Người đàn ông thương tôi vô điều kiện

24/07/2025 - 17:38

PNO - Sinh ra là con út trong gia đình, có cha mẹ và anh Hai yêu thương, tôi thấy mình hạnh phúc hơn bất kỳ ai.

Những năm đầu 1990, cha mẹ tôi cưới nhau trong nghèo khó. Đến năm 1994, ba mẹ sinh được anh Hai và không có ý định sinh thêm, vì sợ không lo được cho con đủ đầy.

Chẳng biết thế nào, mẹ lại mang bầu tôi khi anh tròn 6 tuổi. Không đành lòng bỏ đi núm ruột của mình, mẹ quyết định sinh tôi ra - dù cái nghèo vẫn còn đeo đẳng.

Ảnh mang tính chất minh họa - Nguồn: Pinterest
Ảnh mang tính chất minh họa - Nguồn: Pinterest

Tôi chập chững biết đi, cha mẹ đã quần quật ngoài đồng, anh hai gồng mình chăm em nhỏ. Tôi hay khóc nhè, ăn vạ, ức hiếp anh hai.

Mẹ kể, hồi tôi 3 - 4 tuổi, mẹ nghe tiếng tôi khóc um ngoài trước nhà. Tưởng tôi bị anh Hai đánh nên mẹ lật đật chạy ra, thấy tôi nằm dài dưới đất, chân tay đập liên hồi, còn anh Hai chỉ đứng yên bên cạnh.

Mẹ hỏi lý do thì tôi vừa khóc, vừa nói: “Ai biểu anh Hai đi trước con”. Thì ra, chỉ vì anh dắt tôi đi chơi mà lỡ đi đằng trước nên tôi khóc đến vậy. Chắc trời đã định sẵn tôi là người chiếm ưu thế trong mối quan hệ này.

Anh em tôi lớn lên tại một vùng quê ở miền Tây. Ngày nhỏ, tôi theo anh lon ton cả ngày. Anh là người đàn ông ấm áp nhất mà tôi từng gặp - hơn cả Cha.

Cha mẹ tiếp khách trong nhà, anh dắt tôi ra ruộng giăng lưới cá. Chiều mát, anh lấy bọc nilon làm diều cho tôi thả, khi thì lấy dây thun quấn thành trái banh nhỏ, rủ đám trẻ trong sớm chơi cùng. Tối tối, anh dắt tôi ra đám tràm ngoài mé sông, bắt đom đóm bỏ vào bịch ni long trong suốt. Tôi cầm cái “lồng đèn” ấy đi chơi khắp nơi - thấy chẳng đứa trẻ nào trong xóm hạnh phúc bằng mình.

Rồi anh lớn, tôi cũng lớn, anh em không còn gần nhau như trước. Nhưng tôi biết anh vẫn thương tôi lắm. Có lần, anh giận mẹ vì hay la anh đi sớm về khuya. Cả tháng trời, mẹ con cứ buồn rầu, chẳng nói điều gì với nhau.

Hôm mẹ vắng nhà, tôi hẹn anh nói chuyện. Chưa kịp trình bài, tôi đã khóc lóc: “Anh Hai có giận gì thì nói, chứ sao lại giận mẹ, mẹ buồn, mẹ khóc”. Anh xoa đầu tôi, vỗ về, rồi kể tôi nghe sự vất vả và ấm ức của anh mà mẹ chẳng hiểu được.

Hôm sau, tôi kể lại cho mẹ nghe. Buổi tối, anh đi làm về, mở câu chào đầu tiên sau 1 tháng: “Hôm nay ăn cơm với gì hả mẹ?”. Mẹ trả lời, 2 người nói chuyện vui vẻ. Tôi cũng khẽ cười.

Học xong cấp III, tôi quyết tâm theo ngành du lịch nhưng chẳng ai đồng ý. Anh Hai lại thủ thỉ: “Cứ ráng mà thi, anh lo cho. Nhưng đã học là phải học cho giỏi, đừng để vất vả xin việc như anh”.

Nói là làm, anh nuôi tôi suốt 4 năm đại học. Tôi cần laptop, anh làm thêm để mua. Tôi cần máy ảnh, anh vay mượn để sắm. Tôi hết tiền, anh ứng lương mà gửi. Cứ thế, tôi hoàn thành việc học dù gia cảnh khó khăn.

Thấm thoát, anh cũng có người thương, anh hay gọi điện cho tôi để tâm sự chuyện tình yêu. Anh lấy vợ, tôi cũng chạnh lòng nhiều, vì sợ phải “ra rìa”. Nhưng thực ra, anh vẫn thương tôi như ngày tôi còn bé.

Đợt dịch COVID-19, tôi về quê ở suốt 6 tháng. Có hôm, tôi thèm snack nên gọi anh mua một gói nhỏ, rồi thấy anh mang về một dây lớn hơn chục bịch. Cơ quan anh ăn liên hoan, anh ngồi chơi nửa tiếng thì xin về để… mua trà sữa cho em gái. Trong cơ quan, ai cũng biết anh thương tôi nhất.

Khi tôi có ý định học lên cao học, anh đốc thúc liên hồi, bảo rằng có thiếu tiền thì anh phụ - dù anh đã có con, và phải làm việc quần quật mỗi ngày để lo cho gia đình nhỏ.

Gần đây, mẹ lo tôi “ế chồng”. Tôi thì nói mình không lấy chồng, khi già về mua đất, cất nhà rồi sống một mình. Anh cắt ngang: “Không lấy chồng thì về ở với anh, ở chi đâu xa!”.

Một dạo, có mấy anh chàng “không nên thân” hay theo anh xin làm em rể, anh phớt lờ vì không ưng nết “tham ăn, nhác làm”. Tôi lại ghẹo: “Hay em lấy chồng để có người nuôi em?”. Anh hai quay phắt: "Thà về ở với anh chứ lấy hắn không an toàn".

Ngoài cha tôi, anh Hai là người đàn ông thương tôi nhất đời này.

Tuấn Khôi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI