Chỉ tại “bác thằng bần”!

19/05/2013 - 07:30

PNO - PNCN - Sau phiên tòa ngày 7/5/2013, ngồi bệt bên hông phòng xét xử, cạnh ba đứa con nhỏ, chị Văn Thị Kim T. (38 tuổi, xã Bà Điểm, Hóc Môn, TP.HCM) than trách, khóc lóc, gây ồn ào ảnh hưởng vụ xử tiếp theo. Nhân viên Tòa án Hóc Môn phải...

Chi tai “bac thang ban”!

Bài bạc “sạt” nhà

Khi chị ngồi khóc, người anh chồng hỏi: “Bây giờ em mới thấm thía sao?”. Chị càng ức lòng: “Em thấm thía lâu rồi, nửa năm nay em bỏ bài bạc, chú tâm lo cho chồng con. Vậy mà anh không thương, cứ làm áp lực để chồng em nộp đơn bỏ em”. Trách anh chồng xúi giục, trách tòa “thiếu tình”, trách chồng không quan tâm, chia sẻ, khiến chị buồn, đi đánh bài, chỉ riêng với bản thân mình, chị buông một câu nhẹ tênh: “Đời người ai cũng có lỗi lầm, tôi đã biết lỗi thì phải tha thứ cho tôi chứ!”.

Khoảng năm 2009, chị T. bị rủ rê rồi sinh tật bài bạc. Lúc đầu chơi “ăn”, chị ham hố, rồi ngày càng “lậm”. Trước tòa, chồng chị, anh Phạm Trường H. (43 tuổi) kể, nhiều đêm T. lén đi đánh bài không về. Một lần “đánh lớn” ở đường Âu Cơ, Q.Tân Phú, TP.HCM T. thua 22 triệu, không có tiền trả, bị giữ lại. T. phải điện thoại nhờ chồng nộp tiền “giải cứu”. Suốt mấy năm qua, thu nhập từ xưởng gỗ của gia đình phải “cúng” cho giang hồ để được yên thân. Uy tín làm ăn ít nhiều bị giảm sút do nhiều người đến xưởng đòi nợ. Anh H. cho biết, đã trả nợ thay vợ 97 triệu đồng. Ngoài ra, chị T. còn đem cầm một xe tay ga và lấy cắp 1,1 lượng vàng mà mẹ anh H. gửi vợ chồng anh cất giùm. Những người dự khán phiên tòa chặc lưỡi theo từng dẫn chứng của anh H. về chuyện vợ bị “con ma cờ bạc” nhập.

Tại phiên tòa, chị T. khai hiện đang còn nợ hơn 90 triệu đồng, do vay nóng, lãi “khủng”. Thực ra, số nợ gốc chỉ khoảng 60 triệu đồng, mỗi tháng lãi đẻ ra trên dưới 10 triệu đồng. Chị T. ở nhà nội trợ, nuôi con và phụ việc xưởng gỗ, không có thu nhập riêng nên việc âm thầm tự thanh toán nợ nần là không thể. Để có tiền trả, chơi tiếp… và ngày càng lún sâu.

Trong bốn - năm lần hòa giải và tại phiên tòa xét xử ly hôn, anh H. vẫn không lay chuyển ý định. Chị T. luôn năn nỉ xin được tha thứ để giữ mái ấm, vợ chồng con cái không chia năm xẻ bảy. Tòa hỏi anh H. có thay đổi ý định, anh thản nhiên đáp: “Tôi còn muốn van lạy xin tòa cho tôi được ly hôn. Tôi sợ lắm rồi! Ngán lắm rồi. Chỉ mong thoát ra được sớm chừng nào tốt chừng nấy”. Xét thấy mâu thuẫn vợ chồng anh H. đã trầm trọng, không thể cứu vãn, tình cảm hai phía không còn, mục đích hôn nhân không thể đạt được, tòa tuyên cho ly hôn. Anh H. trực tiếp nuôi hai con gái (12 tuổi và năm tuổi), chị T. trực tiếp nuôi con trai (hai tuổi), không ai cấp dưỡng cho ai.

Chi tai “bac thang ban”!

Chi tai “bac thang ban”!

Chị Văn Thị Kim T. và các con tại Tòa án Hóc Môn

Quá tam ba bận

Trước, trong và sau phiên tòa, chị T. nước mắt giàn giụa, chị nói nấc nghẹn, đứt quãng. Chị bảo đã bỏ bài bạc nửa năm nay mà chồng vẫn không ghi nhận. Nhìn chai sữa chị pha sẵn mang cho con nhỏ, nhiều người có mặt tại tòa động lòng. Có người bảo “tội chị”, anh H. vặn lại: “Tội gì, tội chưa kể hết thì có!”. Đôi mắt ngầu đục, vô cảm, anh không cho rằng vợ khóc có nghĩa là hối lỗi, là sẽ sửa đổi như đã hứa. Anh đã tìm mọi cách kéo vợ ra khỏi vũng lầy, đã cho vợ cơ hội cuối cùng tới… lần thứ năm. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn, T. vẫn “ngựa quen đường cũ”. Biện pháp cứng rắn lẫn mềm dẻo, anh đã dùng cả rồi. Anh H. bảo: “Nếu còn đánh bài, sẽ chặt tay”, chị T. cũng chấp nhận. Bắt vợ ở sòng bạc, do quá tức giận, anh H. đánh, tát, lôi vợ về. Nhưng về tới nhà, anh dùng lời lẽ khuyên nhủ. Gom góp tiền trả nợ thay vợ, anh H. hy vọng chị sẽ tỉnh cơn mê, gia đình khỏi “sạt lở” bởi vòng xoáy tệ nạn. Nhưng kịch bản không thay đổi, T. vẫn khóc, hứa, thề và lại “đỏ đen”. Từ chỗ tin vợ, giờ anh H. chuyển sang tin… vợ hết thuốc chữa.

Chị T. và anh H. kết hôn năm 2001 sau 10 năm tìm hiểu, yêu nhau. Vợ chồng sống khá đầm ấm, có ba mặt con. Từng ấy nghĩa tình nên không dễ dàng dứt bỏ, chỉ do “già néo đứt dây”. Theo anh H., ngoài lý do vợ chơi bài, ảnh hưởng kinh tế gia đình, tạo gương xấu cho các con, còn có lý do khác khiến anh cương quyết từ bỏ cuộc hôn nhân là vì vợ anh đã thay đổi tính tình 1800. Cũng là nguyên nhân “thứ phát” từ bài bạc mà ra. Từ chỗ ăn nói nhẹ nhàng, tế nhị, chừng mực, quán xuyến việc nhà cửa, chồng con, T. trở nên cộc cằn, hỗn láo (nhất là khi thua bài). “Gần mực thì đen”, T. ăn nói “khói lửa” hơn hẳn từ lúc tiếp xúc, giao du với kẻ xấu. Không vừa ý con cái, hoặc chỉ là con kén ăn, T. cũng chửi mắng, phang chổi, ném dép. Hơn nữa, tình yêu ở anh H. cũng chết dần sau những lần vợ bỏ bê chồng con đi đêm, những lần T. xảo trá, chôm đồ nhà cầm bán rồi lại giả như vô tội. Mẹ anh H. ở chung nhà nhưng không chịu nổi không khí gia đình u uất, đã về quê ở Đà Nẵng hơn tháng nay. Anh H. không muốn ôm mãi một mối quan hệ ung thối để liên lụy nhiều người.

Sau phiên tòa, bên hông phòng xét xử, bốn mẹ con quấn lấy nhau, bất kể đã quá trưa, bất kể anh H. và người bác kéo hai bé gái về, bất kể nội dung tòa tuyên... Liệu rồi hai năm sau, 5 năm sau, chị T. có thực sự chiến thắng bản thân, tu tỉnh làm ăn, gia đình có “gương vỡ lại lành” như câu nói đầy nhân hậu của vị thẩm phán - chủ tọa khi khép lại phiên sơ thẩm?

TÔ DIỆU HIỀN

Nợ không chính đáng, ai làm nấy lãnh!

Trường hợp của chị T. và anh H. hiện không hiếm trong xã hội ta. Thật đáng tiếc khi trong gia đình, vợ, chồng đã không làm tròn bổn phận của mình, vi phạm pháp luật, tham gia tệ nạn xã hội, đưa hạnh phúc gia đình đến bờ vực thẳm. Nếu chị T. sớm thức tỉnh, có lẽ gia đình chị đã không rơi vào hoàn cảnh đổ vỡ như vậy.

Anh H. đã cố gắng cứu vãn hạnh phúc gia đình nhưng đều không có kết quả. Trong đó có việc anh H. trả nợ “bài bạc” thay cho chị T., trong khi đây là nợ riêng của cá nhân chị T. không nhằm vào mục đích sinh hoạt thiết yếu của gia đình (anh H. không có nghĩa vụ phải trả khoản nợ này). Theo điều 25 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ, chồng chỉ phải chịu trách nhiệm liên đới đối với giao dịch dân sự hợp pháp do một trong hai người thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt thiết yếu của gia đình (được hiểu là nhu cầu về ăn, mặc, ở, chăm sóc sức khỏe, học hành,…).

Theo Luật Hôn nhân và Gia đình (điều 37), “Cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận; làm gương tốt cho các con về mọi mặt; phối hợp chặt chẽ với nhà trường và các tổ chức xã hội trong việc giáo dục con”. Rất tiếc, chị T. đã không nêu được gương tốt cho các con của mình. Dù ly hôn nhưng chị T. và anh H. vẫn có quyền và nghĩa vụ thăm nom, chăm sóc các con chung, không ai được quyền cản trở chị T. và anh H. thực hiện quyền, nghĩa vụ này. Mọi hành vi cản trở sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Có thể chị T. đã hối hận về việc làm của mình. Nhưng chị T. vẫn còn thời gian và cơ hội để sửa sai, để chứng minh tình cảm, sự quan tâm lo lắng cho các con và đặc biệt là tình cảm dành cho anh H. Sau này, nếu anh H. và chị T. quyết định kết hôn lại thì hôn nhân này vẫn được pháp luật công nhận.

Thạc sĩ - Luật sư Đinh Bá Trung (Công ty Luật TNHH Tín Nhiệm, Đoàn Luật sư TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI