Coi chồng con là người dưng mới thấy hy sinh là… dại

25/03/2015 - 16:04

PNO - PN - Nếu chị nào cho rằng hy sinh vì chồng con là dại thì tôi đồ rằng các chị ấy đã từng thất vọng về hôn nhân, về cách chồng chị đối xử với chị hay ít nhất là những gì chồng làm cho chị không được như chị trông đợi nên...

edf40wrjww2tblPage:Content

Thực ra, chỉ những ai tính toán, so đo mới thấy mình dại dột bởi công lao của họ không được đền đáp xứng đáng hoặc sự quan tâm của họ dành cho người không xứng đáng. Mà khi hôn nhân đã được đưa lên bàn cân tức là cuộc hôn nhân đó “có vấn đề” rồi.

Nhận định “hy sinh chồng con là… dại” còn xuất phát từ sự mất cân đối giữa việc chăm lo cho chồng, con và quan tâm đến bản thân mình. Tôi ngạc nhiên vì cách một số người xem chồng, con chẳng khác người dưng nên họ mới thấy mình "ngu dại" khi tận tâm tận lực "phục vụ" những "người dưng" đó. Chứ nếu con cái thực sự là một phần máu thịt của họ, còn chồng được xem như nửa kia không thể thiếu của cuộc đời họ, có lẽ họ đã quan tâm, chăm sóc chồng, con mình với một tâm thế khác.

Tôi không thích thuê người giúp việc để phó thác hết chuyện nhà cửa, bếp núc cho họ để bản thân được rảnh rang như cách nhiều chị tự cho là "tiến bộ" đang làm, nhưng tôi cũng không đồng tình việc vợ chồng con cái cơm hàng cháo chợ thường xuyên mà tôi chọn dung hoà giữa hai thứ.

Những ngày trong tuần, tôi chịu khó dậy sớm đi chợ, nấu nướng sẵn cho cả nhà, rồi chiều đến lại hối hả về nhanh để kịp chuẩn bị bữa tối. Tất bật lắm chứ, mỏi mệt lắm chứ, nhất là những ngày trong người không được khoẻ hay khi bị áp lực công việc ở công ty nhưng tôi thấy an tâm về chuyện ăn uống của người thân của mình.

Coi chong con la nguoi dung moi thay hy sinh la… dai

Bù lại, cuối tuần cả nhà sẽ đi ăn uống ở ngoài, vừa là dịp giải trí, thư giãn sau cả tuần mệt nhọc, vừa giúp tôi - người giữ nhiệm vụ “điều phối” chính những việc có tên lẫn không tên trong nhà cảm thấy được bù đắp và không có cảm giác phải cắm mặt trong bếp suốt cả tuần.

Đó là chuyện trong nhà. Còn chuyện giao tế bên ngoài xã hội ư? Vì đặc thù công việc, chồng tôi thường vắng nhà sau giờ làm việc nhưng những lúc đó, thay vì cũng tụ tập bạn bè, đi mua sắm, spa hay làm gì đó cho riêng mình thì tôi ở nhà, lo cho con ăn uống, tắm rửa, dạy chúng học vì nếu tôi cũng vắng nhà vào những lúc đó chỉ vì để khỏi thiệt thòi so với chồng thì ai sẽ thay tôi lo cho con? Xin nói ngay là tôi không muốn nhờ người khác giúp tôi làm những việc đó dù hoàn toàn có khả năng.

Nhưng bạn đừng vội cho là tôi "lép vế", tôi không chịu “thua” chồng mình đâu, tôi sẽ đợi khi có dịp họp mặt bạn cũ, khi mấy cô bạn thân rủ rê cà phê cà pháo hay chỉ đơn giản là hẹn hò nhau để… tám cho xả stress thì tôi sẽ không ngại từ chối. Những lúc ấy, tôi sẽ thoả thuận để chồng tôi ở nhà với bọn trẻ, còn tôi tự do hoàn toàn. Tôi đã từng có những buổi “off-line” thú vị cùng bạn bè riêng của mình mà chẳng hề có cảm giác bị chồng “xử ép” khi chỉ anh mới “có quyền” tung tẩy bên ngoài.

Chồng tôi không nhất thiết phải biết nấu ăn, lau nhà, nhưng mỗi năm vài lần anh ấy đưa cả nhà đi du lịch, sắm cho vợ vài món nữ trang ưa thích, anh ấy để tôi mua sắm tuỳ thích mà không hề phàn nàn, đó là những điều mà không phải người phụ nữ nào cũng được "hưởng" khiến tôi thấy nếu phải "kể công" về những gì tôi đã làm cho anh, cho những đứa con chung của chúng tôi quả thực là một việc làm lố bịch. Càng kệch cỡm hơn khi cứ khăng khăng đòi anh ấy phải rửa chén sau khi bạn nấu cơm, hoặc anh ấy phải phơi đồ sau khi bạn giặt xong, hay phải ủi đồ cho cả nhà trong lúc bạn lau sàn.

Coi chong con la nguoi dung moi thay hy sinh la… dai

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Nếu không có điều kiện thuê người giúp việc, hãy nhờ anh ấy giúp một tay khi bạn không đủ sức hoặc thời gian để thực hiện hết tất cả các việc ấy nhưng hãy yêu cầu giúp đỡ với tâm thế chia sẻ, “chung sức” chứ không phải đòi hỏi sự công bằng, bình đẳng một cách cứng nhắc, giáo điều.

Đừng ôm đồm quá, đừng vơ hết vào mình hay biến mình thành siêu nhân để rồi lúc nào đó, khi đã quá tải hoặc khi "cơm không lành canh không ngọt", bạn lại ta thán, kể khổ sao mình không có "số hưởng", sao mình cứ thiệt thòi hay tích cực hơn là nhận ra bạn đã không yêu thương bản thân mình vừa đủ.

Hãy chăm sóc chồng, con với tất cả tình yêu thương khi và chỉ khi những việc bạn làm khiến bạn thấy hạnh phúc vì chỉ như vậy bạn mới không nuối tiếc hay so đo tính toán như khi bạn làm cho ai khác hay vì ai khác, ngay cả khi "ai khác” ấy chính là chồng hoặc con bạn. Còn nếu bạn cho rằng hạnh phúc của chồng, con cũng là hạnh phúc của bạn, bạn chỉ hạnh phúc khi thấy họ hạnh phúc thì sau này đừng cho là mình “dại dột” và đổ cho những gì bạn làm vì họ là do bạn “hy sinh”, nhé!

Đừng cố tìm cách cân bằng bài toán hôn nhân của mình bởi biết đâu khi ấy bạn cũng đồng thời làm phép chia đôi mái ấm của mình mà không biết! Vì vậy, "khôn" hay "dại" đôi khi chỉ khác nhau ở cách bạn quan niệm như thế nào về hôn nhân, về vai trò của bạn đối với những người thân yêu nhất của mình cũng như ý nghĩa của việc làm cho chính mình và người mình yêu hạnh phúc chứ không phải ở những định nghĩa nông cạn về bình đẳng giới!

ĐỖ THU VÂN

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI