất lạc gia đình từ năm nào, và cũng chẳng thể biết được liệu thực sự mình bao nhiêu tuổi. Chỉ nhớ ngày tôi có ý thức và những ký ức đầu tiên về bản thân thì tôi đang ở trong một khu chợ nhỏ, rồi được đưa vào trại trẻ mồ côi. Những ký ức đó chập chờn và không thực sự rõ ràng, mỗi lần nhớ lại thì thấy rất nhói trong lòng nên tôi không muốn đề cập nhiều. Cho đến năm mười sáu tôi đi học nghề may tại một cơ sở rất nhỏ vùng ngoại ô thị xã Bà Rịa và được gia đình một người bạn cùng học nghề cưu mang.

Cu den phut giao thua thieng lieng, long toi lai dau nhoi khi nghi ve gia dinh that lac cua minh

Hình minh họa

Ở nhờ nhà người ta, tôi luôn ý thức được việc mình không được phép trở thành gánh nặng. Rồi người mẹ của bạn thấy tôi chịu thương, chịu khó, cũng chẳng có gia đình gì nên bà muốn tôi trở thành con dâu của bà.

Kể ra, thì giống như một câu chuyện cổ tích vậy, hoặc đại loại là một tình yêu mà vừa mấy tháng qua xuất hiện trên truyền hình kể về việc một chàng trang cưu mang cô gái không giấy tờ, không gốc gác. Tôi nghĩ mình là người may mắn, mười lăm năm sống trong nhà anh, mười một năm làm dâu, tôi chưa từng nghĩ rằng mình bất hạnh. Vì vậy tôi luôn cố gắng để trở nên xứng đáng với tình cảm của gia đình nhà chồng đã bù đắp cho mình suốt ngần ấy thời gian.

Chỉ có điều là mỗi mùa xuân đến, trong khoảnh khắc cuối cùng của năm cũ, khi mọi người chuẩn bị đón giao thừa, tôi có thói quen vào phòng và đóng chặt cửa lại. Hồi còn trẻ thì tôi khóc, nhưng mấy năm qua tôi không còn rơi nước mắt vào phút giao thừa nữa. Chỉ là đóng cửa lại, im lặng và không dám chia sẻ cảm xúc của mình vào lúc đó. Tôi nhớ ruột thịt của mình, nhớ những người thân mà tôi đã thất lạc chưa từng thấy. Đó là lý do mà cứ mỗi dịp Tết đến, tôi lại thấy cuộc đời dù may mắn, nhưng chưa bao giờ là trọn vẹn cả.

Những phút giao thừa lặng lẽ không biết thổ lộ cùng ai

Có thể nhiều người sẽ nói rằng tôi đã quá sầu cảm, khi ngay bây giờ tôi cũng đã có gia đình riêng của mình. Có chồng, có hai đứa con và gia đình chồng yêu quý. Nhưng thật sự phải đúng khoảnh khắc đó, khi chúng ta hiểu rõ thế nào là ruột thịt và cảm giác quây quần bên cha mẹ, anh em của mình.

Cu den phut giao thua thieng lieng, long toi lai dau nhoi khi nghi ve gia dinh that lac cua minh

Hình minh họa

Tôi đã hơn bốn mươi tuổi, chưa từng có cảm giác đó, và tôi cũng không biết chính xác đến lúc nào tôi mới có thể được trở thành một người con trong gia đình ruột thịt của mình trong khoảnh khắc giao thừa. Rất khó để miêu tả chính xác những gì tôi đã phải chịu đựng và trải qua, và điều khó khăn hơn nữa là tôi đã tự khép mình để chọn cách cô đơn vào khoảnh khắc thiêng liêng này.

Cứ lặng lẽ và lầm lũi như vậy trong suốt 40 năm đã qua. Thành ra tôi sợ tết, đôi khi cứ mặc cảm rằng nếu mình hòa lẫn trong niềm vui với gia đình hiện tại, có thể sẽ là tham lam để quên đi những điều tôi từng ao ước trong gần một nửa cuộc đời trước đó.

Năm nay vẫn vậy, tôi tin rằng chồng và con tôi đều hiểu, các con cũng không còn quá nhỏ để không thắc mắc về việc sao mẹ không đón giao thừa cùng chúng con. Nhưng cũng chưa đủ trưởng thành, để hiểu hết về tâm trạng của mẹ. Nên tôi cứ khép mình, không muốn chờ đợi điều gì trong phút giây đó.

Một người mẹ mồ côi, không cho các con biết đến thế nào là quê ngoại, và cứ thế, tôi biết có thể sẽ còn rất nhiều những giao thừa lặng lẽ nữa trong cuộc đời mình.

Jerry AN (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI