Giấc mơ thanh xuân - Bài 2:

Cú đấm của Nguyễn Thị Thu Nhi

03/03/2022 - 06:39

PNO - Có những giấc mơ, để đạt được, các cô-gái-của-chúng-ta đã phải chấp nhận trả bằng máu và nước mắt…

 

Thu Nhi giành giải vô địch  WBO châu Á 2020  ẢNH: QUỲNH ANH/Thanh niên
Thu Nhi giành giải vô địch WBO châu Á 2020 - Ảnh: Quỳnh Anh/Thanh niên

Chiến thắng của Thu Nhi tại trận tranh đai vô địch WBO cuối năm 2021 khiến công chúng cả nước vỡ òa cảm xúc. Bên trong sự hạnh phúc, niềm kiêu hãnh của cô gái 25 tuổi là những tâm tư được gói ghém cho cả một hành trình dài. Đời người, đâu ai tránh được nỗi buồn, nhưng ta được chọn cách sống cùng chúng để vượt qua, vươn lên. Nhi đã mạnh mẽ, trưởng thành theo cách đó.

Tính cả nội dung nam và nữ, Thu Nhi là vận động viên (VĐV) Việt Nam đầu tiên đạt đai vô địch thế giới. Đối thủ của chị với bảng thành tích dày cộm trên trường thế giới càng khiến chiến thắng này ý nghĩa hơn. Etsuko Tada là một võ sĩ chuyên nghiệp người Nhật Bản, cựu vô địch thế giới hạng ruồi nhỏ bốn lần, từng giữ đai WBA bốn năm (từ 2009 - 2013), danh hiệu IBF từ 2015 - 2017 và danh hiệu WBO hai lần từ năm 2018 đến tháng 10/2021, trước khi bị Thu Nhi đánh bại.

Hẳn nhiều người vẫn còn nhớ như in trận đấu diễn ra mười hiệp, với không khí nghẹt thở khi hai bên liên tục ra đòn để hạ đối thủ. Chưa nói đến chiến thắng, con số này đã thực sự đáng nể bởi boxing “ngốn” sức rất nhiều. Những phút cuối cùng, Thu Nhi bị rách mí mắt do cú đấm quá mạnh của đối thủ. Vậy nhưng Nhi vẫn trụ lại, chiến đấu hết mình, để hai tiếng Việt Nam vang lên đầy tự hào với số điểm suýt soát 96-94. 

Thu Nhi trong giải đấu vô địch WBO tại Hàn Quốc - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thu Nhi trong giải đấu vô địch WBO tại Hàn Quốc - Ảnh nhân vật cung cấp

Hình ảnh Thu Nhi giơ cao quốc kỳ Việt Nam sau chiến thắng lịch sử là một trong những khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong một năm quá nhiều nỗi buồn ai cũng muốn quên. 

Chiến thắng đã khó, giữ danh hiệu càng khó hơn

*Phóng viên: Ngày ra đi âm thầm với tư cách một VĐV, ngày trở về lại rầm rộ với danh hiệu nhà vô địch thế giới, chị đã thực sự quen chứ?

-VĐV Nguyễn Thị Thu Nhi: Trở thành nhà vô địch, tôi vui nhiều nhưng áp lực cũng không ít. Tinh thần thi đấu, chinh phục trong thể thao rất cao. Sau khi tôi giành chiến thắng vài ngày, đã có một số nữ võ sĩ Nhật thách đấu. Vì thế, nếu chủ quan, sẽ rất dễ đánh mất vị trí đang có.

Theo luật, nếu có bất kỳ lời thách đấu nào, tôi phải chấp nhận, thông thường khoảng 3-4 tháng/lần. Vì thế, tôi phải luôn trong trạng thái sẵn sàng. Hiện tôi đang trong quá trình tập luyện với mục tiêu trước mắt là giữ đai WBO càng lâu càng tốt. Sau đó, tôi sẽ vẫn tiếp tục tập luyện để có thể chinh phục hạng cân nặng hơn ở khu vực châu Á, đến giải thế giới. Chiến thắng này chỉ mới là khởi đầu cho những ước mơ lớn hơn.

* Nhà vô địch nhìn lại chiến thắng vẫn còn nhiều áp lực, hẳn ngay thời điểm đó chị cũng có nhiều nỗi niềm trước trận đấu lịch sử này? 

- Đối thủ của tôi là VĐV số một thế giới. Chị ấy bắt đầu thi đấu, đạt thành tích khi tôi mới là một đứa trẻ. Vì thế, trong mắt tôi, chị ấy như một chú cọp dũng mãnh. Tôi tự động viên tinh thần hãy cứ làm hết sức. Cũng có một khoảng thời gian ngắn tôi thấy áp lực. Tôi nghĩ về ông bầu, về đồng đội, bạn bè, khán giả... luôn tin tưởng ủng hộ mình. 

* Trong một hoàn cảnh buộc con người phải giành phần thắng, họ thường có xu hướng tập trung suy nghĩ về một điều gì đó. Chị nghĩ gì trong giây phút ấy?

- Tôi muốn lịch sử thể thao Việt Nam ghi tên mình. Đó là giấc mơ từ rất lâu và nay chỉ còn cách trong gang tấc. Trước khi trận đấu này diễn ra, nhiều bài phân tích, đánh giá cho rằng tôi ít khả năng giành chiến thắng. Có người sợ tôi không trụ nổi mười hiệp. Nhờ sự khích tướng đó, tôi càng nỗ lực.

Gần cuối trận, tôi bị thương. Tôi cảm nhận rõ máu chảy hòa vào mồ hôi nhưng tôi không còn thấy đau nữa. Sau khi dừng xem xét vết thương, tôi ra sân với 200% năng lượng. Tôi nhủ thầm, vết thương này phải có giá trị xứng đáng. 

Khi mọi người vui mừng thì mẹ tôi thấp thỏm lo âu. Thấy tôi bị thương, bà xót, la rất nhiều. Mẹ nói xong trận này nghỉ đi. Tôi liền đánh lảng, nói bận công việc nên tắt máy. Tôi sợ nghe mẹ khóc. Con đường này tôi chọn thì phải đi đến cùng. Vết thương chỉ khiến tôi mạnh mẽ hơn mà thôi.

Cơ may và khổ luyện

* Chị có tin vào việc nghề chọn người?

- Ban đầu, tôi theo học võ cổ truyền để được cộng điểm thể dục. Tôi không có đam mê gì với những môn này. Sau đó, thầy khuyên tôi qua học boxing. Có thể thầy nhìn thấy tố chất nào đó ở tôi, chẳng hạn sự lì lợm (cười). Lúc đầu, tôi chán vì không có bạn. Đến khi tìm được người tập chung, tôi thấy vui nên cứ tập và mê khi nào không hay. 

Có lẽ nhờ thể trạng tốt, tôi bắt đầu việc tập luyện khá dễ dàng. Ở trường, tôi học dở các môn khác nhưng chạy bộ, nhảy dây, bóng rổ, đá bóng… tôi đều làm tốt. Khó khăn nhất với tôi thời gian đầu là đấu tranh tâm lý giữa việc sẽ tiếp tục học để thi đấu hay dừng lại, đi làm kiếm tiền. Do tập trung tập luyện, tôi không còn thời gian làm việc khác, không có thu nhập. Có lúc, tôi muốn dừng lại. Vì thế, có thời gian tôi đi chậm hơn các bạn cùng lớp. 

Nhưng duyên nợ dường như quá lớn nên cuối cùng tôi quyết định dồn sức cho việc thi đấu thể thao. Tôi vừa đi học, vừa đi tập. Mùa hè, trong khi các bạn đi chơi, tôi dành hết ba buổi trong ngày để tập luyện với quyết tâm lấy lại phong độ. 

* Đường đến đỉnh vinh quang của thể thao gồm mồ hôi, máu và nước mắt. Chị thấy đúng chứ?

- Tập luyện, thi đấu boxing không bầm dập bên ngoài nhiều nhưng lại dễ hư hỏng bên trong cơ thể. Chúng tôi phải ép khối lượng cơ thể thường xuyên. Việc này dễ khiến gan, bao tử, thận bị ảnh hưởng lúc về già. Tôi không sợ tập luyện cường độ cao, chỉ sợ ép cân. Có lần tôi phải giảm 2kg trước khi thi đấu một ngày, không ăn uống gì, chỉ tập và tập liên tục. VĐV boxing cũng dễ bị rối loạn thần kinh, đãng trí do tác động lực vào đầu nhiều... Tuy nhiên, đó là việc phải chấp nhận nếu muốn theo nghề.

Tôi và đồng đội sang Uzbekistan tham gia một khóa huấn luyện trước khi thi đấu tranh đai WBO. Chúng tôi đến khu luyện tập trên núi Yangiabad, nơi các VĐV tham gia Olympic tập luyện. Thời gian đầu, tôi gặp khó khăn do không quen với việc ăn uống ở đây. Tôi sụt 4kg trong ba ngày đầu tập luyện, hạ đường huyết. Tôi tự động viên mình nên cố gắng nuốt thức ăn rồi dần cũng quen, thích nghi được. 

WBO tổ chức tranh đai ở hạng này lần đầu tiên vào tháng 4/2010. Nguyễn Thị Thu Nhi trở thành nhà vô địch thứ tám trong lịch sử hạng ruồi nhẹ của WBO. Trước đó, Thu Nhi đoạt đai WBO châu Á tại Campuchia vào tháng 2/2020. Đến nay, chị mới đấu năm trận nhà nghề và toàn thắng với một trận hạ đo ván đối thủ.

 
Thu Nhi trên sàn tập  - ẢNH NHÂN VẬT CUNG CẤP
Thu Nhi trên sàn tập - Ảnh nhân vật cung cấp

"Tôi nhận ra thi đấu thể thao không chỉ cần sức lực mà còn đòi hỏi trí tuệ, sự khôn khéo, khả năng ứng biến nhanh nhạy. Không có chiều cao tốt, sải tay không dài, vì thế tôi tập trung phát triển kỹ năng đánh, các chiêu né đòn, duy trì sức bền... Điều đó làm nên tôi của hiện tại. Thất bại không đáng sợ bằng việc chìm trong thất bại”. 

Nguyễn Thị Thu Nhi

Có hôm, tôi chạy bộ đường núi khoảng 10km, sau đó quay về tập chuyên môn hoặc có khi chạy bền nhiều vòng, đánh gió… Tôi lì lợm nên hầu như không sợ những thử thách được đặt ra. Trên người tôi có nhiều hình xăm, trong đó có một câu nói của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long với đại ý rằng đừng mong cuộc sống dễ dàng mà hãy mong bản thân đủ mạnh mẽ để vượt qua hết những khó khăn.

* Áp lực thể chất có thể vượt qua, nhưng còn định kiến xã hội?

- Gia đình tôi thường không có ý kiến về chuyện tôi làm. Tuy nhiên, hàng xóm, láng giềng ban đầu thấy tôi thường xuyên đi tập võ đã mách với bà ngoại tôi. Họ bảo: “Con gái cứ nhong nhong suốt ngày đi đánh võ, sau này làm sao lấy chồng”. Bà ngoại tôi lúc đầu có lo, nhắc nhở. Thế nhưng, tôi không dừng bước hay phải thay đổi bất kỳ quyết định nào của mình chỉ vì một ai đó nghĩ rằng điều đó đi ngược với xã hội, không hợp nhãn số đông.

Tôi bắt đầu sự nghiệp thi đấu với giải cấp thành phố, đạt huy chương vàng (HCV) vào cuối năm 2009, đầu năm 2010. Tiếp theo, tôi đạt HCV giải Vô địch toàn quốc trong năm 2015, 2017, 2018; vô địch Cúp các câu lạc bộ toàn quốc liên tiếp 5 năm (2015 đến 2019).

Sau khi thắng tại sàn đấu Victory tháng 8/2018, tôi được ông bầu người Hàn Quốc Kim Sang-bum mời hợp tác, phát triển theo con đường chuyên nghiệp. Khi tôi giành được những giải thưởng, ánh mắt họ nhìn tôi khác đi. Đó cũng là câu trả lời của tôi cho những hoài nghi, định kiến. 

Đứa trẻ ngỗ ngược thành danh

* Giọng nói của chị dường như không “ăn khớp” với phần nhìn và cả biệt danh “Thiên thần đen”...

- Những cú đấm cùng làn da đen, khuôn mặt có phần bặm trợn khiến những người tiếp xúc với tôi lần đầu hơi e dè. Song, tôi vẫn hiền lành lắm. Vì vậy, tôi nghĩ mình là thiên thần đen (cười).

Giọng tôi nghe dịu dàng, đúng không (cười)? Nhiều người cũng nói vậy. Tôi cũng có giọng hát nghe được lắm đó. Thời gian rảnh, tôi thường rủ bạn bè, người thân đi karaoke. Ai cũng nghĩ VĐV có đời sống khô khan, cục mịch nhưng điều đó không đúng hoàn toàn. 

* Phần lớn sự gai góc của con người đều do hoàn cảnh sống mà ra. Chị hẳn không là ngoại lệ?

- Tôi sinh ra ở An Giang. Năm tôi lên ba tuổi, cha mẹ tôi chia tay. Mẹ đưa tôi từ An Giang lên Sài Gòn sống với bà ngoại. Vì mưu sinh, mẹ tôi đi làm ăn xa, mãi đến khi tôi lớn, mẹ mới trở về. Bảy tuổi, tôi cùng anh tôi đi bán vé số, vì gia cảnh khó khăn. Đến năm học lớp Sáu, tôi bắt đầu đi rửa chén thuê, bưng bê ở quán ăn. Gia đình bạn đến ăn, tôi vẫn niềm nở chào đón. Tôi không cảm thấy mặc cảm.

Việc nào có tiền, tôi đều làm. Một ngày làm được 50.000 đồng, tôi ăn hết 45.000 đồng (cười). So với bạn bè cùng trang lứa, tôi “già đời” hơn một chút. Tôi không nghĩ nhiều về chuyện gia đình không lành lặn. Có lẽ nhờ sống đơn giản nên tôi thấy nhẹ lòng.

* Những đứa trẻ ngỗ ngược thường chịu sự phán xét nặng nề từ xã hội. Đôi khi người ta không có niềm tin vào chúng. Hẳn con đường boxing là cú lội ngược dòng của chị?

- Tôi học dở và là học sinh cá biệt. Còn nhớ, năm lớp Năm, tôi và một bạn khác không được cho tham gia lớp học dự giờ. Khi đó, tôi nghĩ nếu tôi được học lớp đó, cô có thể không kêu tôi phát biểu cũng được. Tôi có thoáng buồn đôi chút nhưng rồi cũng quên nhanh. Đó là lần đầu tiên tôi hiểu cảm giác không được tin tưởng.

Tôi học sự điềm tĩnh từ khi theo đuổi boxing. Tôi hiểu võ để tự vệ, rèn luyện sức khỏe chứ không phải phục vụ mục đích bạo lực. Tôi từng bị bạn ở trường đánh hội đồng nhưng không phản kháng. Tôi nghĩ nhà mình nghèo quá, lỡ xảy ra chuyện, tiền đâu mà đền.

Tôi có cuộc sống tốt hơn từ khi bước vào thi đấu. Tuy nhiên, con đường thể thao nghiệp dư cũng chỉ mang lại thu nhập đủ sống. Tôi chỉ mới chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp hai năm nên chưa biết tương lai của con đường này như thế nào. Việc tôi quan tâm nhất là hướng phát triển khi chuyển sang thi đấu chuyên nghiệp. Mẹ tôi thường khuyên tôi nên bỏ việc thi đấu, tìm học một nghề nào đó để đảm bảo cuộc sống về sau. Tuy nhiên, tôi đã rất khó khăn để đi đến hôm nay nên sẽ không dễ dàng bỏ cuộc hay quay đầu. 

* Tuổi nghề thi đấu thể thao thường thấp. Hẳn chị đã phải dự tính cho một tương lai dài hơn?

- Tôi dự định sau khi giải nghệ sẽ trở thành huấn luyện viên. Tôi sẽ mở phòng gym, buôn bán để có thêm thu nhập. Tôi xuất phát từ số 0, nay cảm thấy hài lòng với những gì mình đang có. Tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục sự nghiệp thi đấu. Có lẽ do xuất phát điểm thấp nên tôi cũng chẳng mong ước điều gì đó quá cao xa. Tôi thấy nổi tiếng hay giàu quá cũng có cái khổ riêng. Chẳng hạn, chỉ mới được biết đến nhiều hơn qua thành tích lần này nhưng nhiều điều xoay quanh tôi được tìm hiểu quá cặn kẽ. Tôi không quen với cảm giác đó. Tôi chỉ muốn thi đấu hết mình, sống một cuộc đời bình thường, không ồn ào.

* Cảm ơn chị đã chia sẻ. 

 Thành Lâm (thực hiện)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI