Con chưa đủ lớn để thấu hiểu

13/03/2015 - 17:27

PNO - PN - Cầm tờ quyết định phân công nhiệm sở trên tay, mẹ mừng rơi nước mắt. Sau hơn tám năm trời lận đận với việc dạy hợp đồng bấp bênh, giờ đây, mẹ đã có công việc ổn định dù trường cách nhà hơn 50 cây số.

edf40wrjww2tblPage:Content

Mẹ xác định sẽ phải sống xa gia đình, mỗi tuần chỉ có thể về nhà một lần. Niềm vui xen lẫn nỗi buồn, mẹ không biết làm sao để chuẩn bị tâm lý cho các con khi ngày nhận việc đã gần kề. Dù vậy, mẹ nghĩ con sẽ dễ dàng đón nhận điều này vì năm nay con đã gần mười tuổi, mẹ chỉ lo cho em còn bé.

Vậy mà, mẹ thật sự bị sốc trước phản ứng của con. Mẹ chỉ nghĩ con sẽ thắc mắc những chuyện bình thường khi mẹ xa nhà thì con sẽ ngủ với ai ?, ai sẽ đưa đón con đi học, ai sẽ hướng dẫn con học bài…Nhưng không, khi nghe mẹ nói đến chuyện đi làm xa trước mặt cả nhà, con đã hét lên giãy nảy: “Sao mẹ tham tiền vậy, ba đi làm có tiền, ông bà có lương hưu. Việc gì mẹ phải đi dạy xa như thế, mẹ không thương con sao. Mẹ ở nhà trồng rau, nuôi gà cũng được mà”. Rồi con khóc tức tưởi, sụt sịt trong nước mắt: “Mẹ đi, con sẽ ghét mẹ nhưng con nhớ mẹ lắm”.

Con chua du lon de thau hieu
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nghe con nói, lòng mẹ như nát thành trăm mảnh. Phải đâu mẹ tham lam gì nhưng mẹ có nỗi khổ riêng của mình. Mẹ phải tìm con đường chắc chắn để lo cho các con và giữ gìn hạnh phúc gia đình. Có lẽ con chưa đủ lớn để thấu hiểu nhưng mai này lớn lên mẹ tin con sẽ thông cảm cho nỗi lòng của mẹ.

Mẹ theo ba về làm dâu ở đất khách đã gần mười năm. Hành trang chỉ là tình yêu với ba, một tấm bằng đại học và ít vốn ông bà ngoại cho để phòng thân. Mẹ đã không xin được việc làm ngay vì người ngoại tỉnh, giọng nói khó nghe. Gia đình ông bà nội khá giả nên mọi người bảo mẹ cứ ở nhà nuôi con cũng được. Suốt hai năm trời ở nhà, mẹ đã phải chịu biết bao tủi nhục của một kẻ ăn bám dù được học hành đàng hoàng. Mặc dù, ba rất thương mẹ, không để mẹ thiếu thốn điều gì nhưng sống cùng ông bà nội, mẹ ăn không dám ăn, tiêu không dám tiêu.

Gần chục năm rồi, mẹ sống trong ngôi nhà khang trang nhất làng và mang tiếng có phúc với tâm trạng tự ti mặc cảm. Hễ mẹ đổ bể cái gì hay con vô ý làm bẩn tường là nghe ông bà mắng gần mắng xa: “không làm ra tiền mà còn phá hoại”. Mẹ sắm cái áo mới cũng bị bà nội nói là quanh quẩn ở nhà thôi mà xúng xính ăn diện. Dù mẹ đã cố gắng rất nhiều, trồng rau trong vườn, nuôi thêm gà để cải thiện, làm bánh bán buổi sáng nhưng trong mắt mọi người mẹ vẫn là người phụ thuộc. Mẹ chẳng dám xin về thăm nhà vì sợ ông bà kêu tốn kém mặc cho mẹ không có ý định xin tiền về quê.

Con chua du lon de thau hieu

Bởi vậy, khi con lên hai tuổi, mẹ đã tự đi tìm việc nhưng mẹ chỉ xin được dạy hợp đồng ngắn hạn hết trường này đến trường nọ, lương rất thấp. Thời gian đó, công việc bấp bênh nhưng mẹ cảm thấy vui vì tự mình mua được hộp sữa hay bộ quần áo cho con. Nhưng nỗ lực của mẹ không được ông bà nhìn nhận, thỉnh thoảng, mẹ vẫn nghe ông kể với khách đến chơi: “Con Xuân mang tiếng đi làm cho có áo quần sua se vậy thôi chứ lương đâu bằng tiền của ông giữ vịt đầu làng bán một mẻ trứng” làm mẹ ứa nước mắt. Bà trách mẹ giả bộ đi làm để trốn việc nhà và nhiều lúc ba quá mệt mỏi vì bị phàn nàn cũng khuyên mẹ nghỉ nhưng mẹ nhất định không chịu.

Sau một thời gian dài phấn đấu, mẹ đã được xét tuyển vào biên chế. Mẹ vui mừng vì giờ đây mẹ đã tự chủ được phần nào và có thể lo lắng nhiều thứ cho các con. Dù vậy, mẹ vẫn canh cánh trong lòng nỗi lo lắng vì phản ứng của con khi phải xa mẹ. Nhưng con à, mình sẽ không phải xa nhau nhiều, mỗi tuần mẹ đều về với các con mà. Và mẹ sẽ cố gắng dạy thật tốt để có cơ hội chuyển trường về gần nhà. Mẹ mong sự bức xúc của con chỉ là nhất thời, dần dần con sẽ quen và hiểu cho mẹ.

Mẹ yêu con nhiều lắm.

HẢI XUÂN

Mẹ và con gái là mối quan hệ rất thân, nhưng đôi khi giữa hai mẹ con cũng có nhiều “niềm riêng làm sao nói hết”. Báo Phụ Nữ mong được làm chiếc cầu nối để mẹ và con gái trao đổi tâm tình với nhau. Hãy viết ra những gì mẹ muốn nói với con gái, con gái muốn thưa với mẹ để mẹ con mình luôn có nhau trên đời.

Kính mời các bạn gửi bài, ý kiến, qua các địa chỉ:

- Trang chủ của phunuonline.com.vn, vào mục Gửi bài ở cuối trang
- Hoặc theo địa chỉ: truongsonpntp@yahoo.com
- Hoặc viết vào phần Bình luận phía dưới mỗi bài của chuyên đề

Trân trọng cảm ơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI