Chuyên đề Người già trong 'cơn bão': Dưỡng nuôi cha mẹ, là dưỡng nuôi chúng ta

03/12/2017 - 07:00

PNO - Có nên nuôi cha mẹ không? Có nên làm bà ngoại cặm cụi vì cháu không? Những câu hỏi đôi khi khiến chúng ta lừng khừng không biết tiến lui thế nào cho đúng?

Chúng ta thường có chút áp lực phải làm gì cho con cái để chúng được đủ đầy, lo lắng, băn khoăn về chuyện giáo dục để chúng trưởng thành tốt đẹp. Không biết bao nhiêu người đang đau đáu lo cho con mình ấy, có khi nào tự hỏi đã làm gì để cha mẹ mình được vui hơn. 

Chuyen de Nguoi gia trong 'con bao': Duong nuoi cha me, la duong nuoi chung ta
 

Tôi quan sát một đứa cháu gần hai tuổi, để ý thấy mỗi khi mẹ cháu than đau đớn hay trên gương mặt biểu lộ sự khó chịu thì lập tức nó có phản ứng. Đứa bé đó đã nhìn ra và cảm thông được nỗi đau của người khác, biết cách an ủi giúp họ thấy khá hơn. Những đứa trẻ ấy sẽ lớn lên, hòa nhập vào xã hội và dần đánh mất những điều tốt đẹp mình từng làm cho cha mẹ. Vô vàn những câu chuyện như con cái mệt mỏi, than phiền vì sự… đòi hỏi và “nhõng nhẽo” của cha mẹ khi về già, đùn đẩy trách nhiệm chăm lo cha mẹ và nhiều chuyện đau lòng khác.

Cái lạ là chúng ta nhấn mạnh đến lòng hiếu thảo được thể hiện sau khi cha mẹ… đã vĩnh viễn ra đi, khi tập trung vào việc lo ma chay, giỗ chạp sau này. Tôi muốn nhấn mạnh, người sống trên cõi đời chỉ có hai mối quan hệ được xếp vào hàng cao nhất, có tính luân lý nhất, đó là với những người do mình đẻ ra, nuôi dưỡng và những người đẻ ra, nuôi dưỡng mình. Vậy nên, lo lắng cho việc nuôi dưỡng giáo dục con cái, chúng ta cũng cần quan tâm đến việc nuôi dưỡng, chăm lo cho những người đã sinh dưỡng nên mình.

Như một hướng dẫn cho những người làm con quan tâm đến cha mẹ của mình, trang Scientific American (khoa học Hoa Kỳ) có đưa ra bốn gợi ý sau: 

Xây dựng cho mình một cuộc sống hạnh phúc

Một nghiên cứu của Đại học Texas tại Austin với trên 600 phụ huynh trung niên cho thấy, cha mẹ là những người thật sự bận tâm đến an nguy trong cuộc sống của con cái, nếu đứa con xảy ra chuyện gì sẽ kéo tinh thần, thể xác của cha mẹ đi xuống. Karen Fingerman - tác giả chính của nghiên cứu này cho biết, cha mẹ có vẻ đầu tư nhiều vào con cái hơn là chính họ. Vì vậy, để giảm bớt gánh nặng cho cha mẹ, khi bạn gặp một sự cố nghiêm trọng, hãy cố gắng hiểu sự lo lắng, suy sụp có thể xảy ra khi họ nghe được tin đó, để cân nhắc chọn lựa cách thức thông báo tin xấu cho cha mẹ. 

Để trấn an cha mẹ, nghiên cứu này gợi ý, "chỉ cần cung cấp cho họ những thông tin tích cực của bạn thì hay hơn so với việc gọi điện và phàn nàn”. Về cơ bản, chúng ta xây dựng cho bản thân và gia đình riêng của mình thật sự hạnh phúc sẽ tốt cho cha mẹ rất nhiều, hơn là mang tiền về cho họ.

Chuyen de Nguoi gia trong 'con bao': Duong nuoi cha me, la duong nuoi chung ta
 

Tôi từng trải qua thác ghềnh và nhận ra sự lo lắng, buồn phiền của cha mẹ mình khi ngồi phía sau xe trong một lần về quê. Ba tôi nói: “Con thu xếp xem, nếu thật sự không hài lòng về những gì đang diễn ra, thì hãy quyết định dứt khoát một lần, chứ cù cưa thế này ba má ở nhà cũng lo lắng, buồn phiền lắm”. Đó là câu nói khiến tôi động lòng, ba nói ra sau gần 10 năm tôi có chuyện không vui trong đời sống riêng. Sau này, khi em trai tôi bị tai nạn, dù các bác sĩ đã cố gắng hết sức nhưng em không qua khỏi, ba má tôi lại thêm một lần đau đớn. Từ đó hai người trở nên “dễ vỡ” hơn. Ngược lại, cũng xuất phát từ những đứa con, khi chúng tôi có tin vui về cuộc sống của mình, ba má tôi cũng vui theo, phấn khởi hơn, thêm nhiều điều tích cực hơn.

Chấp nhận sự giúp đỡ

Có lẽ điều này từng là chủ đề gây tranh luận ở Việt Nam khi những đứa con lúc lên chức bố mẹ lại vời ông bà… “nhập thị” để chăm sóc con cái của mình, tức cháu của ông bà. Có thể đó là một điều không hay khi chúng ta tước mất thời gian nghỉ ngơi xả hơi của ông bà, nhưng bù lại họ cũng vui hơn, vì thấy mình vẫn có giá trị, con cái vẫn cần đến mình - vai trò của cha mẹ lại được tiếp tục dù con cái đã lớn. Nếu xem đó là sự giúp đỡ tự nguyện của ông bà thì mọi chuyện đều tốt lành.

Một nghiên cứu khác của Fingerman và các đồng nghiệp, điều tra xem cha mẹ lớn tuổi có giúp đỡ nhiều hơn cho con cái trưởng thành. Ban đầu, nghiên cứu "giả định đó là điều xấu", nhưng kết quả cho thấy, các bậc cha mẹ lớn tuổi sẵn lòng giúp đỡ con cái trong một thời gian, nếu họ thấy mức độ hài lòng và hạnh phúc của con mình tăng lên. 

Dù vậy, tôi muốn nhấn mạnh đó là sự giúp đỡ của ông bà chứ không phải là trách nhiệm của họ. Nếu chúng ta quan tâm đến cuộc sống riêng của cha mẹ, dành thời gian nói chuyện, trao đổi với ông bà, họ sẽ hài lòng hơn và thấy việc giúp đỡ con cái có giá trị.

Chuyen de Nguoi gia trong 'con bao': Duong nuoi cha me, la duong nuoi chung ta
 

Không dạy bảo cha mẹ phải làm gì

Howard Gleckman, tác giả cuốn “Chăm sóc cho cha mẹ” (Nhà xuất bản St. Martin, 2009) cho biết, một trong những sai lầm lớn nhất mà đứa con có xu hướng làm là cố gắng làm cha mẹ của... cha mẹ họ. Thế nhưng, những người làm con ở nước ta có vẻ vẫn luôn làm thế. Họ quản lý cuộc sống của cha mẹ khi về già, cho phép cha mẹ làm điều này và không được làm điều kia, họ còn không cho cha/mẹ đơn thân được quyền yêu đương hay cưới một người khác… Điều đó hạ thấp phẩm giá, tước mất tự do cũng như không tôn trọng ông bà. 

Điều cần lưu tâm là dù cha mẹ lớn tuổi thì chúng ta cũng không được phép tước quyền tự do cá nhân của họ, mà cần phải đề cao hơn nữa để họ trở thành những con người viên mãn trọn vẹn. Tôi thích thú khi thấy những ông bà lớn tuổi tự lo cho cuộc sống của mình, sống riêng độc lập với con cái. Vậy nên chúng ta đừng bao giờ trở thành cha mẹ của cha mẹ mà phải giữ đúng chức năng làm con của mình.

Trong quá trình tham vấn cho nhiều người, tôi luôn nhấn mạnh đến chức năng đúng của nhiều khách hàng/thân chủ. Một mối quan hệ chỉ khỏe mạnh khi mỗi người trong mối quan hệ đó sống đúng với chức năng của mình. Nếu để xảy ra tình trạng “loạn chức năng”, các mối quan hệ sẽ có vấn đề ngay.

Chuyen de Nguoi gia trong 'con bao': Duong nuoi cha me, la duong nuoi chung ta
 

Có sự kiên nhẫn

Nếu chúng ta cần kiên nhẫn khi nuôi dưỡng con cái, thì với cha mẹ, chúng ta cũng cần sự kiên nhẫn trong chăm sóc họ. Đôi khi cha mẹ sẽ có chút đắn đo khi con cái chăm sóc mình, nhất là những đứa con đã có gia đình riêng, vì vậy có thể họ trở nên nhạy cảm hơn với cách hành xử của con cái. 

Thời gian bà nội tôi nằm bệnh do tai biến, tôi còn nhớ khi có người lạ vào thăm, bà thường than thở mình đói, không được cho ăn. Má tôi cho hay vừa mới bón cho bà ăn xong, điều này đòi hỏi ba má tôi phải rất kiên nhẫn, nếu không rất dễ bực mình, thậm chí có thể trách giận bà tôi.

Chúng tôi vừa kết thúc một buổi huấn luyện liên quan đến việc hướng dẫn cha mẹ cách thức nuôi dưỡng con cái (parenting) và nhận ra chúng ta cũng cần nói thêm về cách thức chăm sóc cha mẹ. Có lẽ như vậy mới tạo ra sự cân bằng, vì cuộc sống đòi hỏi cả hai: vừa nuôi dưỡng con cái nên người để là bậc cha mẹ tốt, vừa dưỡng dục cha mẹ để là đứa con hiếu thảo. Hơn nữa, khi chúng ta biết cách chăm sóc cha mẹ, cũng là cách thức có giá trị để hướng dẫn con cái mình trở thành một đứa con đàng hoàng, chú tâm đến dưỡng nuôi cha mẹ là chính chúng ta sau này. 

Ngô Minh Uy

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI